Làm gì để không xảy ra cháy nổ ở các khu nhà cao tầng?

Kỳ cuối: Thiết kế và thiết bị phải chuẩn

15:57 | 28/03/2019
(LĐTĐ) Trong bối cảnh quỹ đất phát triển đô thị còn nhiều giới hạn, nhu cầu nhà ở ngày một tăng nhanh thì phát triển chung cư cao tầng là một xu thế tất yếu. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý và thiết kế trong giai đoạn tới, để không chỉ đơn giản hạn chế tối thiểu số lượng và thiệt hại các vụ cháy tại các công trình chung cư cao tầng, mà còn hướng đến quản lý và vận hành đồng bộ nhà chung cư cao tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
ky cuoi thiet ke va thiet bi phai chuan Kỳ 2: Nếu chủ đầu tư và cư dân đều ý thức...
ky cuoi thiet ke va thiet bi phai chuan Kỳ 1. Không thể nói hoài... nhắc mãi!
ky cuoi thiet ke va thiet bi phai chuan Thay thế chủ đầu tư nếu không đủ năng lực

Từ giải pháp thiết kế

Thực tế đã cho thấy, các vụ tai nạn cháy chung cư cao tầng luôn gây ra thiệt hại lớn về tài sản và con người. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do đặc thù trong thiết kế kiến trúc của chung cư cao tầng đã gây ảnh hưởng đáng kể đến việc ứng phó và giảm thiểu các thiệt hại của các vụ cháy cũng như tính chủ động trong ứng cứu và sơ tán người dân.

ky cuoi thiet ke va thiet bi phai chuan
Hà Nội ngày càng nhiều khu cao tầng mọc lên, bởi vậy cần phải tính đến khâu thiết kế và thiết bị PCCC.

Theo công năng thiết kế, công trình cao tầng có diện tích sử dụng lớn, dẫn đến mật độ tập trung đông, lượng chất cháy, vật tư thiết bị hàng hóa cũng tập trung với khối lượng lớn. Lối ra thoát nạn chính là qua cầu thang, buồng thang bộ dẫn tới thời gian thoát nạn kéo dài. Khi có cháy trong nhà cao tầng, toàn bộ các tầng ở trên tầng bị cháy sẽ bị đe dọa do lửa khói, hơi nóng khí độc từ đám cháy luôn có xu hướng lan lên trên dọc theo chiều cao công trình gây ảnh hưởng đến thoát nạn và cháy lan lên toàn bộ công trình.

Càng lên cao, tốc độ và áp lực gió càng tăng, đó cũng là nguyên nhân làm cho đám cháy phát triển với tốc độ nhanh. Do đó, việc triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn cũng như việc cấp nước chữa cháy càng lên cao càng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với những công trình có chiều cao vượt trội và khả năng hoạt động của xe thang được trang bị của lực lượng cảnh sát PCCC thấp hơn cao độ công trình hoặc máy bơm chữa cháy không đủ công suất để bơm đẩy nước chữa cháy lên tầng cao.

Từ thực tế này, theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, việc tuân thủ đúng các quy định về thiết kế đảm bảo an toàn PCCC cho công trình cao tầng là rất cần thiết, giúp tòa nhà có tính an toàn và chủ động ứng phó cao với tai nạn cháy nổ. Tuy nhiên, hiện nay tiêu chuẩn Việt Nam về PCCC cho nhà ở và công trình chưa đề cập đến các giải pháp đối với nhà siêu cao tầng (40 tầng trở lên) và hoàn toàn chưa nghiên cứu về tầng cứu nạn.

Từ thực tế này, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng cho rằng, bên cạnh các yếu tố khách quan, với riêng ngành xây dựng, cần đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống quy phạm văn bản pháp luật mà trước hết là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng nhà cao tầng, các quy định trong vận hành công trình làm cơ sở cho công tác thiết kế, cấp phép, quản lý, vận hành công trình.

Thiết bị an toàn

Có thể nói, bên cạnh việc tăng cường quản lý hành chính, chế tài xử phạt nghiêm minh các chủ đầu tư cố tình vi phạm nhằm tránh tái phạm cũng là điều đặc biệt quan trọng. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay mức xử phạt hành chính tối đa là 80 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm trong PCCC, như vậy là quá nhẹ, bởi vì một dự án được doanh nghiệp đầu tư hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng thì việc nộp phạt vài chục triệu là quá nhỏ, từ đó dẫn đến hiện tượng “nhờn” luật.

Phát biểu tại hội thảo PCCC do Viện Kiến trúc quốc gia tổ chức mới đây, Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH – Bộ Công An chia sẻ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Trong đó, có yếu tố đến từ phía các chủ đầu tư. Thực tế kiểm tra vi phạm cho thấy, nhiều chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm tới việc đầu tư về hạng mục phòng cháy chữa cháy cho công trình, còn làm với hình thức đối phó, làm cho có để được thẩm duyệt, nghiệm thu để đưa vào sử dụng.

Do đó, điều cần làm hiện tại là phải thể hiện rõ trách nhiệm của chủ đầu tư. Đã đến lúc các cơ quan chức năng nên sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật trong công tác PCCC để tăng cường tính răn đe, phòng ngừa đối với các chủ đầu tư cố tình “phớt lờ” các quy định về PCCC.

Đồng tình với quan điểm này, TS Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở cao tầng hiện nay cố tình “quên” công tác PCCC chủ yếu là do chưa có chế tài xử lý đủ mạnh. Bởi lẽ, những vi phạm về PCCC hiện nay mới chỉ bị xử phạt hành chính.

Công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với việc thực hiện đầy đủ các biện pháp PCCC của các chủ đầu tư diễn ra chưa thực sự hiệu quả. Do đó, nhiều chủ đầu tư vẫn coi nhẹ vấn đề PCCC. Cần sớm giải quyết những bất cập trong các quy định pháp luật về PCCC và người dân, chủ đầu tư cũng cần ý thức về trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện nghiêm túc những quy định về PCCC.

Đặc biệt, đối với hệ thống nhà cao tầng các thiết bị liên quan đến công tác PCCC phải tiên tiến, đảm bảo các thông số kỹ thuật. Thực tế cho thấy, nếu chủ đầu tư nào, tòa nhà cao tầng nào trang bị các thiết bị PCCC của nhóm G 7 (7 nước công nghiệp phát triển) như Vingroup thì đó tính an toàn rất cao. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vì chạy theo lợi nhuận mà không ít đã rắp đặt các thiết bị PCCC của những nước chưa đảm bảo yêu cầu. Do đó, nếu khi xảy ra sự cố cháy nổ sẽ rất nguy hiểm.

Trang bị kiến thức PCCC

Theo cơ quan PCCC, khi đám cháy ở 10 phút đầu thì khả năng khống chế tốt và gây ít thiệt hại nhưng khi đám cháy đã quá thời gian kể trên khó có khả năng khống chế và thiệt hại cũng sẽ rất lớn về vật chất, tính mạng của chính mình và nhiều người khác.

Do đó, để đảm bảo an toàn PCCC cho các hộ gia đình, giảm nhẹ các thiệt hại về người và tài sản cho chung cư cao tầng khi có tai nạn cháy nổ xảy ra, bên cạnh việc trông đợi sự ứng cứu từ các đơn vị chữa cháy chuyên nghiệp (chữa cháy thụ động), thì việc nâng cao nhận thức của người sử dụng trong vận hành và sử dụng công trình cũng đóng vai trò quyết định trong việc giảm thiểu các thiệt hại của tai nạn cháy nổ xảy ra với chung cư cao tầng.

Theo trung úy Phạm Quốc Hưng, Giảng viên trường Đại học PCCC, mỗi tòa nhà đều có một lối kiến trúc khác nhau. Do vậy, khi đến sống và làm việc tại bất kì nơi nào, mọi người nên tìm hiểu về chỉ dẫn thoát hiểm tại nơi đó. Điều đầu tiên phải thật bình tĩnh tìm cách làm theo các chỉ dẫn thoát hiểm đã được hướng dẫn trước đó để có thể tự giải cứu mình sau đó là hỗ trợ người khác.

Để làm được điều này, công tác PCCC chung cư cần chú trọng tuyên truyền hơn nữa vào phương tiện tại chỗ và lực lượng tại chỗ. Mỗi người dân trong toàn nhà chung cư cao tầng cần biết cách sử dụng bình cứu hỏa và họng nước chữa cháy, cũng như phương pháp cứu nạn, thoát nạn ra khỏi tòa nhà một cách trật tự và an toàn. Trong bối cảnh hiện nay, các Ban quản trị, Ban quản lý nhà chung cư cần phối hợp với cơ quan PC&CC tập huấn cho cư dân các kỹ năng sử dụng thiết bị PCCC, đặc biệt là ý thức thoát hiểm.

Anh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này