Multimedia
02/08/2024 16:03
Bài 2: Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong “cơn lốc” đô thị hóa

02/08/2024 16:03

Trước sức ép đô thị hóa, thách thức lớn nhất mà hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể đều phải đối diện, đó là việc giới trẻ hiện vẫn chưa cảm nhận hết giá trị của di sản do bị ảnh hưởng của các trào lưu mới nên ít tìm thấy sự say mê để theo học, thực hành hay thậm chí chỉ để thưởng thức, hưởng thụ các giá trị văn hóa do cha ông sáng tạo và trao truyền lại. Làm sao để tăng sức hấp dẫn của di sản trong lăng kính thế hệ trẻ và đặc biệt tìm giải pháp để văn hóa phi vật thể Hà Nội “sống khỏe” là một trong những vấn đề cần quan tâm hàng đầu hiện nay.
Bài 2: Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong “cơn lốc” đô thị hóa

Trước sức ép đô thị hóa, thách thức lớn nhất mà hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể đều phải đối diện, đó là việc giới trẻ hiện vẫn chưa cảm nhận hết giá trị của di sản do bị ảnh hưởng của các trào lưu mới nên ít tìm thấy sự say mê để theo học, thực hành hay thậm chí chỉ để thưởng thức, hưởng thụ các giá trị văn hóa do cha ông sáng tạo và trao truyền lại. Làm sao để tăng sức hấp dẫn của di sản trong lăng kính thế hệ trẻ và đặc biệt tìm giải pháp để văn hóa phi vật thể Hà Nội “sống khỏe” là một trong những vấn đề cần quan tâm hàng đầu hiện nay.

Bài 2: Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong “cơn lốc” đô thị hóa

Với sự đa dạng của di sản phi vật thể, Hà Nội đang nắm giữ nhiều loại hình như: Ngữ văn truyền khẩu, nghệ thuật trình diễn truyền thống, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Trong đó, lễ hội truyền thống chiếm giữ nhiều hơn cả với 1.206 lễ hội lớn nhỏ, trải rộng khắp các quận, huyện, thị xã.

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận thực tế, đa phần lễ hội là có sức sống lâu bền bởi nó gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng làng xã, số lượng người tham gia đông. Lễ hội Đền Và ở thị xã Sơn Tây là ví dụ. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, trong những lễ hội ở Sơn Tây phải kể đến hội đền Và, lễ hội lớn nhất của xứ Đoài xưa, với những nghi thức dân gian cổ, độc đáo. Xuân thu nhị kỳ, vào dịp tháng giêng và tháng chín hàng năm, Đền Và tổ chức lễ hội đón tiếp những người con quê hương và du khách thập phương về dâng hương để tỏ lòng tri ân Đức Thánh Tản.

Bài 2: Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong “cơn lốc” đô thị hóa
Lễ hội Đền Và ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) - một trong những lễ hội văn hóa truyền thống đông vui nhất xứ Đoài xưa.

Lại định kỳ ba năm một lần, vào các năm: Tí, Ngọ, Mão, Dậu, chính quyền địa phương và dân làng lại tổ chức hội lớn với sự tham gia của 8 làng cùng thờ Đức Thánh Tản tham gia gồm: Vân Gia, Cầu Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Ái Mỗ - thuộc phường Trung Hưng, các làng Phù Sa - phường Viên Sơn, Phú Nhi - phường Phú Thịnh và làng Duy Bình thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Tâm điểm của lễ hội là lễ rước long ngai bài vị Tam vị Đức Thánh Tản qua sông Hồng sang đền Ngự Dội là nơi theo truyền thuyết Thánh Tản Viên đã tắm để tế lễ diễn lại sự tích này rồi quay trở lại đền Và. Chính vì vậy, dân gian vẫn tương truyền câu ca: "Dù ai đi lễ trăm miền, không bằng cầu lễ tháng giêng Đền Và…".

Với những giá trị văn hóa lịch sử quý giá, ngày 19/1/2016, Lễ hội Đền Và đã vinh dự được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Để lễ hội diễn ra an toàn, đúng quy định, công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức lễ hội được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Ban quản lý di tích quan tâm thực hiện. Các hiện tượng mê tín, dị đoan như đốt đồ mã, xóc thẻ, bói toán, cờ bạc, chèo kéo, ép khách đã được khắc phục, hạn chế. Quy hoạch không gian lễ hội được quan tâm, khu vực ăn uống, kinh doanh sản phẩm văn hóa, các điểm trông giữ xe… được bố trí hợp lý. Bên cạnh đó, các điểm diễn ra lễ hội hàng năm đều được tu sửa, tôn tạo khang trang, sạch đẹp, góp phần đưa Sơn Tây trở thành điểm đến du lịch mùa lễ hội hấp dẫn du khách gần xa.

Thực tế, nếu không gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng làng xã thì các loại hình di sản phi vật thể khác ít nhiều còn gian nan trong câu chuyện gìn giữ và phát huy. Điều này có thể thấy được ở điệu múa bồng của làng Triều Khúc, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì). Nằm ngay giáp với nội đô Hà Nội, múa bồng là điệu múa cổ đặc sắc của Thăng Long xưa và là niềm tự hào không chỉ người dân làng Triều Khúc. Song điệu múa này phải huy động nam đóng giả gái múa theo kiểu lả lơi, phóng khoáng, đánh phấn tô son, mặc váy xòe đụp. Dù có tự hào, yêu di sản quê hương nhưng số lượng người theo múa không nhiều. Vì có lẽ, việc múa may kiểu giả gái không hợp với xu hướng nam thanh niên hiện nay. Hơn cả là họ bị cuốn theo nhịp sống hiện đại của thành phố.

Tiếng lóng thôn Đa Chất, xã Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên) cũng đang trong tình trạng mai một, bởi một lý do đơn giản là người làng không cần dùng tiếng lóng trong giao tiếp để giữ nghề đóng cối xay lúa nữa. Nghề đã mất, những người thợ cối đều đã cao tuổi, phần lớn họ chỉ nhớ được những từ tiếng lóng thông dụng và tiếng lóng không còn được thực hành. Ông Nguyễn Văn Nghing (67 tuổi) hiện đang là thủ từ trông giữ Đình, đồng thời cũng là một trong số ít những người còn am hiểu “mật ngữ” của Đa Chất tiếc nuối, thế hệ trẻ hầu như không biết tiếng lóng. Điều đó đồng nghĩa, khi những người thợ đóng cối xay lúa mất đi, tiếng lóng không còn tồn tại nữa.

Bài 2: Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong “cơn lốc” đô thị hóa

Đau đáu giữ gìn ngôn ngữ cổ của làng nhưng đành bất lực, Trưởng thôn Đa Chất Nguyễn Văn Tuyên cho biết, khoảng năm 2016 ngành văn hóa Hà Nội coi tiếng lóng là di sản phi vật thể đầu tiên của thành phố về loại hình truyền thống truyền khẩu. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ dừng lại ở đó, sự công nhận hoặc động thái bảo tồn, giữ gìn chính thức chưa thấy đâu, chỉ thấy những cao niên Đa Chất cứ mất dần vì tuổi cao. Dần già, chỉ còn lác đác lại số ít người trong làng là biết và nói tiếng lóng.

Tương tự, hát tuồng cổ thôn Cốc Thượng, xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ); trò vật lầu ở làng Thao Chính, thị trấn Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên)… cũng trong nguy cơ bị mai một do sức ép của cuộc sống hiện đại. Làng An Cốc, xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) từng là một làng nghề làm giấy dó sôi động, nhưng đã mất nghề từ nhiều năm qua. Từ năm 2008, địa phương đã cố gắng vực dậy làng nghề, nhưng rồi lại đâu vào đấy khi các phương thức bảo tồn, giữ nghề không thật sự tốt. Cụ Nguyễn Văn Bảo, một lão nông ở làng, chia sẻ, kỹ thuật làm nghề thì giờ chỉ còn vài người nhớ, nhưng nghề đã không tồn tại nhiều năm, bao nhiêu năm qua, người làng đi tứ xứ làm ăn và có lẽ, cũng chỉ nhớ đến nghề vào ngày giỗ tổ nghề.

Cũng ở miền đất trăm nghề Hà Nội, nhiều trầm tích văn hóa phi vật thể cũng đang dần biến mất. Không khó để thấy sự sung túc của nhiều làng nghề chỉ còn trong ký ức của người già, hoặc chỉ còn một vài người yêu nghề truyền thống cha ông, quyết tâm gìn giữ. Nhiều làng của Hà Nội hoặc các vùng lân cận Thủ đô, ngày xưa có nghề đóng cối, bật bông dạo, đẽo cổ cày vai bừa (vốn là nghề thông dụng ở vùng quê) nay đã vắng bóng hẳn trong cuộc sống hiện đại.

Xưa, the La Khê (Hà Đông) nổi tiếng bởi các mẫu sản phẩm đẹp được bày bán ở rất nhiều khu thương mại. Bây giờ làng chỉ còn duy nhất vợ chồng anh Lê Đăng Toản (còn gọi là Tưởng) duy trì nghề dệt the. Anh Toản cho biết, để có sản phẩm đẹp phải làm mất rất nhiều công sức, song lại khó tiêu thụ. Từ đó mà người làng bỏ nghề. Những người trẻ đi học, làm những công việc khác có thu nhập cao hơn. Những tấm the đẹp, với họa tiết cầu kỳ hình tứ quý, tứ linh, song hạc, hay mẫu hoa văn hình chữ thọ, chữ khang, hoa sen… dần dần trở nên xa lạ với lớp trẻ.

Bài 2: Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong “cơn lốc” đô thị hóa

Nghề làm giấy sắc ở làng, nay là phường Nghĩa Ðô (quận Cầu Giấy) cũng chịu cảnh tương tự vì không còn chỗ đứng. Giấy sắc được biết đến là sản phẩm thủ công với kỹ thuật cao, hoa văn tinh xảo, tô vàng mười. Dòng họ Lại một thời tự hào vì đây là nghề độc nhất vô nhị, được chúa Trịnh Tráng (đầu thế kỷ 17) giao cho đặc ân làm giấy sắc để phục vụ triều đình. Đến nay, chỉ còn ông Lại Phú Thạch giữ tuyệt kỹ của nghề, vẫn đau đáu về một cách nào đó để sau này, người trẻ biết được từng có một thứ nghề như thế trong lịch sử.

Bài 2: Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong “cơn lốc” đô thị hóa

Hà Nội là một trong những địa phương sở hữu kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ nhất cả nước, phong phú về loại hình, giàu có về bản sắc. Nguồn tài nguyên văn hóa này đã và đang được áp dụng nhiều giải pháp, sáng kiến khác nhau để gìn giữ, bảo tồn và phát huy hiệu quả, trong đó không thể không kể đến vai trò chung tay góp sức của cộng đồng sở hữu di sản.

Là di sản nổi danh một thời với “bà chúa ca trù” dạy hát trong cung vua Lê, ca trù Thượng Mỗ (xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng) có giai đoạn gặp khó khăn về cả không gian trình diễn lẫn người thực hành cho đến khi được cộng đồng nỗ lực vực dậy. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Thượng Mỗ là một trong những người góp công lớn vào việc phục dựng và gìn giữ ca trù trên đất Thượng Mỗ.

Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Tam, đã từng có một khoảng thời gian dài hát ca trù tưởng như thất truyền trên quê hương Thượng Mỗ. Khoảng năm 2000 câu lạc bộ được thành lập nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng nghị lực, kết hợp với những người có chung tâm huyết trên địa bàn, việc khôi phục hát ca trù đã dần thu được những hiệu quả nhất định. Hơn hết, từ ý thức, trách nhiệm của người dân trước nguy cơ mất dấu di sản của cha ông, Câu lạc bộ Ca trù Thượng Mỗ được hình thành, duy trì lịch sinh hoạt, truyền dạy theo tháng rồi theo tuần. Ban đầu theo học là những người đã lên chức ông, chức bà, dần dần thu hút cả giới trẻ với nhiều lứa đào nương lên 5, lên 10 được đào tạo bài bản.

Bài 2: Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong “cơn lốc” đô thị hóa
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam "truyền lửa" tình yêu ca trù tới các em nhỏ ở Thượng Mỗ (Đan Phượng), từ đó giúp vun bồi tình yêu của thế hệ trẻ tới loại hình văn hóa phi vật thể này.

Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Tam, các em nhỏ ở Thượng Mỗ rất yêu ca trù và cũng tiếp thu rất nhanh nghệ thuật độc đáo mà cha ông để lại. Để có thể hát đúng nhịp phách, ngân, rung đã khó nhưng khó hơn cả là làm sao hiểu được ý nghĩa từng câu hát để truyền cho đúng tinh thần ca trù. Phải mất 3 năm để các học trò của bà từ cảm được ca trù đến ngâm hơi, nhả chữ thành thục...

Là người đã có nhiều năm kinh nghiệm đứng lớp bồi dưỡng nghệ thuật hát ca trù cho các hạt nhân văn nghệ của huyện Đan Phượng, nghệ nhân Nguyễn Thị Tam cho biết, bà sẵn sàng dạy cho bất cứ ai yêu thích ca trù, muốn tìm hiểu, học về nghệ thuật truyền thống này. Qua đó nhân lên những hạt giống ca trù ở khắp các địa phương trên địa bàn huyện Đan Phượng, đưa ca trù đến với đông đảo người dân, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Cách Thượng Mỗ không xa, ở vùng Tân Hội, có thể dễ dàng cảm nhận được Chèo tàu như ngấm vào máu, vào thịt mỗi người dân. Từ những trẻ mới lớn, cho đến người trưởng thành và cả những cụ già vẫn có niềm đam mê, yêu những làn điệu mượt mà, những câu ca sâu lắng. Nghệ nhân Ðông Sinh Nhật - người nổi tiếng khắp Tân Hội như là một “đạo diễn” cho các hội diễn văn hóa văn nghệ quần chúng của xã chia sẻ, hát Chèo tàu đã có từ khoảng những năm 1683. Thuở xưa, do đây là điệu hát thiêng nên phải cách quãng 25 năm người dân mới mở hội hát một lần, mỗi lần hội hát được mở lại kéo dài trong vòng một tháng. Hay và đặc sắc, song việc lưu giữ Chèo tàu cũng gặp khó khăn bởi việc học hát Chèo tàu chủ yếu qua hình thức truyền miệng, bởi không có sách nào ghi lại những lời ca, điệu hát. Vậy nên, xưa Chèo tàu có hàng trăm làn điệu nhưng hiện nay, dù các nghệ nhân dân gian trong vùng đã nỗ lực sưu tầm nhưng cũng chỉ lưu giữ chính xác về ngôn ngữ và cách hát khoảng trên 20 làn điệu, trong đó có nhiều bài được trình diễn tương đối phổ biến như “Hát bỏ bộ”, “Hát ví”...

Bài 2: Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong “cơn lốc” đô thị hóa

Nghi thức diễn xướng hát Chèo tàu ở Tân Hội (Đan Phượng) được phục dựng.

Theo tìm hiểu, để Chèo tàu được thịnh hành như hiện tại, ngoài sự đóng góp của các cao niên trong việc lưu giữ thì việc sưu tầm và truyền thụ điệu hát phải kể đến các ông Đông Sinh Nhật, Nguyễn Hữu Yến, bà Ngô Thị Thu, bà Nguyễn Thị Tuyết và bà Nguyễn Thị Lệ Thủy… với sự tâm huyết của mình, những nghệ nhân này đã phối hợp với Viện Âm nhạc Việt Nam, Sở Văn hóa và Thông tin Hà Tây (cũ) nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức sưu tầm, ghi âm bài hát dân gian trong quần chúng rồi học, đối chiếu để hát cho chuẩn.

Sau nhiều năm trăn trở, bằng sự cống hiến vô tư, các ông bà trên đã thành lập Câu lạc bộ hát chèo tàu Tân Hội nhằm khôi phục làn điệu chèo tàu cổ, phục dựng lễ hội hát. Từ 20 người ban đầu, sau một thời gian hoạt động, số hội viên câu lạc bộ đã tăng dần.

Nhìn từ ca trù Thượng Mỗ, hát chèo tàu Tân Hội, múa bồng Triều Khúc… đã chứng minh di sản có sức sống bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều vào cộng đồng nắm giữ di sản. Điều này cần được chú trọng bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như có những quan tâm, đầu tư cần thiết để tiếp sức cộng đồng.

Bài 2: Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong “cơn lốc” đô thị hóa

Trước sức ép đô thị hóa, số lượng nghệ nhân dân gian nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể đang ngày càng ít dần đi do tuổi cao, sức yếu, mà thế hệ trẻ lại không “mặn mà” với điều đó nên các yếu tố văn hóa dân gian truyền thống có nguy cơ cao bị mai một; chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể được quy định trong Luật Di sản văn hóa, Luật Thi đua, Khen thưởng, các luật liên quan và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ; điều kiện cho nghệ nhân dân gian có môi trường thực hành và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể đang nắm giữ chưa nhiều; các chương trình hỗ trợ và quảng bá về nghệ thuật và di sản văn hóa chưa được bao quát toàn diện…

Trước việc cần hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân, tại kỳ họp thứ X, Hội đồng nhân dân khóa XVI của Hà Nội tháng 12/2022 đã ban hành Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND Quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”, Nghệ nhân và Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội. Ngày 28/4/2023, Sở Văn hóa và Thể thao ban hành văn bản số 1535/SVHTT-QLDSVH hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết tới Ủy ban nhân dân các quận, huyện thị xã trong với việc hỗ trợ, đãi ngộ Nghệ nhân và Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Bài 2: Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong “cơn lốc” đô thị hóa

Có thể nói, chính sách hỗ trợ nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể đã được các cấp triển khai hiệu quả, đi vào thực tiễn. Hiện nay, các quận, huyện, thị xã các đã và đang triển khai thực hiện, hỗ trợ kiện toàn, thành lập các Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/04/2010 của Chính phủ quy định về việc Tổ chức, hoạt động và quản lý Hội và các quy định liên quan đề từ đó có thể được hưởng chế độ hỗ trợ tại Nghị quyết 23 với mức hỗ trợ các Câu lạc bộ lần đầu thành lập được 50 triệu đồng đồng và hàng năm được hỗ trợ 20 triệu đồng để hoạt động. Đến nay, đã có nhiều Câu lạc bộ được thành lập: Câu lạc bộ Trống quân xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) và Câu lạc bộ ca trù Yên Nghĩa (quận Hà Đông)…

Với Hà Nội, ngay sau khi Nghị quyết ban hành, thành phố Hà Nội đã bố trí nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết đến các quận, huyện. Chính sách hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, người kế cận nắm giữ di sản tham gia thực hành, trình diễn, truyền dạy, bảo vệ, phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể theo quy định tại khoản 3, Mục II và khoản 3 mục III phụ lục 02 Nghị quyết số 23 trong đó có kinh phí hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân truyền dạy: 500.000 đồng/người/buổi, nghệ nhân ưu tú 300.000 đồng/người/ buổi.

Các địa phương Đan Phượng, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Đông Anh, Hoài Đức, Quốc Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên… đã hỗ trợ các Câu lạc bộ và nghệ nhân tổ chức nhiều lớp truyền dạy, nhiều đợt truyền dạy với các di sản như: Hát Ca trù, hát trống quân, hát Tuồng, múa rối nước, hát Dô, hát Chèo, hát Chèo tàu, cồng chiêng của người Mường, múa rối cạn, nặn Tò he, Xẩm, hát múa Bài bông, hát múa Ải lao…

Các hoạt động trình diễn, giới thiệu di sản cũng đã được quy định mức hỗ trợ cụ thể nghệ nhân thực hành di sản góp phần tạo nên sức sống của di sản; trong các lễ hội truyền thống, các sự kiện văn hóa của địa phương và Thành phố, các hoạt động trên khu vực phố đi bộ, phố cổ đã thường xuyên đưa các tiết mục trình diễn của nghệ nhân đến với công chúng…

Bài 2: Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong “cơn lốc” đô thị hóa

Dù đã có những bước tiến nhất định, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục có những chỉnh sửa phù hợp trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) từ khái niệm, phân loại, cũng như các nội dung liên quan tới ghi danh di sản. Trong đó, nên kế thừa tinh thần và các khái niệm trong Công ước của UNESCO. Cụ thể, sau khi có Luật Di sản văn hóa và Công ước 2003, chính sách đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể đã được quy định và thực hiện. Sau 3 đợt phong tặng vào các năm 2015, 2019, 2022, có 1.881 nghệ nhân trên các lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (1.750 người), Nghệ nhân Nhân dân (131 người).

Nhận định chính sách đối với nghệ nhân là điểm mới, quan trọng và cần thiết song Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, cộng đồng là những người nắm giữ di sản, nên có vai trò quan trọng nhất trong hoạt động bảo tồn. Khi một di sản được ghi danh, yếu tố trước tiên là cộng đồng phải cam kết tự nguyện bảo vệ di sản. Khi đó, người dân địa phương sẽ chủ động, tự giác tham gia đóng góp cho các hoạt động tuyên truyền quảng bá, giữ gìn di sản. Bởi vậy, xét trên nhiều góc độ thì trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cần thêm điều khoản để xét các trường hợp đặc biệt dành cho nghệ nhân trẻ có tài năng xuất sắc. Đối tượng này cần khuyến khích bởi vì họ có năng lực sáng tạo, truyền dạy và góp phần tích cực vào phát huy giá trị di sản bền vững.

Bên cạnh sự khuyến khích “ươm mầm” phát triển thì nhiều ý kiến cũng cho rằng cần có thêm điều khoản về việc hủy hoặc rút lại các danh hiệu trong trường hợp các cá nhân vi phạm các luật khác và Luật Di sản Văn hóa đồng thời bổ sung hình thức khen thưởng cho những người có thành tích lớn bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể như nhà tài trợ, nhà nghiên cứu, nhà thiết kế, sáng tạo.

Bài 2: Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong “cơn lốc” đô thị hóa

(Bài 3: Kiến tạo dấu ấn cá nhân trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Hà Nội)

------------------------

Nội dung: Đinh Luyện - Nguyễn Tuấn; Thiết kế: Phạm Thắng

Bài 1: Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội Bài 1: Bề dày văn hóa tạo ra sức mạnh của Hà Nội

Hà Nội là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể, mang đặc trưng riêng của văn hóa Thăng Long và xứ ...