Tai nạn đường sắt có nhiều dấu hiệu gia tăng đột biến

09:12 | 03/08/2019
(LĐTĐ) Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, chỉ tính riêng trong tháng 7/2019, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông đường sắt, tăng 12,5%, số người chết tăng 21,4% và số người bị thương tăng 76,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, gần đây đã nổi lên gần 10 vụ nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.  
tai nan duong sat co nhieu dau hieu gia tang dot bien Tăng cường công tác đảm bảo an toàn đường sắt
tai nan duong sat co nhieu dau hieu gia tang dot bien Cần hơn 7.300 tỷ đồng để ngăn chặn ‘tử thần’
tai nan duong sat co nhieu dau hieu gia tang dot bien Kỳ 2: Vì sự an toàn là trên hết
tai nan duong sat co nhieu dau hieu gia tang dot bien Kỳ 1: Bao giờ mới chấm dứt?

Điển hình có thể kể đến là vụ tai nạn xảy ra ngày 31/7, tàu SE27 khi đến km 1465+810 là đường ngang biển bảo (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) khu gian Sông Lòng Sông - Sông Mao, tuyến đường sắt Bắc - Nam đâm vào 1 xe ô tô 16 chỗ. Hậu quả làm 3 người chết tại chỗ, 1 người chết tại bệnh viện.

Trước đó, ngày 4/7, tàu SE3 đến km 126 + 575 (lối đi tự mở) khu gian Ghềnh - Đồng Giao (Tam Điệp, Ninh Bình) va chạm với 2 người đi xe máy vượt qua đường sắt. Hậu quả làm 1 người chết, 1 người bị thương.

Một vụ khác, ngày 9/7, tàu SE1 đến Km 900+360 (đường ngang biển báo) khu gian Núi Thành - Trị Bình (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) va vào xe ô tô taxi 4 chỗ của hãng Mai Linh. Hậu quả làm chết 2 người (1 người lớn và 1 trẻ em) và 2 người bị thương. Ngày 16/7, tàu LP5 đến km 75+00 (lối đi tự mở) khu gian Phạm Xá - Phú Thái (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) va chạm với 2 người phụ nữ đi xe đạp điện. Hậu quả làm 1 người chết, 1 người bị thương...

tai nan duong sat co nhieu dau hieu gia tang dot bien

Tai nạn đường sắt vẫn luôn rình rập nếu bản thân người dân chưa có ý thức cao về việc bảo vệ mạng sống của chính mình. Ảnh: K.T

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên nhân của các vụ tai nạn chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chú ý quan sát, không chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông khi đi qua các vị trí giao cắt giữa đường sắt - đường bộ.

Để hạn chế tai nạn đường sắt tại các vị trí đường ngang biển báo và lối đi tự mở, thời gian qua Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã bố trí trực cảnh giới tại 44 đường ngang có nguy cơ cao về tai nạn trong đợt cao điểm vận tải hè từ ngày 10/6 đến hết ngày 31/7, cảnh giới hàng ngày từ 6 - 21 giờ; công bố lịch trình chạy tàu thường xuyên;

thông báo trên bảng thông tin điện tử trên tàu, dưới ga các quy định về đảm bảo an toàn giao thông khi đi qua đường sắt... để người dân nâng cao ý thức, tự giác chấp hành, phòng tránh tai nạn. Tuy nhiên, tình hình tai nạn đường sắt vẫn diễn biến phức tạp, nhất là liên quan đến ý thức người đi đường. Để giảm thiểu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khuyến cáo người tham gia giao thông “dừng lại quan sát trước khi qua đường ngang vì an toàn của bản thân và xã hội”.

Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua về việc triển khai các nhiệm vụ cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt.

Theo đó, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến đến cấp cơ sở, khu dân cư Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, nhất là các quy tắc giao thông đường bộ khi vượt qua đường sắt; phát huy và nhân rộng các mô hình tự quản trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả các vụ tai nạn giao thông đường sắt.

Đ.L

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này