Cách mạng 4.0 từ góc nhìn chuyên gia

21:52 | 11/02/2019
(LĐTĐ) Chúng ta đang sống trong Kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) mà đỉnh cao là trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và các lĩnh vực công nghệ cao khác. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là hiểu thế nào cho đúng về 4.0 và mỗi chúng ta sẽ phải làm gì để thích ứng với làn sóng cách mạng này? Đây là những nội dung mà Báo Lao động Thủ đô lược ghi ý kiến của các chuyên gia tại buổi tọa đàm “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” tổ chức cách đây không lâu.
cach mang 40 tu goc nhin chuyen gia Lao động làng nghề: Nhiều thách thức trước cuộc cách mạng 4.0
cach mang 40 tu goc nhin chuyen gia Ngày hội Hướng nghiệp và Việc làm: “Nhân lực thời cách mạng 4.0”
cach mang 40 tu goc nhin chuyen gia Cách mạng 4.0: Thách thức lớn cho lao động nữ

TS. Nguyễn Đức Thành, chuyên gia Kinh tế, Viện trưởng Viện nghiên cứu và chính sách Việt Nam:

Cần giáo dục nhận thức để đón nhận sự thay đổi

Hiện nay các nước phát triển và đang phát triển trên thế giới đều hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp; đặc biệt lĩnh vực công nghệ. Đây là cuộc cách mạng làm thay đổi toàn bộ cách mà chúng ta sống, cách mà chúng ta tương tác với nhau trong xã hội. Trên cơ sở đó, việc tìm kiếm lợi nhuận, tạo ra giá trị hay vận hành về mặt chính trị cũng thay đổi theo.

cach mang 40 tu goc nhin chuyen gia
TS. Nguyễn Đức Thành

Các nước trên thế giới đều đổ rất nhiều tiền, nhiều nguồn lực để nghiên cứu sử dụng tài nguyên số - nền tảng hạ tầng cho cuộc cách mạng này. Tất nhiên, đã là cách mạng thì phải đến từng người, từng nhà, chúng ta thấy rất rõ như vậy. Còn nếu như chưa được như vậy thì chỉ là một sự thay đổi, chỉ là sự diễn tiến của khoa học mà thôi.

Nền tảng của cách mạng 4.0 là con người có thể số hóa được gần như tất cả mọi thứ. Việc số hóa sẽ gán tất cả hiện tượng cụ thể ra dạng số. Khi ở dạng số, có một hệ thống làm việc với những số đó. Khi sở thích, tính cách, lịch sinh hoạt… của một người được số hóa. Trên cơ sở tài nguyên số đó có thể kết nối với nhau bằng nền tảng công nghệ số. Có thể hình dung tất cả các hiện tượng đều có một “linh hồn số”.

Toàn bộ các dữ liệu số hóa sẽ “làm việc” với nhau. Giống như chiếc máy bay có thể nhìn thấy là một vật thể làm từ vật chất, nhưng bên trong nó chứa một “linh hồn số” là hệ điều hành của chiếc máy bay… Trong xã hội hiện đại tất cả đều có một phiên bản số. Mỗi cá nhân, con người, chai nước… cũng có một phiên bản số được ghi lại, ví dụ chai nước có quá trình từ đống rác, được tái chế để trở thành vỏ chai… tất cả được lưu trữ thành một kho dữ liệu khổng lồ.

Cuộc sống vẫn diễn ra hàng ngày hàng giờ nhưng làm cho chúng ta thấy mọi việc nhanh hơn, gần hơn, năng suất hơn. Công nghệ số hướng tới mục đích năng suất. Một xã hội muốn xây dựng được tốt đẹp thì cần phải có năng suất cao trong tất cả mọi hoạt động. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghệ sẽ không dừng lại, khi tất cả các dữ liệu số hóa không được kiểm soát chặt chẽ.

Bởi vậy vấn đề đặt ra là chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghệ bằng một thể chế pháp luật chặt chẽ. Cuộc cách mạng nào cũng sẽ dẫn tới khủng hoảng. Do đó, chúng ta cần ngay một quá trình giáo dục, tích lũy và nhận thức trên từng con người để thích ứng với sự thay đổi. Vì nếu không kịp thích ứng với những thay đổi, sẽ tích lũy sự mù quáng, giận dữ, gây xáo trộn xã hội.

Nếu không có luật pháp thì chúng ta sẽ không bao giờ xâm nhập được vào cách mạng 4.0 mà chính cuộc cách mạng này sẽ khống chế, chế ngự chúng ta trở thành nạn nhân.

Chuyên gia Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT:

4.0 ảnh hưởng to lớn nhưng cũng đừng hoảng sợ!

Trong thành phố thông minh có nhiều cấu thành, ngoài trung tâm điều hành thông minh của thành phố ra thì có giao thông thông minh, y tế thông minh, an toàn an ninh thông minh, trật tự xã hội thông minh, giáo dục thông minh, du lịch thông minh, điện lưới thông minh… hoạt động của từng cấu thành được tích hợp lên trung tâm của thành phố để thành phố nhận được dữ liệu.

cach mang 40 tu goc nhin chuyen gia
Chuyên gia Đỗ Cao Bảo

Cách đây 5 năm, thế giới chưa nói nhiều đến cách mạng 4.0, nhưng khi đó FPT đã nghĩ đó là thời cơ để vượt lên, bởi đó là lúc công nghệ đang thay đổi. Nếu công nghệ không thay đổi, chúng ta cứ đi sau các nước và đuổi theo họ. Khi công nghệ thay đổi thì chúng ta cần đi ngay vào công nghệ mới thì mới có thể bứt phá được. FPT lúc đó đã nhận những đơn đặt hàng viết phần mềm, tiếp cận nhiều tập đoàn lớn trên thế giới và nhận nhiều hợp đồng bởi đã có trong tay nhiều công nghệ như bigdata, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây,…

Đi vào từng vấn đề thiết thực và cụ thể hơn, FPT có thể triển khai đề án bệnh viện thông minh, ghi nhận dữ liệu của từng bệnh nhân trong một bệnh viện, rồi nâng cấp lên đến chuỗi bệnh viện. Khi đó một bệnh án của một bệnh nhân có thể được ghi nhận trong hệ thống phần mềm để các bệnh viện khác nhau có thể truy cập, làm nhanh tiến trình chuẩn đoán, xét nghiệm, khám, chữa bệnh…

Hay phần mềm giao thông thông minh có thể bắt được các xe vi phạm và “phạt nguội”… Ở nước ngoài phần mềm phạt nguội có thể bắt được các biển số ô tô, nhưng đặc thù của giao thông Việt Nam là xe máy rất nhiều, biển xe máy rất nhỏ và dày đặc, đi kín trên đường… nhưng FPT đã lập trình những phần mềm có thể giải quyết được những chi tiết này. Hay ứng dụng công nghệ thông minh trong hệ thống bệnh viện. Thậm chí, lĩnh vực điện lưới thông minh chẳng hạn.

Điện lưới thông minh chính là các công tơ điện thông minh có thể đo điện theo giờ để phân bổ xem giờ nào thiếu điện, thừa điện để phân bổ tiết kiệm nguồn điện…Những ví dụ trên có thể nói rằng, bản chất của cuộc cách mạng công nghệ chính là năng suất. Trí tuệ nhân tạo đang hiện diện quanh ta từ các siêu máy tính đến các thiết bị bay không người lái, trợ lý ảo, đến công nghệ in 3D, giải mã gen, nhiệt kế thông minh, cảm biến đeo trên người và các siêu vi mạch nhỏ như hạt cát…

Cách mạng 4.0 ảnh hưởng to lớn nhưng cũng đừng hoảng sợ, bởi 4.0 có rất nhiều lĩnh vực, có lĩnh vực tiến rất nhanh đang làm ra những sản phẩm đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội làm nên những thay đổi lớn. Có những lĩnh vực phát triển chậm. Thậm chí có những sản phẩm làm ra đạt 99%, thậm chí có thể nghĩ rằng công nghệ làm ra nó có thể thay thế được con người, nhưng trong thực tế, khi vẫn còn sai số thì vẫn chưa thể thay thế được con người. Để khắc phục được 1% đó, cũng còn phải nghiên cứu 3 năm, 5 năm, thậm chí đến vài chục năm hoặc không bao giờ.

Khi cách mạng 4.0 ra đời sẽ có nhiều người thất nghiệp. Có những nhà máy hàng triệu công nhân chỉ còn hàng nghìn công nhân. Vậy liệu bài toán thất nghiệp có thực sự đáng lo ngại? 4.0 ảnh hưởng to lớn nhưng cũng đừng hoảng sợ!

Bảo Thoa (ghi)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này