Multimedia
03/08/2024 18:17
Bài 3: Kiến tạo dấu ấn cá nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội

03/08/2024 18:17

Thời gian qua, Hà Nội đã và đang trong quá trình nỗ lực chuyển hoá sức mạnh “mềm” văn hoá thành nguồn lực thúc đẩy công nghiệp văn hoá. Trong đó, sức sáng tạo cá nhân là dấu ấn quan trọng góp phần phát triển công nghiệp văn hoá của Thủ đô. Thực tế cũng cho thấy, mỗi cá nhân không chỉ là chủ thể sáng tạo văn hoá mà cũng chính là khán giả để có thể cảm thụ và tiêu dùng các giá trị, các sản phẩm văn hóa do chính mình sáng tạo ra.
Bài 3: Kiến tạo dấu ấn cá nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội

Thời gian qua, Hà Nội đã và đang trong quá trình nỗ lực chuyển hoá sức mạnh “mềm” văn hoá thành nguồn lực thúc đẩy công nghiệp văn hoá. Trong đó, sức sáng tạo cá nhân là dấu ấn quan trọng góp phần phát triển công nghiệp văn hoá của Thủ đô. Thực tế cũng cho thấy, mỗi cá nhân không chỉ là chủ thể sáng tạo văn hoá mà cũng chính là khán giả để có thể cảm thụ và tiêu dùng các giá trị, các sản phẩm văn hóa do chính mình sáng tạo ra.

Bài 3: Kiến tạo dấu ấn cá nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội

Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và cũng là Thành phố đầu tiên ban hành nghị quyết riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Thành phố đặt mục tiêu phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chính bởi điểm sáng nổi bật đó mà Thành phố đã và đang nỗ lực chuyển hóa sức mạnh “mềm” văn hóa thành nguồn lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Theo số liệu thống kê, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Năm 2022, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho 11 nghệ nhân, Nghệ nhân Ưu tú cho 55 nghệ nhân của Hà Nội. Cho đến nay, qua ba lần phong tặng Hà Nội đã có 131 nghệ nhân với 18 Nghệ nhân Nhân dân và 113 Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy ngành công nghiệp văn hoá ở Hà Nội có được chỗ dựa vững chắc với dấu ấn của các cá nhân sáng tạo, cụ thể là các nghệ nhân. Vừa là chủ thể sáng tạo của di sản, vừa là người “giữ lửa” cho làng nghề.

Bài 3: Kiến tạo dấu ấn sáng tạo cá nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội

Trải qua hàng chục năm, các nghệ nhân ngoài vai trò là người gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá di sản; là kho tư liệu đồ sộ, “cơ sở dữ liệu” văn hóa vật thể và phi vật thể thì họ còn có khả năng thực hành nghệ thuật diễn xướng và cả nghề truyền thống. Họ chính là nguồn nhân lực quan trọng trong công cuộc kiến tạo thêm nhiều dấu ấn cho nền văn hoá và quá trình phát triển công nghiệp văn hoá ở Thủ đô.

Theo nhà văn Nguyễn Văn Học, một người yêu và có nhiều sáng tác văn chương về Hà Nội, để giữ di sản thì cần lớp “măng non” kế cận. Không khó để thấy, đã có nhiều người trẻ kế tục các di sản văn hóa phi vật thể. Dẫn ví dụ từ ca trù Thượng Mỗ, múa rối Đào Thục, rối cạn Tế Tiêu… có thể thấy nhiều người trẻ đã và đang thầm lặng tiếp nối những tinh hoa, giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, họ chưa được công nhận chính thống cũng là một rào cản để hun đúc thêm tình yêu với di sản. Nói cách khác, các quy định về việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể cần thêm điều khoản xét các trường hợp các nghệ nhân trẻ tuổi có tài năng xuất sắc. Nếu làm được điều này thì động lực để người trẻ kế tục di sản văn hóa từ cha ông để lại sẽ dồi dào và nhiệt huyết hơn.

Thực tế, thời gian qua giới trẻ không hề đứng ngoài “vòng xoáy” phát triển của văn hoá mà còn tích cực tham gia và tạo được các dấu ấn sáng tạo khi ngày càng có nhiều bạn trẻ được phong tặng nghệ nhân. Đơn cử như anh Nguyễn Tuấn Minh, người con của làng gốm Bát Tràng dù mới 26 tuổi nhưng đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội ngành nghề gốm sứ cùng với nhiều chứng nhận, giấy khen trong quá trình làm nghề. Dù quyết định đi theo nghề của gia đình nhưng với sức sáng tạo của tuổi trẻ, Nguyễn Tuấn Minh đã chọn cho mình một lối đi riêng. Vẫn là xương, là men của gốm Bát Tràng nhưng qua bàn tay nhào nặn của anh những sản phẩm gốm mang đậm nét truyền thống xen lẫn nét độc đáo của nghệ thuật điêu khắc hiện đại đã được ra đời. Được biết, các tác phẩm đều nhận được sự đánh giá cao của các nghệ nhân gốm cũng như của khách hàng.

Bài 3: Kiến tạo dấu ấn sáng tạo cá nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội
Di sản văn hóa phi vật thể ca trù hiện được tiếp nối và lan tỏa rộng rãi.

Tương tự, làng Lỗ Khê, xã Liên Hà (huyện Đông Anh) là cái nôi nghệ thuật ca trù cả nước. Hơn 600 năm tồn tại, ca trù Lỗ Khê vẫn giữ nét riêng có, được bảo tồn và phát triển trong nhịp sống hiện đại. Theo đó, từ thế kỷ XV, Lỗ Khê đã có Giáo phường chuyên đi biểu diễn khắp các trấn, tổng thuộc xứ Kinh Bắc và cả kinh thành Thăng Long. Đến hai cuộc chiến tranh vệ quốc, người dân tại Lỗ Khê đã mở ca quán ở các khu phố trung tâm của Thủ đô. Giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX được xem thời kỳ hưng thịnh của nghệ thuật ca trù Lỗ Khê. Nhiều ca nương, đào nương, kép đàn nổi tiếng thuở trước sinh ra tại Lỗ Khê, đó là bà Phạm Thị Mùi, Nguyễn Thị Diêm, Nguyễn Thị Tĩnh; các danh đào, kép đàn Nguyễn Thị Văn, Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Thế Bam, Nguyễn Văn Tiếu…

Từ năm 1995, những ca nương, kép đàn tại Lỗ Khê đã tập hợp lại và thành lập Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê. Câu lạc bộ hiện có gần 40 thành viên, trong đó có nhiều người biết hát, biết đàn, biết gõ trống chầu. Nổi bật có nghệ nhân dân gian Phạm Thị Mận, ca nương Nguyễn Thị Thảo, Hoàng Thị Thư, Đinh Thị Vân, Nguyễn Thị Huyền; kép đàn Phạm Văn Phong, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Tuyến... Đặc biệt, nơi này có ca nương Nguyễn Thục Trinh - 15 tuổi, có giọng hát bay bổng, đã giành nhiều giải thưởng lớn khi tham gia các liên hoan nghệ thuật ca trù của Thủ đô và cả nước. Nghe kể, hát ca trù đã khó, không phải ai cũng hát được vậy mà 7 tuổi - lứa tuổi tập đọc, tập viết tiếng Việt vậy mà Nguyễn Thục Trinh đã có thể hát ca trù bằng tiếng Anh. Năm 2016, tại Liên hoan Tài năng trẻ ca trù Hà Nội, Nguyễn Thục Trinh đã được Ban Tổ chức trao giải tài năng trẻ tuổi nhất. Chỉ một năm sau, tại cuộc thi Liên hoan Nghệ thuật ca trù thành phố Hà Nội 2017, Nguyễn Thục Trinh tiếp tục đạt giải xuất sắc…

Bài 3: Kiến tạo dấu ấn sáng tạo cá nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội

Thực tế, ở nhiều vùng quê nơi có những di sản văn hóa phi vật thể, không ít người trẻ đã và đang từng bước khẳng định được tên tuổi, ghi được dấu ấn của bản thân mình trong quãng hành trình thực hành di sản. Chẳng hạn, ở làng Chanh Thôn, Phú Xuyên có ca nương 8x Vũ Thị Ngân; thế hệ 8x của Câu lạc bộ chèo Trung Lập, xã Trinh Chung (huyện Phú Xuyên) còn nổi lên những cái tên như Đinh Vân, Duy Thái…

Không chỉ bó hẹp trong một khu vực địa lý dân cư, hiện trong cộng đồng đã xuất hiện không ít mô hình hay, lan tỏa tình yêu văn hóa phi vật thể tới mọi người. Nói cách khác, ngoài lớp măng non kế thừa di sản ở địa phương thì giới trẻ trong cộng đồng cũng góp phần quan trọng trong việc giữ gìn di sản phi vật thể, thông qua niềm say mê, hứng thú với di sản, sự sáng tạo... Xẩm 48h là ví dụ tiêu biểu. Anh Ngô Văn Hảo, Trưởng Câu lạc bộ Xẩm 48h chia sẻ, ngay từ năm 2010, khi bắt đầu có cơ hội tiếp cận xẩm, làn điệu và những ca từ ý nghĩa của xẩm đã thu hút anh. Nhưng phải tới khi nhận lời mời cộng tác với dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” trong vai trò hướng dẫn bộ môn nghệ thuật hát xẩm..., anh mới có cơ hội được giao lưu, gặp gỡ cùng những bạn trẻ có cùng đam mê nghệ thuật cổ truyền. Và Xẩm 48h đã ra đời như thế, với mong muốn lan tỏa những giá trị, vẻ đẹp của nghệ thuật hát xẩm tới cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Kêu gọi sự đồng hành của những nghệ sĩ, nghệ nhân, chuyên gia nghiên cứu giàu tâm huyết, Xẩm 48h đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức nhiều dự án, chương trình giàu tính trải nghiệm mang những nét đặc trưng của nghệ thuật hát xẩm đến gần hơn với công chúng trẻ.

Không dừng lại ở những buổi diễn “Xẩm trong phố” vào mỗi cuối tuần, nhóm bạn trẻ của Xẩm 48h còn tích cực đồng hành cùng Trung tâm Xúc tiến, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam trong việc đưa nghệ thuật hát xẩm vào trường học, giới thiệu xẩm trong lễ hội thiết kế sáng tạo, thực hiện chương trình “Xẩm on the bus” - trải nghiệm xẩm trên chuyến xe buýt du lịch vòng quanh Thủ đô... Những chuỗi chương trình đã góp phần mang đến những rung cảm đầu tiên cho khán giả trẻ về xẩm, để từ đó hiểu hơn, yêu hơn và khao khát được gìn giữ, bảo tồn giá trị của nghệ thuật truyền thống.

Bài 3: Kiến tạo dấu ấn sáng tạo cá nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội
Bài 3: Kiến tạo dấu ấn cá nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội

Công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng và văn hoá nói chung không chỉ được đầu tư dưới góc độ phần “cứng” mà đầu tư mạnh về phần “mềm” là các cá nhân. Bởi, để phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của Việt thì tốt hơn hết chính là thông qua con người Việt Nam. Do đó, việc khơi dậy tiềm năng sáng tạo ở các lớp thế hệ tiếp theo là vô cùng cần thiết.

Nhận thức được vấn đề này, Hà Nội bước đầu đã có những cơ chế, chính sách thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, quan tâm đầu tư cho di sản văn hóa - nguồn tiềm năng của công nghiệp văn hóa. Qua 2 năm Hà Nội được công nhận là “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Cùng với vinh dự đó Hà Nội cần đẩy mạnh các hoạt động văn hoá nhằm giới thiệu, quảng bá đồng thời khơi dậy tiềm năng đổi mới, sáng tạo, nhất là với giới trẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, điều cốt lõi hiện tại là cần truyền dạy và giáo dục di sản. Truyền dạy là để có thế hệ nghệ nhân mới kế thừa vốn di sản, thực hành di sản. Giáo dục là để cho mọi người hiểu về di sản. Một đứa trẻ có thể không thực hành di sản, nhưng khi được giáo dục về di sản thì chúng sẽ quan tâm và bảo vệ. Nghệ nhân cần tham gia truyền dạy và giáo dục, còn phía chính quyền thì tạo điều kiện để nghệ nhân có thể làm tốt việc đó.

Bài 3: Kiến tạo dấu ấn sáng tạo cá nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội
Tò he Xuân La (Phú Xuyên) nói riêng và các di sản văn hoá nói chung đã được Thành phố quan tâm, tạo điều kiện phát triển.

Bày tỏ quan điểm về câu chuyện này, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Định (Câu lạc bộ Tò he Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên) chia sẻ, ngoài các lớp truyền dạy di sản nặn tò he thì câu lạc bộ còn phối hợp với các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện để tổ chức các lớp truyền dạy, trình diễn nghệ thuật nặn tò he cho học sinh trong giờ ngoại khóa. Đồng thời, định kỳ mỗi năm các nghệ nhân sẽ trình diễn tò he tại Lễ hội Vinh danh làng nghề truyền thống của huyện, đây cũng là cách giáo dục di sản tới những người trẻ, giới thiệu những nét tinh hoa của nghề đến cộng đồng một cách rộng rãi hơn.

Ở góc nhìn rộng hơn, có thể thấy, ngành công nghiệp sáng tạo và văn hóa đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Biến văn hoá thành sản phẩm để có thể bán được cho nhiều người, bán được nhiều lần là một trong những cách phát triển kinh tế trong công nghiệp văn hoá đã và đang thực hiện.

Bài 3: Kiến tạo dấu ấn sáng tạo cá nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội
Bài 3: Kiến tạo dấu ấn sáng tạo cá nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội
Các di sản văn hoá cần sự trao truyền, tiếp nối để từ đó phát triển bền vững.

Đây cũng được coi là bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô, nhằm đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện chất lượng văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân Thủ đô, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Thành phố. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Phấn đấu năm 2025 có mức đóng góp 5% GRDP của Thành phố, đến năm 2030 đóng góp khoảng 8% và năm 2045 là khoảng 10% GRDP.

Muốn làm và để đạt được mục tiêu nói trên, trong câu chuyện phát triển công nghiệp văn hoá của Hà Nội, cần phát huy thế mạnh, truyền cảm hứng cho giới trẻ về sáng tạo, đẩy mạnh giáo dục sáng tạo, từ đó tạo nên những cá nhân biết sáng tạo, đam mê, khao khát sáng tạo, đóng góp các góc nhìn mới, sản phẩm mới. Nhất là trong thời đại hội nhập quốc tế, để cạnh tranh được trên trường quốc tế, Việt Nam cần nuôi dưỡng và cho các quốc gia khác thấy tài năng sáng tạo của đất nước mình.

Bài 3: Kiến tạo dấu ấn cá nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội

Dù có những kết quả nhất định trong việc ứng xử với di sản văn hóa phi vật thể tại Thủ đô, tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn quanh công tác bảo tồn và phát huy giá trị từ di sản. Huyện Đông Anh là ví dụ. Theo Danh mục kiểm kê của Thành phố, huyện Đông Anh hiện có 128 di sản văn hoá phi vật thể, cụ thể: 29 lễ hội truyền thống, 8 nghề thủ công truyền thống, 9 tri thức dân gian, 23 nghệ thuật trình diễn dân gian, 59 tập quán xã hội. Trong đó, Lễ hội Cổ Loa và nghệ thuật múa Rối nước Đào Thục được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Dù có bề dày văn hóa, tuy nhiên, trong 3 đợt rà soát, tổng hợp, trình hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể, huyện Đông Anh đã có 15 nghệ nhân thuộc loại hình nghệ thuật: Tuồng, ca trù, rối nước, tín ngưỡng thờ Mẫu được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú. Hiện nay còn 356 nghệ nhân theo rà soát có hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể từ 5 năm trở lên chưa được phong tặng danh hiệu.

Bài 3: Kiến tạo dấu ấn cá nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội

Theo huyện Đông Anh, một thực tế tại địa phương đang phải đối mặt là các loại hình nghệ thuật truyền thống không phát huy được thế mạnh, không tạo ra được nguồn thu từ chính nghề truyền thống do thiếu đất diễn, thiếu khán giả, kén khán giả, thiếu nguồn kinh phí. Quan trọng hơn, các nghệ nhân thuộc loại hình nghệ thuật truyền thống dù tâm huyết, trách nhiệm, trăn trở với nghề nhưng không ai sống được bằng chính nghề truyền thống, tất cả đều phải bươn chải kiếm sống và duy trì nghề bằng niềm đam mê, chính vì vậy nguy cơ thất truyền đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống này ngày càng cao. Ngoài ra, đa số trang thiết bị âm thanh biểu diễn, kinh phí mua sắm đạo cụ, trang phục nhất là trang phục của nghệ thuật tuồng hay đạo cụ như con rối có giá thành khá đắt vượt quá khả năng của các Câu lạc bộ, các nghệ nhân; đa phần các Câu lạc bộ được duy trì là từ lòng nhiệt huyết của các thành viên câu lạc bộ, do đó chưa tạo được sức bật.

Bài 3: Kiến tạo dấu ấn sáng tạo cá nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội

Chia sẻ về những khó khăn liên quan đến hoạt động của Câu lạc bộ trống quân Khánh Hà (huyện Thường Tín), ông Lê Văn Ba, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Khánh Hà cho biết: Hát trống quân là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt, một di sản văn hóa của nhân dân vùng đồng bằng Bắc bộ nói chung và nhân dân xã Khánh Hà nói riêng. Đến năm 2007 được sự quan tâm của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, của các cấp, các ngành hát trống quân Khánh Hà đã bắt đầu được bảo tồn và phát huy. Trải qua hơn 15 năm thực hiện, công tác bảo tồn cũng đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ

Tuy nhiên, Câu lạc bộ cũng đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, trong các lớp đã được truyền dậy thì thế thệ thiếu niên khi lớn lên, xây dựng gia đình, lo làm kinh tế nên không tiếp tục tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ nữa, điều này cũng khiến cho số lượng người thực hành hát trống quân bị giảm sút. Đặc biệt, sự tham gia vào các lớp truyền dạy chủ yếu là kép nữ khó tìm được các kép nam mà nét đặc sắc trong hát trống quân là hát đối đáp giữa tốp nam và tốp nữ. Các nghệ nhân hiện đã cao tuổi, sức khỏe đã yếu nên việc hát và đứng lớp đôi khi cũng gặp khó khăn. Ngoài ra, kinh phí phục vụ duy trì hoạt động cho câu lạc bộ còn khó khăn nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn, truyền dạy và phát triển làn điệu hát trống quân xã Khánh Hà.

Bài 3: Kiến tạo dấu ấn sáng tạo cá nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội

(Bài cuối: Những ý kiến gợi mở)

-----------------------

Nội dung: Đinh Luyện - Nguyễn Tuấn; Thiết kế: Phạm Thắng