Giun xoắn - kẻ sát nhân nguy hiểm
Một nam thanh niên tử vong sau khi ăn thịt lợn ốm |
Một tuần sau, hai bệnh nhân diễn biến nặng hơn nên chuyển BV bệnh nhiệt đới TƯ ngày 25.12. Bệnh viện Nhiệt đới chẩn đoán họ nhiễm giun xoắn.
Giun xoắn (nguồn: laurinemoreau.com) |
Hậu quả, anh P.P.H, 33 tuổi, do bệnh quá nặng đã suy hô hấp, ngừng tim, tử vong ngày 27.12.2017. Bệnh nhân còn lại là anh L.L.G, 24 tuổi, dân tộc Hà Nhì, gầy guộc do suy kiệt, đau dữ dội các cơ, nói khó khăn, không nuốt, không ăn uống được, phải bơm thức ăn qua sonde dạ dày và truyền tĩnh mạch để nuôi dưỡng, đã sụt gần 20kg trong chưa đầy một tháng.
Ngày 4.1.2018, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới thông tin, anh G đã qua được nguy kịch. Bệnh nhân đã uống thuốc diệt ký sinh trùng nhưng xác giun xoắn và độc tố giun vẫn còn trong cơ nên vẫn phản ứng viêm, gây đau đớn, phải điều trị hàng tháng đau cơ mới hết; tuy không bị suy hô hấp, hay viêm nhiễm thần kinh trung ương nhưng chưa thể tiên lượng được những di chứng gì!
Bệnh do giun xoắn tuy ít mắc nhưng tử vong rất cao!
Năm 2013, khoa Truyền nhiễm, BV tỉnh Điện Biên tiếp nhận rải rác 7 bệnh nhân bị nhiễm giun xoắn. Cả 7 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, phù nề, đau nhức cơ, tiêu chảy... Những bệnh nhân này đều ăn tiết canh và thịt lợn chưa nấu chín.
Trong 10 năm qua, Bệnh viện Nhiệt đới TƯ cũng chỉ gặp 4 vụ nhiễm loại ký sinh trùng này. Năm 2012, Viện tiếp nhận 2 vợ chồng cùng bệnh này, trong số 4 người ở Mường Lát, Thanh Hóa, biểu hiện sốt cao, phù nề, đau cơ nhiều, tiêu chảy... Khai thác bệnh sử nghi ngờ nhiễm giun xoắn nên đã lấy mẫu huyết thanh và sinh thiết cơ gửi Viện Ký sinh trùng và côn trùng TƯ, Đại học Y Hà Nội để xét nghiệm.
Kết quả, 2 mẫu huyết thanh đều dương tính với giun xoắn; mẫu sinh thiết cơ không thấy kén ấu trùng giun. Sau 1 tuần điều trị, người vợ hết sốt, tiêu chảy, phù nề giảm nhiều, người chồng thuyên giảm chậm phải tiếp tục điều trị.
Thời điểm này còn phát hiện món nem thịt lợn thu ở tỉnh Yên Bái (do nghi ngờ) có tới 879 ấu trùng giun xoắn trong một gam nem và một gam thịt từ một con heo khác có 70 ấu trùng giun xoắn. Năm 2009, ở Sơn La, sau khi ăn tiết canh, nem chạo từ thịt con lợn sề liệt chân, 23 người sốt cao, đau dữ dội toàn thân, thở cũng đau; 2 người tử vong, 6 người phải chuyển tuyến TƯ, còn lại điều trị tại tỉnh. Trong mẫu cơ sinh thiết của những người về tuyến TƯ có ấu trung giun xoắn.
Cả ấu trùng và giun trưởng thành đều gây bệnh và ban đầu càng nhiễm nhiều ấu trùng bệnh càng nặng, các giai đoạn của bệnh càng sớm xuất hiện. Khi vào cơ thể vật chủ, ấu trùng giun xoắn thoát kén ở dạ dày, 1 - 2h sau di chuyển đến ruột non, sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập niêm mạc ruột.
Sau 4 - 5 ngày, giun cái đã đẻ trong mạch bạch huyết và đẻ từ 500 - 1.500 ấu trùng trong khoảng 4 - 6 tuần. Ấu trùng xâm nhập hệ tuần hoàn và từ tim trái đến các nơi trong cơ thể ký sinh, tạo kén. Sau 10 - 15 ngày, kén có khả năng lây nhiễm. Sau 6 - 9 tháng, kén sẽ bị vôi hóa dần. Kén trong cơ có thể tồn tại vài năm, có khi đến 20 - 30 năm và vẫn có khả năng lây nhiễm.
Giun xoắn ký sinh ở niêm mạc ruột gây ra các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, khát nước, táo bón, chán ăn, chướng bụng, buồn nôn hoặc ói mửa, ra nhiều mồ hôi, cảm giác ớn lạnh; càng nhiều giun ruột viêm càng nặng; một số trường hợp có ban xuất huyết dưới da, đôi khi bị chuột rút hoặc khó thở khi gắng sức, người dần yếu. Các biểu hiện này diễn ra khoảng 2 - 7 ngày, đôi khi kéo dài hơn.
Được đẻ trong hệ bạch mạnh, ấu trùng từ đây vào hệ tuần hoàn, tới tim phải rồi tim trái, bắt đầu xâm nhập mô cơ và các mô khác thì hầu hết bệnh nhân đều sốt cao, 40 độ C - 41 độ C - điều hiếm thấy đối với nhiễm ký sinh trùng nói chung, trừ ký sinh trùng gây bệnh sốt rét.
Dấu hiệu sớm và đặc trưng của bệnh là phù mi mắt, có khi phù cả đầu hoặc lan xuống cổ. Tiếp đến là đau cơ khi thở sâu, ho, nhai, nuốt, nói, đại tiện; đau cả mặt và cổ; đau khi vận động... Ấu trùng thường di chuyển đến các cơ vân có nhiều mạch máu, nơi giàu dinh dưỡng và chúng rất “ưa thích” các cơ hoạt động tích cực nhất.
Vì vậy, các cơ thường bị xâm nhiễm nhất là lưỡi, cơ hoành, cơ nhai, cơ liên sườn, cơ thanh quản, cơ vận nhãn, cơ vùng gáy, cơ ngực; cơ delta (bờ sau ngoài vai và 1/3 trên cánh tay), cơ mông, bắp tay và các cơ cẳng chân.
Trong cơ, ấu trùng thành kén và tiết độc tố làm tổn thương cơ gây đau đớn, co cứng cơ, hạn chế vận động và yếu cơ; đồng thời xuất hiện các triệu chứng tương ứng với các cơ bị tổn thương: Cơ vận nhãn (gây liệt vận động nhãn cầu); cơ thanh quản (gây khàn giọng); cơ nhai (không ăn uống được), cơ cổ; cơ hoành, cơ liên sườn (gây khó thở, dẫn đến suy hô hấp); các rối loạn này làm bệnh nhân vô cùng mỏi mệt, kiệt sức.
Ở mắt: Xuất huyết kết mạc, viêm kết mạc, phù quanh đồng tử và xuất huyết võng mạc gây rối loạn thị giác. Ngoài cơ vân, ở cơ tim và phổi, não, ấu trùng gây viêm dữ dội làm rối loạn nhịp tim, suy tim; ho, khó thở, suy hô hấp do viêm phổi.
Đặc biệt, tổn thương thần kinh trung ương có thể xảy ra ở 1/4 số bệnh nhân do ấu trùng gây viêm não - màng não hoặc viêm màng não, rối loạn tâm thần, mê sảng, liệt khu trú (tổn thương vùng não phụ trách vận động, gây ra liệt ở phần cơ thể do vùng não này chi phối), giảm hoặc mất phản xạ gân xương; hoặc gây ra các triệu chứng đau đầu, điếc... Một số bệnh nhân bị phù ngoại vi (ngọn chi) và xuất huyết dưới móng tay... Các triệu chứng của giai đoạn ấu trùng xâm nhập diễn ra vài tuần đến vài tháng.
Nếu qua khỏi được thường thấy suy mòn, gày yếu; mất nước nặng; đau cơ còn kéo dài. Các biểu hiện này có thể thấy từ tháng thứ hai trở đi, kể từ khi phát bệnh.
Bệnh hoàn toàn có thể phòng được
Giun xoắn (trichinella) được sinh viên y khoa năm đầu James Paget, người Anh, tìm thấy ở cơ người năm 1835 và sau đó y học nhanh chóng phát hiện chúng có ở khắp thế giới, nhưng nhiều nhất ở Bắc bán cầu. Đến nay, đã xác định được hơn 10 loài giun xoắn, phổ biến là trichinella spiralis ký sinh ở động vật nuôi và gây bệnh cho người; trichinella britovi ký sinh ở lợn rừng, ngựa hoang...; trichinella nelsoni ký sinh chủ yếu ở động vật ăn thịt hoang dã...
Khoảng 20 năm gần đây, dù đã tích cực phòng chống song bệnh giun xoắn ngày một tăng ở nhiều quốc gia, thậm chí còn bùng dịch. Tháng 3.2001, ở Italia có hàng ngàn người mắc và 50% số lợn điều tra nhiễm giun xoắn (thông báo của WHO). Lạm dụng sinh thái ở mọi nơi trên thế giới và không thiết lập hệ thống giám sát chặt chẽ là nguyên nhân số người mắc bệnh tăng lên...
Nhiều nhà khoa học cho rằng cần đưa bệnh giun xoắn lên hàng bệnh cần báo dịch. Vật chủ của giun xoắn là người và vật nuôi như lợn, mèo, ngựa...; động vật hoang dã như cáo, gấu, lợn rừng, chó sói, chuột... Vì vậy bệnh giun xoắn có ổ dịch tự nhiên và ổ dịch gần người, lây cho người bằng đường miệng và không lây từ người sang người.
Giun xoắn là bệnh nặng, đặc biệt nguy hiểm, khó chữa, vượt hẳn giới hạn các bệnh giun sán thông thường bởi rất dễ gây tử vong (đến 30%). Thịt động vật, mà thịt lợn là nguồn lây bệnh chủ yếu, tuy nhiên nếu không ăn tiết canh và nấu chín thịt thì chắc chắn không mắc bệnh.
Theo BS Trần Kiên/ laodong.vn
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/11: Trời nhiều mây, trưa chiều giảm mây trời nắng
Tin khác
Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng
Y tế 22/11/2024 15:22
Nam bệnh nhân mất 1/2 lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
Y tế 22/11/2024 06:03
Thêm giải pháp nâng cao sức khỏe các nhóm yếu thế tại Việt Nam
Y tế 21/11/2024 14:15
Báo động xu hướng trẻ hóa đối tượng nhiễm HIV
Y tế 21/11/2024 07:03
Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời các vấn đề liên quan đến thính giác ở trẻ em
Xã hội 20/11/2024 15:57
Mỗi ngày phát hiện 70 ca mắc bệnh sởi tại Đồng Nai
Y tế 19/11/2024 21:56
Hạnh phúc "nảy mầm" sau 7 năm hiếm muộn
Y tế 19/11/2024 15:10
Gia tăng tình trạng lây nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới
Y tế 18/11/2024 21:00
Quy định mới về tiêu chuẩn sức khoẻ, khám sức khỏe của người lái xe
Y tế 18/11/2024 14:30
Số ca mắc bệnh sởi tăng cao tại tỉnh Đồng Nai
Y tế 17/11/2024 19:03