Cảnh giác khi xin việc

22:10 | 01/11/2018
(LĐTĐ) Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, sự thiếu cảnh giác, thiếu hiểu biết thực tế cùng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, đặc biệt là những lao động ở xa về Thủ đô tìm kế mưu sinh, nhiều đối tượng xấu đã tung ra các chiêu trò lừa đảo tinh vi, được lên kế hoạch tỷ mỉ, rõ ràng để lừa tiền của người lao động rồi “cao chạy xa bay”.
canh giac khi xin viec Điểm đến của người lao động
canh giac khi xin viec Phỏng vấn xin việc: Bạn trẻ thiếu tự tin, bản lĩnh
canh giac khi xin viec Đừng ghi những điều này vào CV nếu không muốn bị ‘loại từ vòng gửi xe’

Tiếp xúc với nhiều người lao động, đặc biệt là những lao động ở tỉnh xa về Hà Nội để kiếm kế mưu sinh, chúng tôi được chia sẻ không ít những chuyện buồn của người lao động khi trót tin những lời dụ dỗ mật ngọt nào là “việc nhẹ, lương cao”, chạy việc vào các công ty có thu nhập ổn định, nhiều chế độ đãi ngộ… với mức chi phí ưu đãi.

canh giac khi xin viec
Công nhân cần cảnh giác khi xin việc. Ảnh minh họa

Nhưng rồi, tiền trao mà cháo chẳng được múc, khi đã cầm tiền, các đối tượng xấu lập tức “cao chạy xa bay” để lại sự hụt hẫng và tiếc nuối khi mất một mớ tiền mà không được việc. Không ít người lao động chia sẻ, do họ nhẹ dạ cả tin, mù quáng trước những lời chào mời tuyển dụng hấp dẫn, thêm vào đó là chưa biết những chiêu trò lừa đảo của các đối tượng xấu nên dễ dàng sa bẫy.

Lặn lội từ Nghệ An ra Hà Nội để tìm việc, anh Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ, do vợ chồng anh mới có một con nhỏ nên vợ phải ở nhà chăm con, chưa đi làm được, anh trở thành lao động chính trong nhà. Hoàn cảnh gia đình khó khăn mà ở quê thì không có việc nên anh phải đi làm xa. Mấy ngày đầu ra Hà Nội, cùng với vài bộ hồ sơ trong ba lô, anh rong ruổi đi xin việc tại các khu công nghiệp nhưng chưa công ty nào nhận.

Trong khi anh đang loay hoay tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại bảng tin thông báo tuyển dụng ở khu công nghiệp Thăng Long thì có một đối tượng đã đến gặp và đề cập vấn đề sẽ chạy việc cho anh vào một công ty có thu nhập ổn định, nhiều chế độ đãi ngộ và quan trọng là đi làm luôn. Sốt ruột vì chưa tìm được việc, trong khi lại cần sớm có thu nhập để gửi về lo cho gia đình nên anh đã nhanh chóng đồng ý.

Vì nhẹ dạ cả tin nên anh Tuấn đã đưa hồ sơ xin việc cho đối tượng xấu và đặt cọc trước 2 triệu đồng, khi chính thức đi làm sẽ thanh toán khoản chi phí còn lại. “Người ta nói chỉ cần đưa hồ sơ và tiền cho họ, mọi thủ tục họ sẽ lo hết, tôi không cần đến phỏng vấn, cứ đợi khi nào công ty gửi thông báo trúng tuyển thì đi làm.

Nhưng một tuần sau chưa thấy thông tin gì, tôi sốt ruột gọi điện hỏi thì không liên lạc được, sau đó tôi liên tục gọi điện vẫn không có tín hiệu trả lời. Đến lúc đó tôi mới biết mình đã bị lừa. Thất vọng, hụt hẫng và mất niềm tin nhưng tôi vẫn phải cố gắng để kiếm được việc làm.

Tôi tiếp tục tìm hiểu thông tin tuyển dụng và trực tiếp đi nộp hồ sơ, tham gia phỏng vấn tại một công ty trong khu công nghiệp Thăng Long và trúng tuyển mà không mất một khoản chi phí nào. Đến nay công việc và thu nhập của tôi đã ổn định nhưng mỗi lần nhớ lại cú lừa đau mà mình phải hứng chịu tôi lại thấy xót xa, mong rằng sẽ không có ai bị lừa khi đi xin việc như tôi đã từng bị.” – anh Tuấn chia sẻ.

Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, sự thiếu cảnh giác, thiếu hiểu biết thực tế cùng mong muốn tìm kiếm công việcmưu sinh hoặc việc làm thêm để tăng thu nhập trang trải cuộc sống của người lao động nên qua mạng Internet nhiều đối tượng xấu đã tung ra những chiêu trò “câu dụ” tinh vi, được lên kế hoạch tỷ mỹ, rõ ràng.

Thực tế cho thấy, chỉ cần lướt qua một số trang mạng xã hội như Facebook, Instagram hay lên trang tìm kiếm google gõ từ khóa “xin việc làm”, “tìm việc làm”, “tìm việc làm thêm” là ngay lập tức sẽ hiện ra hàng loạt các trang web với rất nhiều công việc hấp dẫn, nhưng thực tế để tìm được những công việc này lại không hề đơn giản.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Trần Thị Nhung (quê Thái Bình) cho biết, do học hết phổ thông chị đã lên Hà Nội làm nhân viên phục vụ tại một nhà hàng, làm được một thời gian chị nghỉ việc. Mong muốn tìm một công việc mới ổn định nhưng không có bằng cấp và kinh nghiệm gì nên chị đã lên mạng Internet tìm kiếm việc làm không yêu cầu kinh nghiệm và bằng cấp.

Sau đó chịđã đăng ký công việc bán vé máy bay với mức lương 250.000 đồng/ca. Tìm đến địa chỉ văn phòng công ty đăng trên mạng và sau cuộc phỏng vấn chớp nhoáng, chị Nhung được tuyển vào vị trí bán vé máy bay như đã đăng ký. Tuy nhiên, ngay sau đó, công ty đề nghị chị nộp 500.000 đồng lệ phí mua đồng phục bán hàng, nộp bản công chứng chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy khám sức khỏe và đợi đến ngày công ty đi làm.

Đợi cả tháng trời không thấy công ty báo đi làm, chị Nhung liên lạc với công ty thì nhận được câu trả lời là tiếp tục đợi, khi chị yêu cầu công ty trả lại khoản tiền đã nộp thì được trả lời là đã may đồng phục, không thể trả lại. Không đủ kiên nhẫn đợi, chị Nhung đành chấp nhận mất tiền và xác định mình đã bị lừa.

Đã từng bị lừa vì đăng ký tìm việc làm trên mạng Internet, anh Vũ Văn Vinh (quê Thanh Hóa) nhớ lại, ngày đó, lang thang vào các trang thông tin việc làm để kiếm việc làm thêm, tôi thấy thông tin đăng tuyển nhân viên nhập liệu với yêu cầu không cao, công việc lại dễ dàng, thu nhập tốt nên tôi đã quyết định ứng tuyển và nộp phí 200.000 đồng.

Nộp tiền xong nhân viên đưa trang web riêng của công ty cho tôi làm, nhưng nhập mãi mà không nổi mấy chục kí hiệu của một dãy mật mã được tạo ngẫu nhiên bằng chữ và số hoặc không thể nhập đúng mã có sẵn hoặc web báo lỗi kỹ thuật, trong khi đó lương thì hưởng theo sản phẩm, nhập thế này một ngày không nổi 15.000đồng, vì thế tôi đã phải bỏ việc giữa chừng và chấp nhận mất tiền phí.

Ngoài ra, còn nhiều hình thức lừa đảo người lao động khi xin việc có thể kể đến như khi đi phỏng vấn, công ty sẽ yêu cầu ứng viên nộp lại một khoản phí để giữ hồ sơ, phí môi giới. Nhiều người vì nghĩ công việc đơn giản, không yêu cầu kinh nghiệm, bằng cấp, chỉ việc nộp một khoản tiền nhỏ thì sẽ có việc ngay nên nhanh chóng chấp nhận. Nhưng khi người lao động đã “cắn câu” thì các công ty sẽ móc nối với nhau để tiếp tục đưa người lao động vào bẫy và phải nộp thêm nhiều khoản tiền nữa.

Sau cùng, công ty sẽ dùng mọi lý do để đánh trượt ứng viên. Không chỉ thế, nhiều đối tượng còn đăng tin tuyển dụng những công việc đơn giản, không yêu cầu kinh nghiệm, không cần bằng cấp như trông rạp chiếu phim, bán xăng, việc làm tại nhà,… với mức lương 8 – 10 triệu đồng/tháng.

Với chiêu trò đăng tin tuyển dụng trả lương cao hậu hĩnh, nhiều người đã “sập bẫy” của kẻ lừa đảo. Kết quả là sau cả tháng làm quần quật, đến ngày nhận lương, người lao động hoặc được trả lương rẻ mạt, hoặc không biết người thuê mình đang ở đâu. Khi đó, họ mới biết mình bị lừa.

Thiết nghĩ, để tránh trở thành “con mồi” của những kẻ lừa đảo, người lao động cần cảnh giác với những công việc nhàn hạ, không cần trình độ nhưng lương cao; tuyệt đối tránh xa những cơ sở tuyển dụng yêu cầu người xin việc đóng phí trước khi tuyển dụng với số tiền lớn; trước khi nộp hồ sơ ứng tuyển bất kì công việc nào, cần xác minh thông tin công ty rõ ràng; cảnh giác với những công việc không được mô tả kỹ mà chỉ giới thiệu sơ sài qua loa; đặc biệt, khi bị lừa đảo, người lao động cần làm đơn tố cáo đến cơ quan công an để được điều tra làm rõ…

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này