Multimedia
04/08/2024 15:05
Bài cuối: Những ý kiến gợi mở

04/08/2024 15:05

Việc gia tăng số lượng di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào các Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể đang đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý của Hà Nội nói riêng và ngành văn hóa nói chung. Thực tế cho thấy, muốn bảo tồn hiệu quả và khai thác giá trị bền vững, trước hết, các di sản văn hóa phi vật thể cần được ứng xử thông qua việc phát huy đúng bản sắc, đội ngũ “giữ lửa” có môi trường thực hành thường xuyên và hưởng chế độ đãi ngộ phù hợp. Đặc biệt, hoàn toàn có thể biến văn hóa phi vật thể thành tài nguyên để hình thành nên những cung đường di sản, mang lại giá trị kinh tế.
Bài cuối: Những ý kiến gợi mở

Việc gia tăng số lượng di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào các Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể đang đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý của Hà Nội nói riêng và ngành văn hóa nói chung. Thực tế cho thấy, muốn bảo tồn hiệu quả và khai thác giá trị bền vững, trước hết, các di sản văn hóa phi vật thể cần được ứng xử thông qua việc phát huy đúng bản sắc, đội ngũ “giữ lửa” có môi trường thực hành thường xuyên và hưởng chế độ đãi ngộ phù hợp. Đặc biệt, hoàn toàn có thể biến văn hóa phi vật thể thành tài nguyên để hình thành nên những cung đường di sản, mang lại giá trị kinh tế.

Bài cuối: Những ý kiến gợi mở

Cách đây ít năm, các chuyên gia đến từ 17 quốc gia và đại diện những tỉnh thành có di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận đã cùng gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm tại Hội thảo 10 năm thực hiện Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Tại đây, nhiều ý kiến hay, mang tính chất gợi mở để phát triển văn hóa phi vật thể.

Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, để bảo tồn và phát triển văn hóa phi vật thể, các ngành chức năng của nước này đã đài thọ và chi trả phụ cấp cho các nghệ nhân. Cụ thể, những ai được công nhận là “di sản nhân văn sống” về di sản văn hóa phi vật thể thì phải truyền dạy cho thế hệ trẻ những kỹ thuật về nghệ thuật đó. Những người học không phải trả tiền cho việc đào tạo này. Thay vào đó, Chính phủ Hàn Quốc trả cho các “di sản nhân văn sống” khoản phụ cấp là 125.000 won (tương đương khoảng 1.100 USD)/tháng), chữa bệnh miễn phí, và các hỗ trợ đặc biệt khác, giúp nâng cao uy tín của các “di sản nhân văn sống”.

Tương tự, tại Indonesia, để bảo tồn loại hình nghệ thuật rối bóng, nước này đã đưa ra sáng kiến hợp tác ASEAN đối với bảo tồn múa rối. Nhờ sự giao lưu, cọ sát và tạo “đất diễn” cho múa rối bóng với các nước ASEAN, loại hình này đã nhanh chóng được xa gần biết đến và được coi là “đặc sản” văn hóa của Indonesia.

Bài cuối: Những ý kiến gợi mở
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc bảo tồn và phát huy vai trò của văn hóa phi vật thể được chú trọng, qua đó giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hay gần đây nhất, câu chuyện massage Thái (NUAD Thái) trở thành di sản văn hoá phi vật thể UNESCO cũng cho thấy tầm quan trọng của công tác truyền thông di sản. Nhờ việc được công nhận di sản văn hoá phi vật thể UNESCO, một lượt trị liệu tại spa cao cấp có thể tiêu tốn khoảng 100 USD trong một giờ ở Thái Lan và gấp 2 - 3 lần ở London, New York hoặc Hong Kong (Trung Quốc), nơi thương hiệu massage Thái đang bùng nổ. Dĩ nhiên, cũng nhờ việc truyền thông và quảng bá tốt nên khách du lịch đến Thái Lan thường thích trải nghiệm massage. Hiện tại, có hơn 8.600 cơ sở spa và massage trên khắp Thái Lan.

Ngoài ra, ở các nước, việc sử dụng các tri thức, kỹ năng thực hành, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đang nắm giữ còn giúp nghệ nhân dân gian phát triển kinh tế và tạo ra những công ăn việc làm cho bản thân và cộng đồng. Ví dụ như ở Nhật Bản, các nghệ nhân dân gian đã tạo ra các tác phẩm điêu khắc từ gỗ để trang trí các đền và chùa. Điều này giúp tăng thêm giá trị của các địa điểm này và thu hút được nhiều du khách đến tham quan. Tương tự, ở Hàn Quốc, các nghệ nhân dân gian cũng đã tạo ra những chiếc quạt trang trí từ giấy để trang hoàng cho các ngôi đền và lễ hội. Việc sử dụng các sản phẩm trang trí này không chỉ làm tăng tính thẩm mỹ của các địa điểm, mà còn giúp du khách hiểu rõ hơn về văn hóa của Hàn Quốc.

Từ bài học của các nước có thể thấy, di sản hoàn toàn có thể trở thành một tài sản có giá trị kinh tế, một lĩnh vực đầu tư với tỷ suất lợi nhuận khổng lồ hứa hẹn tăng theo cấp số nhân. Nói cách khác, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũng có thể được coi như những sản phẩm thương mại đúng nghĩa, được phát triển theo các kênh phân phối và các chiến lược marketing chuyên biệt.

Bài cuối: Những ý kiến gợi mở
Văn hoá là nền tảng giúp xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Thực tế, tại Việt Nam, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được Đảng ta quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để giữ gìn được những bản sắc văn hóa của dân tộc, lan tỏa các giá trị tới bạn bè quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội,… Việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng thành pháp luật, cơ chế, chính sách phù hợp là cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia, bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước vì sự phát triển bền vững.

Bài cuối: Những ý kiến gợi mở

Không khó để thấy, năm 2001, lần đầu tiên loại hình di sản văn hóa phi vật thể được chính thức quy định tại Luật Di sản văn hóa, tạo bước chuyển biến lớn và quan trọng trong nhận thức của toàn xã hội về di sản văn hóa phi vật thể, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng.

Cùng với việc từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, ngày 20/9/2005, Việt Nam chính thức tham gia và đã trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (Công ước 2003). Hiện nay, Việt Nam là Thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 nhiệm kỳ 2022 - 2026. Nhiều nội dung quan trọng về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở cấp quốc gia và quốc tế được quy định tại Công ước 2003 đã và đang góp phần hiệu quả vào phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội bền vững của đất nước.

Bài cuối: Những ý kiến gợi mở

Ứng xử với di sản văn hóa phi vật thể, nếu biết trân trọng và biết áp dụng thế mạnh địa phương, thực hiện theo Nghị quyết của Thành phố đề ra thì hoàn toàn có thể mang lại giá trị về kinh tế. Thị xã Sơn Tây là ví dụ. Ông Nguyễn Hải Anh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sơn Tây cho biết, với tinh thần chủ động, trách nhiệm, sáng tạo, quyết tâm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, với tư duy lấy văn hóa làm nền tảng và tài nguyên để phát triển kinh tế, thị xã Sơn Tây luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Trên địa bàn thị xã Sơn Tây có 78 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó có 65 lễ hội truyền thống, hàng năm, thị xã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác tổ chức, quản lý lễ hội, tiêu biểu như: Lễ hội vùng đền Và, lễ giỗ đức vua Phùng Hưng, Ngô Quyền... thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự. Ngoài ra, thị xã đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xây dựng các phóng sự, phim tư liệu nhằm lưu lại những tri thức trong thực hành di sản bảo tồn, di sản văn hóa làng nghề. Thị xã Sơn Tây cũng đẩy mạnh phát triển các loại du lịch, phát triển thị trường thiết kế, thời trang, phần mềm và trò chơi giải trí, truyền hình, phát thanh, quảng cáo, xuất bản; tăng cường hội nhập trên lĩnh vực văn hóa.

Bài cuối: Những ý kiến gợi mở
Tại Sơn Tây, lượng khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tăng mạnh mẽ, khẳng định phương hướng xây dựng kinh tế - xã hội của thị xã trên nền tảng văn hóa là hết sức đúng đắn.

Bên cạnh đó, thị xã Sơn Tây khôi phục lễ hội “Trung thu Thành cổ - Sơn Tây xứ Đoài” với nhiều hoạt động đặc sắc như Liên hoan múa lân - rồng, hội thi và diễu hành mô hình đèn Trung thu đẹp; hội thi trang trí, trưng bày mâm cỗ Tết Trung thu truyền thống… Lễ hội đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và khôi phục lại những nét đẹp của Tết Trung thu Hà Nội xưa, tạo không gian văn hóa, điểm đến du lịch cho nhân dân. Lễ hội đã trở thành “thương hiệu” của Sơn Tây, thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến với xứ Đoài miền đất đá ong khi Lễ hội được tổ chức.

“Trong phát triển văn hóa, Sơn Tây sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng các clip, phim ảnh, phóng sự, sách, báo để giới thiệu về di sản văn hóa Sơn Tây gắn với phát triển du lịch. Ngoài ra, thị xã phát triển các mô hình phục vụ quay phim, điện ảnh tại Thành cổ Sơn Tây, Văn Miếu, cổng làng Mông Phụ, các nhà cổ,… Tăng cường hội nhập trên lĩnh vực văn hóa thông qua việc tham gia các lễ hội, triển lãm về kích cầu du lịch. Xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn minh nhằm khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức trong quan hệ ứng xử, phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn mới…”, ông Nguyễn Hải Anh thông tin.

Nhờ sự quan tâm và đầu tư cho văn hóa nên năm 2023, thị xã Sơn Tây đã đón hơn 1.175.000 lượt khách du lịch. Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay khẳng định du lịch Sơn Tây đã được lan tỏa cả trong và ngoài nước; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thị xã. Đặc biệt, theo thống kê mới đây nhất, trong 6 tháng đầu năm 2024, các hoạt động kinh tế du lịch tiếp tục phát triển với hơn 600.000 lượt khách tới thăm quan các điểm di tích lịch sử - văn hóa - tín ngưỡng đặc trưng của vùng đất Sơn Tây - Xứ Đoài như: Thành cổ, làng cổ, Văn Miếu - Sơn Tây, đền Và, chùa Mía.

Bài cuối: Những ý kiến gợi mở

Không chỉ gói gọn ở Sơn Tây, tại những nơi có bề dày di sản văn hóa phi vật thể, người dân và khách du lịch rất thích thú với những chương trình nghệ thuật dân gian như hát xẩm, hát chèo, múa rối, múa lân...; vào hai ngày cuối tuần dịp thứ Bảy, Chủ Nhật trên phố đi bộ ở khu phố cổ Hà Nội trước cửa chợ Đồng Xuân có hát xẩm, hay các nghệ sĩ hát văn ở trước cửa đình Kim Ngân trên phố Hàng Bạc… Qua đó, tạo nên những điểm giao lưu nghệ thuật dân gian hấp dẫn, là điểm đến thường xuyên của nhiều khán giả, trong đó có không ít khán giả trẻ.

Thông qua hoạt động biểu diễn, giao lưu trong các sự kiện, lễ hội thì các loại hình nghệ thuật dân tộc tiêu biểu, độc đáo, đặc sắc của cả nước như xẩm, chèo, múa rối, quan họ… vẫn có sức hút lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Qua đó, giúp quảng bá các giá trị văn hóa đến đông đảo quần chúng nhân dân và cũng là cơ hội để các nghệ nhân giao lưu, trao truyền các giá trị vô giá cho con cháu đời sau. Khai thác các giá trị văn hóa đặc sắc của nghệ thuật truyền thống góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách; đồng thời là giải pháp giúp người dân tham gia làm du lịch có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, từ đó bảo vệ, gìn giữ văn hóa truyền thống của cha ông.

Góp ý trên góc nhìn về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh, GS.TS. Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, mỗi di sản văn hoá phi vật thể cần có một cách quảng bá khác nhau, để người xem, người nghe hiểu đúng di sản. Ông cũng lưu ý, trong quảng bá di sản hay tính xác thực của di sản, rất cần quan tâm đến nguyên tắc đạo đức dành cho bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể. Mô phỏng, tái tạo di sản văn hoá phi vật thể, nhất là Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đặc biệt cần quan tâm đến vấn đề này. Không gian thiêng và không gian thế tục của nơi thờ tự cần được chú trọng khi xem xét, đánh giá hoạt động mô phỏng, tái tạo di sản văn hoá phi vật thể.

Bài cuối: Những ý kiến gợi mở

Theo PGS.TS. Dương Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, các di sản văn hóa vật thể được bảo tồn trên tinh thần giữ gìn nét cơ bản của di sản, cố gắng phục chế lại nguyên trạng bằng nhiều kỹ thuật công nghệ hiện đại. Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, bảo tồn động là bảo tồn các hiện tượng văn hóa đó ngay chính trong đời sống cộng đồng. Trong đó, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là hai mặt hữu cơ của một quá trình.

Bảo tồn di sản văn hóa là việc gìn giữ sự tồn tại của di sản lâu dài, ổn định. Còn phát huy giá trị di sản văn hóa là làm cho giá trị của di sản văn hóa được lan rộng, tiếp tục tác dụng tích cực tới cộng đồng. Di sản văn hóa phải được bảo tồn mới gìn giữ được giá trị, ngược lại, giá trị di sản phải được phát huy mới đem lại giá trị cho cộng đồng, qua đó khẳng định giá trị của di sản, là động lực bảo tồn di sản.

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng, tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa có đặc trưng là tính giới hạn, không thể tái sinh, tái tạo, nếu không được khai thác hợp lý có khả năng sẽ bị cạn kiệt hoặc suy thoái nghiêm trọng. Vậy, muốn phát triển bền vững phải bảo tồn tài nguyên, bảo tồn phải đi trước một bước hoặc chí ít cũng song song với phát triển. Do đó, xu hướng chung sẽ là “Bảo tồn để phát triển” hay “Bảo tồn phải phục vụ cho các mục tiêu phát triển”.

Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cũng nhận định, bảo tồn di sản văn hóa hiện nay cũng nhằm phục vụ chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, bảo tồn di sản văn hóa cũng góp phần phát triển du lịch mạnh mẽ.

Bài cuối: Những ý kiến gợi mở
Bài cuối: Những ý kiến gợi mở

Thời điểm này, Hà Nội đang đẩy mạnh triển khai xây dựng tuyến đường Vành đai 4. Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có chiều dài 112,8 km, trong đó qua thành phố Hà Nội 58,2 km, tỉnh Hưng Yên 19 km, tỉnh Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối quốc lộ 18 dài 9,7 km. Dự án được xây dựng và kỳ vọng sẽ tạo không gian phát triển mới, tăng cường phát triển vùng, liên kết các tuyến đường hướng tâm, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô, tạo dịch vụ vận tải chủ động, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế khu vực và đất nước. Dẫn như vậy thể thấy, trong lĩnh vực hạ tầng, phát triển kinh tế thì Hà Nội có Vành đai 4, có các cụm công nghiệp hay khu công nghiệp tập trung.

Bài cuối: Những ý kiến gợi mở
Thủ đô Hà Nội với bề dày văn hoá truyền thống đang ngày một phát triển.
Bài cuối: Những ý kiến gợi mở

Nếu nhìn rộng hơn ở trên lĩnh vực văn hóa, đã đến lúc Hà Nội cần tính đến việc xây dựng những cung đường di sản, xây dựng mô hình “cụm công nghiệp văn hóa”. Mô hình này sẽ hoạt động tương tự như một dạng vườn ươm doanh nghiệp, nhưng đó đều là các doanh nghiệp tham gia vào phát triển công nghiệp văn hóa. Các vùng miền, các doanh nghiệp được quy tụ tại đây sẽ tạo thành một hệ sinh thái công nghiệp văn hóa, mang đến các giá trị bổ trợ lẫn nhau trong một chuỗi sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, từ nghe nhìn, biểu diễn đến thiết kế, sáng tạo hay xuất khẩu.

Sự kết hợp như vậy sẽ giúp gia tăng lợi nhuận theo quy mô. Những cụm công nghiệp này cũng sẽ từng bước đóng vai trò tổ chức các sự kiện, chương trình hoạt động văn hóa quy mô lớn tầm cỡ quốc tế cho Thủ đô. Khi được kết hợp với nhau trong một hệ sinh thái, mỗi doanh nghiệp đều có thuận lợi là kinh phí tiếp cận thị trường thấp hơn bất kỳ nơi nào khác do chi phí giao dịch giảm mạnh.

Bài cuối: Những ý kiến gợi mở

Tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội” là ví dụ. Tuyến du lịch trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội” là tuyến du lịch nội đô chính thức đầu tiên được công bố trong kế hoạch phát triển hệ thống các tuyến du lịch kết nối trung tâm Hà Nội với các địa phương ở ngoại thành Hà Nội và xa hơn là kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong Vùng Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội” có 3 điểm đến du lịch đại diện cho hành trình khám phá di sản Nam Thăng Long - Hà Nội. Trong số đó, đình Nội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) gắn với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ - truyền thuyết về tổ tiên của người Việt Nam; Làng nghề tăm hương (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) nổi tiếng với điểm chụp ảnh bởi sự hấp dẫn về màu sắc và cách sắp đặt tăm hương và nhiều nét đẹp khác về nghề và văn hóa ở địa phương; Làng nghề dệt (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức), thường gọi theo sản phẩm độc đáo Làng tơ tằm - tơ sen Mỹ Đức sẽ đưa tới du khách những trải nghiệm từ các công đoạn trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt vải, trồng sen làm sợi tơ sen, dệt thêu tơ sen làm nên sản phẩm độc đáo.

Thực tế cho thấy, việc ứng xử với di sản văn hóa phi vật thể tại Thủ đô đóng vai trò hết sức quan trọng. Nếu chỉ dựa vào Nhà nước không thôi thì không thể làm tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Nhà nước đóng vai trò quản lý, định hướng, còn sức mạnh nằm ở cộng đồng. Cộng đồng ở đây là chủ thể nắm giữ di sản và bên cạnh họ là cơ quan quản lý, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, tổ chức… Bảo vệ di sản là quy tụ, phát huy được những tiềm lực ấy. Hơn hết, trong quá trình phát triển và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, hoàn toàn có thể thí điểm và nhân rộng các mô hình mới, biến di sản văn hóa phi vật thể thành tài nguyên, đem lại giá trị kinh tế.

Bài cuối: Những ý kiến gợi mở
Bài cuối: Những ý kiến gợi mở

-----------------------

Nội dung: Đinh Luyện - Nguyễn Tuấn; Thiết kế: Phạm Thắng

Bài 1: Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội Bài 1: Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội

Hà Nội là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể, mang đặc trưng riêng của văn hóa Thăng Long và xứ ...

Bài 2: Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong “cơn lốc” đô thị hóa Bài 2: Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong “cơn lốc” đô thị hóa

Trước sức ép đô thị hóa, thách thức lớn nhất mà hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể đều phải đối diện, ...

Bài 3: Kiến tạo dấu ấn cá nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội Bài 3: Kiến tạo dấu ấn cá nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội

Thời gian qua, Hà Nội đã và đang trong quá trình nỗ lực chuyển hoá sức mạnh “mềm” văn hoá thành nguồn lực thúc đẩy ...