Uổng quá những đồng lương!

11:44 | 16/10/2018
(LĐTĐ) - Chú có nhớ hôm trước ta đã bàn về cái dự thảo xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục không? - Có chứ bác. Chuyện xử phạt 30 triệu nếu giáo viên có hành vi xúc phạm học sinh, đúng không bác?
the moi la soan thao Thấy mình lạc lõng mà tự thẹn!
the moi la soan thao Coi trọng tình người!
the moi la soan thao Ủng hộ xe buýt!

- Đúng rồi. Hôm ấy tớ và chú đã bàn khá kỹ về vấn đề này, và thống nhất rằng, những quy định trong dự thảo này còn thiếu thuyết phục, chưa rõ ràng rất khó thực thi.

Đúng thế rồi còn gì bác. Em nghĩ mình nói thế là đã cạn lời, cần chi nói nữa.

- Tớ không nói chuyện này nữa, nhưng có một chuyện nữa cũng liên quan đến anh xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, tớ nghĩ còn thiếu thuyết phục hơn chuyện giáo viên xúc phạm học sinh. Rất cần phải nói.

- Chuyện gì thế bác?

- Chuyện cái quy định xử phạt 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi làm lộ bí mật đề thi; và phạt 15 đến 20 triệu đối với hành vi sửa bài thi, nâng điểm thi. Chú thấy vô lý không?

- Quá là vô lý bác ạ. Làm lộ bí mật đề thi là một tội gây hậu quả nghiêm trọng, sao có thể chỉ xử phạt hành chính và phạt với số tiền tượng trưng như thế được.

- Chú nói đúng. Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp bị lộ đề thi. Để giải quyết những vụ việc này là rất khó khăn và tốn kém, với sự vào cuộc của bao nhiêu cấp, ngành. Nhiều thủ phạm đã phải chịu mức kỷ luật nặng, buộc thôi việc, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Khung hình phạt cho tội danh này đã được điều chỉnh theo Luật Hình sự, vậy vì lẽ gì lại có một văn bản dưới luật quy định xử phạt hành chính.

- Mà không những tội làm lộ đề thi, tội sửa bài, nâng điểm thi cũng rất nghiêm trọng, không thể quy định xử phạt hành chính nhẹ như thế được.

- Hành vi sửa bài, nâng điểm thi cũng đã và đang diễn biến rất phức tạp. Việc phải có quy định để xử phạt là cần thiết, song với mức xử phạt hành chính mà dự thảo đưa ra cũng rất thiếu thuyết phục.

- Đúng là như vậy. Đơn cử ngay gần đây thôi, trong kỳ thi THPT đã phát hiện một số địa phương gian lận điểm thi bằng hình thức sửa bài, nâng điểm. Nhiều thủ phạm đã bị khởi tố hình sự. Vậy tại sao lại có cái quy định xử phạt hành chính với tội danh này được.

- Em nghe cứ thấy rối tinh, rối mù, chả biết sao nữa. Bởi trong các hành vi gian lận, em cho rằng hành vi gian lận kiến thức là rất tai hại. Trước hết nó để lại hệ luỵ không nhỏ đối với xã hội, với những sản phẩm kém chất lượng về mặt nhân sự; tiếp đến là làm mất đi sự công bằng trong học đường, cướp đi cơ hội của những học sinh thật sự có khả năng. Các thí sinh bước vào kỳ thi với tâm thế trong sáng, nhưng nếu cá nhân nào đó vì tư lợi mà cố tình gây nên sự mất công bằng, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các em, nếu các em biết có sự gian lận tiêu cực, chắc chắn các em sẽ cảm thấy bị tổn thương.

- Đúng là như vậy. Nếu sửa bài, nâng điểm chỉ bị phạt tiền như vậy, thì chả nhẽ những thủ phạm nâng điểm trong kỳ thi vừa rồi bị khởi tố hình sự bị bắt oan sao?

- Oan sao được bác. Với những hậu quả mà hành vi này đem lại, em cho rằng phải xử hình sự nặng ấy chứ. Vì sao sửa bài nâng điểm? Nếu không phải người thân quen thì cũng là sự "mua bán". Bác tính tăng 1 điểm có thể thay đổi số phận của cả con người.

- Chắc chắn là thế rồi. Vì vậy, tớ nghĩ có những trường hợp "mua bán" nặng ấy chứ. Cứ so với mấy vụ việc vừa rồi đó, nâng điểm cao ngất ngưởng để vào được toàn là các trường "sao" cả, không thân quen thì cũng phải...

- Chính vì thế nên rất nhiều ý kiến cho rằng, nếu quy định xử phạt hành chính với số tiền ít ỏi như thế, thì sẽ có nhiều người bất chấp, sẵn sàng đánh đổi, nộp phạt để vi phạm. Vì vậy cá nhân hoặc tổ chức có hành vi gian lận thi cử là rất đáng lên án, cần phải xử lý nghiêm.

- Từ những phân tích trên, rõ ràng cái dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, do anh GDĐT soạn thảo có nhiều điểm chưa ổn tý nào. Trong đó "hành chính" hoá hành vi làm lộ đề thi; sửa bài, nâng điểm thi đã có quy định xử lý hình sự là "đi ngược" lại với nhưng gì thực tế đang diễn ra.

- Nghị định là văn bản dưới luật, không thể trái với luật định. Vì vậy, nêu dự thảo này được thông qua sẽ tạo tiền lệ xấu, tuỳ tiện trong việc áp dụng quy định pháp luật. Việc "hành chính hoá" những hành vi được điều chỉnh trong Luật Hình sự, thì người ta sẽ bất chấp, nhận nộp phạt để có cái lợi hơn gấp nhiều lần.

- Nhất là những quy định trong dự thảo này lại được sản sinh ra sau hàng loạt các vụ gian lận thi cử "chấn động", nhiều thủ phạm đã bị khởi tố hình sự, và cơ quan công an đã tuyên bố: Gian lận thi cử, bất kể lực lượng nào cũng phải xử lý thích đáng. Như thế có khác gì thách thức dư luận.

- Không hiểu "tác giả" của những quy định trong dự thảo này căn cứ vào đâu để có thể đưa ra những quy định trái ngược như thế. Nếu không phải là thách thức dư luận thì cũng phải xem lại trình độ "có vấn đề" gì không, chứ ai lại...

- Đúng là cần phải xem lại, chứ cứ ồ ạt ra văn bản, nhưng không đi vào được cuộc sống do chồng chéo, bất hợp lý... thì uổng quá những đồng lương bỏ ra cho họ làm cái gọi là soạn thảo văn bản.

Thiện Tâm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này