Hơn 500 hộ dân tộc thiểu số xin thoát nghèo

15:43 | 02/11/2019
(LĐTĐ) Hiện nay thu nhập thực tế bình quân một người dân tộc thiểu số khoảng 1,1 đến 1,2 triệu đồng/tháng, tương đương với 13-14 triệu đồng một năm. Nếu đến năm 2020 tăng gấp 2 lần thì sẽ đạt khoảng 26 đến 28 triệu đồng một năm...
hon 500 ho dan toc thieu so xin thoat ngheo Nâng chất lượng giáo dục cho trẻ vùng dân tộc thiểu số
hon 500 ho dan toc thieu so xin thoat ngheo Tăng cường hỗ trợ trẻ em xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi
hon 500 ho dan toc thieu so xin thoat ngheo Phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số

Trong phiên họp liên quan đến Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Sau khi nghe báo cáo, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra băn khoăn với đề án là đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần so với năm 2020, đến năm 2030 tăng gấp 2,5 lần năm 2026.

hon 500 ho dan toc thieu so xin thoat ngheo
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp (Ảnh Quochoi.vn)

Đóng góp ý kiến với đề án, đại biểu Tống Thanh Bình (đại biểu tỉnh Lai Châu) cho rằng, mục tiêu trên là rất cao và rất khó khả thi. Khẳng định cần đưa mục tiêu này để thu hẹp mức sống của đồng bào dân tộc với các vùng khác đến năm 2030, song đại biểu Vương Văn Sáng (đại biểu tỉnh Lào Cai) cũng băn khoăn về mức độ tăng như đề án.

Đại biểu Phan Thái Bình (đại biểu tỉnh Quảng Nam) cũng cho rằng cần hết sức cân nhắc mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần so với năm 2020, vì khó khả thi.

Theo đại biểu tỉnh Quảng Nam, đề án này nếu được thông qua và bắt đầu thực hiện từ năm 2021, thì sau đề án cần phải xây dựng hàng loạt các chính sách cụ thể, tuyên truyền, phổ biến, triển khai đến từng địa phương, từng địa bàn dân cư, từng người dân nhất định cần thời gian để đi vào cuộc sống.

“Đây là chính sách đòi hỏi nguồn lực lớn, thời gian triển khai dài nên không thể phát huy hiệu quả ngay trong một vài năm đầu mà có thể sẽ đến năm thứ ba, năm thứ tư mới có kết quả rõ nét, sau 5 năm mà mục tiêu đề ra thu nhập gấp đôi thì rất khó”, đại biểu Phan Thái Bình nhấn mạnh.

Giải trình về những băn khoăn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, qua khảo sát trực tiếp của Ban soạn thảo đề án, hiện nay thu nhập thực tế bình quân một người dân tộc thiểu số khoảng 1,1 đến 1,2 triệu đồng trên một tháng, tương đương với 13-14 triệu đồng một năm. Nếu đến năm 2020 tăng gấp 2 lần thì sẽ đạt khoảng 26 đến 28 triệu đồng một năm. Mà dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đến năm 2025 Việt Nam sẽ đạt 5.000 USD bình quân GDP trên đầu người.

Ông Đỗ Văn Chiến cho biết đã nghiên cứu Văn kiện Đại hội Đảng bộ của các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi và thấy quyết tâm của các tỉnh rất cao về chỉ tiêu tăng thu nhập. Cụ thể, năm 2020 so với 2015 Cao Bằng đề nghị tăng 2,1 lần, Quảng Ninh 2,2 lần, Hà Giang 1,85 lần, Hòa Bình 2,1 lần, Quảng Bình 2,5 lần, Ninh Thuận 2 lần, Gia Lai 2,1 lần, Sóc Trăng 1,8 lần, Bạc Liêu 2,1 lần.

Mặt khác, chương trình Tam Nông xác định thu nhập của cư dân nông thôn tại Nghị quyết 26 Ban Chấp hành Trung ương Đảng sau 10 năm tăng 2,5 lần nhưng vừa qua tổng kết là tăng 3,8 lần, bình quân là 1,9 lần trên 5 năm.

“Ban soạn thảo trân trọng đề nghị cho giữ mức tăng khoảng hai lần để từng hộ, từng thôn, xã quyết tâm phấn đấu và hàng năm có kiểm điểm thì như vậy mới có thể thực hiện được”, ông Chiến phát biểu.

hon 500 ho dan toc thieu so xin thoat ngheo
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu giải trình tại Quốc hội

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số, theo Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, chỉ tiêu đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số trong độ tuổi hiện nay đạt 6,2%, vì vậy việc đề án đề xuất lao động dân tộc thiểu số qua đào tạo khoảng 50% nhưng bằng cấp chứng chỉ 10-15% và đây là chỉ tiêu phù hợp.

Theo Chủ tịch Ủy ban Dân tộc, với sự đầu tư, giúp đỡ của Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số đang nỗ lực để vươn lên. Đặc biệt, thông tin vui là gần đây 500 hộ dân tộc thiểu số ở Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đây sẽ là nguồn lực mới cho sự thành công của dự án, nên Chủ tịch Ủy ban Dân tộc khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến để hoàn thiện đề án.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo, chăm sóc đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã thực hiện tốt nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển.

"Việc Quốc hội xem xét, thảo luận, quyết định các chính sách dân tộc đúng với quy định tại Điều 70 của Hiến pháp năm 2013 và thực sự có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan hoàn thiện Đề án trước khi trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về Đề án này", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này