Multimedia
01/08/2024 12:04
Bài 1: Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội

01/08/2024 12:04

Hà Nội là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể, mang đặc trưng riêng của văn hóa Thăng Long và xứ Đoài, trong số đó có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là Di sản thế giới và được ghi danh vào danh mục Di sản quốc gia. Thực tế đã khẳng định, nếu được quan tâm đúng mức những di sản văn hóa phi vật thể sẽ là nguồn tài nguyên có thể đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp văn hoá của Thủ đô.

Bài 1: Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội

Hà Nội là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể, mang đặc trưng riêng của văn hóa Thăng Long và xứ Đoài, trong số đó có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là Di sản thế giới và được ghi danh vào danh mục Di sản quốc gia. Thực tế đã khẳng định, nếu được quan tâm đúng mức những di sản văn hóa phi vật thể sẽ là nguồn tài nguyên có thể đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp văn hoá của Thủ đô.

Bài 1: Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội
Bài 1: Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tham quan các hình ảnh tiêu biểu về văn học nghệ thuật Thủ đô sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW.

Cách đây không lâu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố danh mục 26 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, Hà Nội có số lượng nhiều nhất với 5 di sản. Các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Hà Nội được công nhận là: Nghề may Trạch Xá (huyện Ứng Hòa); lễ hội làng Keo (huyện Gia Lâm); lễ hội đình Tường Phiêu (huyện Phúc Thọ); hội diều làng Bá Dương Nội (huyện Đan Phượng); lễ hội chùa Thầy (huyện Quốc Oai). Trước đó, Hà Nội cũng có Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hát Ca trù được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO… Phải khẳng định, đây là niềm vinh dự và cũng là minh chứng cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của Hà Nội trong công tác bảo tồn văn hóa nói chung và văn hóa phi vật thể nói riêng.

Di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội bao gồm nhiều loại hình: Ngữ văn truyền khẩu, nghệ thuật trình diễn truyền thống, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Các di sản phân bố ở khắp 30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, một số địa phương sở hữu số lượng di sản lớn, như: Huyện Thường Tín, huyện Đông Anh, huyện Ba Vì. Những giá trị di sản văn hóa này không chỉ đang được phát huy trong đời sống hàng ngày tại các cộng đồng thôn, làng mà còn từng bước được giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội) không chỉ nổi tiếng với thương hiệu làng của những đô vật nổi tiếng, mà còn được biết đến với thú chơi diều độc đáo đã trở thành nét văn hóa. Thú chơi diều và lễ hội thả diều của làng Bá Dương Nội có từ rất lâu đời, là một lễ hội độc đáo có một không hai của Thủ đô, chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc của nền văn minh lúa nước cũng như gửi gắm biết bao ước vọng của người nông dân thuần phác.

Bài 1: Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội
Nhiều nét đẹp của văn hóa phi vật thể tại Thủ đô như hội diều Bá Dương Nội (Đan Phượng), biểu diễn chiêng Mường (Thạch Thất) đã được quan tâm, truyền dạy tới thế hệ trẻ.

Theo thông lệ, hội thi thả diều làng Bá Dương Nội được tổ chức vào đúng dịp rằm tháng Ba âm lịch hàng năm, gắn liền với truyền thuyết về ngôi miếu thờ thần Châu Thổ được xây dựng trước thế kỷ thứ X. Trải qua một thời gian dài bị gián đoạn bởi chiến tranh, từ năm 1989, với sự chung tay của các nghệ nhân diều như Nguyễn Hữu Ngọ, Phạm Văn Mai… lễ hội diều nghìn năm của mảnh đất Bá Dương Nội đã được khôi phục và duy trì cho đến nay. Đây cũng là một trong những lễ hội hiếm hoi của Việt Nam gắn với truyền thuyết thờ thần Châu Thổ.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Minh Nhương - Câu lạc bộ Văn nghệ xứ Đoài, hội thi diều làng Bá Dương Nội gửi gắm khát vọng cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt của những nông dân vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, một nét văn hóa rất đặc trưng của nền văn minh lúa nước.

Ở góc nhìn rộng hơn, ngoài mang tính chất văn hóa đặc thù thì những cánh diều sáo Bá Dương Nội cũng góp phần tích cực làm rạng danh tên tuổi Việt Nam. Minh chứng dễ thấy, những cánh diều từ vùng đất Bá Dương Nội đã góp mặt tại nhiều festival diều quốc tế tổ chức tại Việt Nam cũng như các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Pháp, Malaysia… và được bạn bè quốc tế đánh giá cao về tính chất độc đáo, đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Lễ hội thi thả diều làng Bá Dương Nội đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ văn hóa phi vật thể năm 2004. Và đến năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bài 1: Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Kiêm - một trong những người chơi diều nổi tiếng nhất ở Bá Dương Nội cho biết, việc Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vui đối với chính quyền và nhân dân địa phương. Điều quan trọng hiện tại cần làm là phải phát huy giá trị di sản, nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân, đồng thời quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng quê châu thổ sông Hồng. Hơn hết, đây sẽ là nền tảng tích cực giúp địa phương khai thác thế mạnh về danh thắng, thu hút du khách, phát triển kinh tế - xã hội…

Giống như Bá Dương Nội từng có thời điểm đứng giữa lằn ranh quên lãng, bất kỳ ai thời điểm này nếu xem Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) trình diễn, hẳn sẽ không nghĩ rằng chỉ cách đây hơn 1 thập kỷ nghệ thuật cồng chiêng Mường từng đứng trước nguy cơ mai một. Ở thời điểm đó cả xã Tiến Xuân chỉ còn vài bộ cồng chiêng do không còn nhiều người biết đánh và người dân không ý thức được giá trị của các bộ chiêng cổ nên đã bán gần hết. Tuy nhiên, được sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng nỗ lực của các nghệ nhân, nghệ thuật cồng chiêng của người Mường đã hồi sinh và phát triển rực rỡ với hàng nghìn người trong cộng đồng thường xuyên thực hành di sản này.

Bài 1: Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội
Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) là một trong những người góp công lớn giúp cồng chiêng lan xa.

Nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) cho biết, được sự quan tâm của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và huyện Thạch Thất, những năm qua, nghệ nhân địa phương như bà liên tục mở các lớp truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng đến các tầng lớp nhân dân. Đáng mừng là 3 xã miền núi Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung với 70% là người dân tộc Mường đã đưa nghệ thuật cồng chiêng vào chương trình giáo dục tại trường để phổ cập cho học sinh, qua đó giúp các em tăng cường nhận thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn di sản.

Câu lạc bộ Hát trống quân Khánh Hà (huyện Thường Tín) chính thức đạt chuẩn Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ. Đây là điều mà trước đây không ai “dám” nghĩ đến. Tương truyền, hát trống quân hình thành và phát triển ở Khánh Hà từ thế kỷ XV. Đây là một dạng hát nói, hát kể nương theo niêm luật thanh điệu bằng trắc, vừa mang đậm nét dân dã, mộc mạc của làn điệu, của âm nhạc vừa thể hiện trí tuệ, nét tài hoa, sự linh hoạt trong sử dụng ngôn từ, câu chữ. Có thể khẳng định, hát trống quân là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt, một di sản văn hóa của nhân dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ nói chung và nhân dân xã Khánh Hà nói riêng. Nhưng rồi chiến tranh xảy đến, những biến đổi trong đời sống xã hội khiến người dân xa rời những câu hát năm xưa...

Bài 1: Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội
Bài 1: Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội
Nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy chia sẻ về hát trống quân.

Những năm gần đây, hát trống quân đã được chính quyền và các nghệ nhân từng bước phục dựng và phát triển trở lại. Có những nghệ nhân không may mắn còn sống được đến hôm nay, nhưng cũng có những nghệ nhân cao tuổi như cụ Nguyễn Thị Vẫy, lưng đã còng rạp cả xuống, chờ được đến ngày này để chứng kiến hát trống quân “tan sương đầu ngõ, vén mây giữa giời”. Nhắc chuyện trống quân “sống lại”, cụ Vẫy vui lắm, cụ thường bảo với mọi người rằng bây giờ cụ đã là người “có lương”. Mỗi khi chính quyền tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy vốn cổ, cụ còn nhận được khoản thù lao bồi dưỡng. Bản thân Câu lạc bộ Hát trống quân Khánh Hà cũng được cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị…

Chặng đường của Câu lạc bộ Hát trống quân Khánh Hà cũng là con đường chung của nhiều câu lạc bộ văn nghệ dân gian trên địa bàn Hà Nội, đó là đối mặt với sự mai một rồi lại từng bước hồi sinh. Dù mỗi nơi, tiến trình này có những thăng trầm riêng, nhưng mấu chốt chính là sự quan tâm của Thành phố, ngành Văn hóa và chính quyền địa phương đối với hoạt động của các câu lạc bộ, các nghệ nhân.

Bài 1: Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội

Trên thế giới hiếm có Thủ đô của nước nào kết hợp được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa như Hà Nội. Từ khi trung tâm của vùng đất thiêng “núi Tản - sông Hồng” trở thành kinh đô, hơn một nghìn năm đã trôi qua. Với Thăng Long - Hà Nội, chiều dài của thời gian đã tôn cao bề dày của văn hiến. Đó là những giá trị trân quý mà biết bao thế hệ đã vất vả xây đắp bằng mồ hôi, nước mắt và kiên cường bảo vệ bằng xương máu. Để hôm nay, Hà Nội - Thành phố “Rồng bay”, “nơi lắng hồn núi sông”, “nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa” những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng.

Nhiều du khách nước ngoài rất thích thú khi tham quan và tìm hiểu khu phố cổ Hà Nội, nơi lưu giữ hồn cốt của văn hóa Thăng Long - Kẻ Chợ. Hơn hết, khu phố cổ Hà Nội, khách du lịch được trải nhiệm một phức hợp di sản, gồm có hàng trăm di tích các loại. Chưa kể, hàng nghìn ngôi nhà cổ, nhà cũ có kiến trúc giá trị, mang những giá trị khác biệt mà không nơi nào có được.

Bài 1: Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội

Anh Ngô Tuấn, một khách du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, mỗi lần có dịp được ra Hà Nội, bản thân anh rất thích đi thăm khu phố cổ Hà Nội. Nơi đây hiện còn lưu giữ được những nếp nhà với kiến trúc cổ, độc đáo, mang hồn cốt của Thủ đô. Nếu có nhiều thời gian, cá nhân anh Tuấn muốn đi thăm Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội, cầu Long Biên hoặc di tích Nhà tù Hoả Lò. Bên cạnh đó, anh còn mong được thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc sắc với những món ăn nức tiếng, như phở Hà Nội, bún chả, bún thang, bún ốc, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, bánh tôm hồ Tây…

Giống như anh Ngô Tuấn, nhà văn Nguyễn Văn Học - một người sống và có nhiều tác phẩm thể hiện tình yêu với Hà Nội chia sẻ, trải qua bao thăng trầm, Hà Nội đang thay da đổi thịt từng ngày. Những di sản văn hóa phi vật thể được gìn giữ đến nay cho thấy sự quan tâm của Hà Nội tới nguồn lực văn hóa. Hơn hết, những loại hình văn hóa phi vật thể với muôn vàn cách thức thể hiện, giữ gìn khác nhau song vẫn giữ được cốt cách, giá trị của mình. Đây là cách bảo tồn và “giữ lửa” hiệu quả của Hà Nội. Việc gìn giữ này không chỉ nối quá khứ với hiện tại mà còn giúp thế hệ trẻ hun đúc tình yêu dân tộc, xây dựng Thủ đô phát triển xứng tầm.

Bài 1: Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong (thứ 3 từ trái sang) tham quan các tác phẩm văn học nghệ thuật Hà Nội, các đầu sách viết về văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X).
Bài 1: Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội

Theo tìm hiểu, để giữ được những di sản văn hóa phi vật thể đang đứng trước bờ vực mai một, Hà Nội đã có cách vào cuộc quyết liệt và kịp thời. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2015. Trên cơ sở kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, thành phố đã triển khai các hoạt động hỗ trợ công tác truyền dạy di sản văn hóa tại nhiều địa phương, với nhiều di sản, như: Ca trù, hát dô, chèo tàu, xẩm, múa rối, cồng chiêng, chèo, hát trống quân..., góp phần nhân rộng đối tượng thực hành di sản, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng;

Ngoài ra, Hà Nội cũng triển khai thực hiện giáo dục di sản văn hóa phi vật thể cho học sinh phổ thông trung học, với 4 loại hình: Nghề gốm Bát Tràng, múa rối nước, tục ăn trầu và làm đèn kéo quân; triển khai tư liệu hóa di sản làm cơ sở giảng dạy, lưu giữ cũng như quảng bá tại các sự kiện văn hóa…

Bài 1: Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội

Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đạt hiệu quả hơn, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội còn xây dựng dự thảo Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2021 - 2025. Ngày 18/2/2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025. Kế hoạch nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của xã hội, các chủ thể văn hóa và tổ chức, cá nhân có liên quan; giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội; huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố…

Trong đó, nêu rõ 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội: Bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, di sản trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản có nguy cơ mai một; đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản; tăng cường công tác quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia gìn giữ di sản.

Điểm đáng chú ý là, mỗi năm, thành phố sẽ xây dựng 3- 4 hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó, là biên soạn 1 đầu sách chuyên đề về di sản văn hóa phi vật thể; xây dựng 2 phim phục vụ tuyên truyền, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội; thực hiện tư liệu hóa bằng các hình thức ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, tư liệu viết đối với 10 di sản văn hóa phi vật thể. Hoạt động trao truyền di sản cũng được chú trọng. Mỗi năm, dự kiến tổ chức từ 2 - 3 lớp truyền dạy cơ bản và nâng cao về kỹ năng trình diễn, thực hành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, có nguy cơ mai một. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cho đội ngũ cán bộ chuyên môn về di sản văn hóa, chủ thể văn hóa, chức sắc tôn giáo…

Bài 1: Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội

Tại Kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về chế độ đãi ngộ, hỗ trợ “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”; Nghệ nhân và Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội. Nghị quyết nhằm mục tiêu bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thành phố đúng định hướng, phát huy có hiệu quả, tránh nguy cơ mai một, thất truyền, hỗ trợ giáo dục lịch sử, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân; góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nghệ nhân, các câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể có điều kiện thuận lợi trong việc thực hành, bảo vệ, phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Kế hoạch số 55/KH-UBND đã và đang tạo ra đòn bẩy, sức mạnh mới trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể để những di sản này có những đóng góp tích cực hơn nữa vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời kỳ hội nhập khu vực và quốc tế của Thủ đô Hà Nội.

Bài 1: Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội
Bài 1: Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội

(Bài 2: Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong “cơn lốc” đô thị hóa)

---------------------

Nội dung: Đinh Luyện - Nguyễn Tuấn; Thiết kế: Phạm Thắng