Nguy cơ vô sinh vì bệnh quai bị

21:18 | 20/08/2018
Bệnh quai bị đối với nam giới nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể gây biến chứng dẫn tới viêm màng não, teo tinh hoàn, vô sinh…
nguy co vo sinh vi benh quai bi Hỗ trợ kinh phí cho 100 cặp vợ chồng làm thụ tinh trong ống nghiệm
nguy co vo sinh vi benh quai bi 8 bài tập Yoga làm tăng số lượng tinh binh
nguy co vo sinh vi benh quai bi Mong ước một lần được bế con trọn vẹn của cặp vợ chồng hiếm muộn

Theo các chuyên gia y tế, bệnh quai bị (còn gọi là bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus quai bị gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp, lưu hành ở khắp nơi trên thế giới, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường gây dịch vào mùa Đông - Xuân.

nguy co vo sinh vi benh quai bi
Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, Trưởng Khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội.

Bệnh quai bị hay gặp ở lứa tuổi học đường và hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên tại các trường mẫu giáo, trường học, đơn vị tân binh… Khi mắc phải căn bệnh này, người bệnh có thể bị viêm tinh hoàn (ở nam giới), viêm buồng trứng (ở nữ giới). Bệnh quai bị ít gây tử vong nhưng phụ nữ có thai bị quai bị có thể bị sảy thai, đẻ non, ở nam giới tuổi trưởng thành nếu viêm tinh hoàn nặng cả hai bên có thể dẫn đến vô sinh.

Đơn cử như trường hợp bệnh nhân L.C.T. ở Hưng Yên bị một bên tinh hoàn teo dần do biến chứng quai bị. Sau gần 5 năm chạy chữa, mới sinh được bé gái 3,5 kg. Anh T. cho biết năm anh 14 tuổi đã mắc bệnh quai bị và bị sốt cao, tuyến mang tai sưng to rất khó chịu. Sau đó là tình trạng tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù. Khi khỏi bệnh cũng là lúc anh T. cảm thấy một bên tinh hoàn teo dần. Lập gia đình vào đầu năm 2013 nhưng sau hơn 1 năm "thả", vợ anh vẫn không có bầu. Lúc này, vợ chồng T. đi khám mới biết anh T. bị biến chứng do bệnh quai bị khiến vợ chồng anh bị hiếm muộn.

Gần 5 năm chạy chữa bằng nhiều phương pháp, mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội đã chữa trị thành công cho anh T. bằng kỹ thuật vi phẫu tìm tinh trùng trong cấu trúc tổn thương, sau đó trữ lạnh trước khi kết hợp với trứng tạo phôi cấy vào tử cung.

Theo bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, Trưởng Khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, ngoài trường hợp bệnh nhân T., các bác sĩ ở đây đã ứng dụng kỹ thuật TESE - phẫu thuật vi phẫu tìm tinh trùng diện rộng cho một số trường hợp vô tinh vì 2 tinh hoàn teo do biến chứng quai bị. "Với những nam giới bị teo cả 2 bên tình hoàn, bác sĩ sẽ phải phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm cấu trúc sinh tinh để tìm tinh trùng. Những trường hợp như thế này chỉ cần tìm được 1-2 "tinh binh" đã là quý lắm rồi. Đã có những cặp vợ chồng hiếm muộn được điều trị thành công, có thai đôi và sinh con khoẻ mạnh nhờ phương pháp này"- bác sĩ Hưng nói.

Bác sĩ Hưng cho biết dù không phải tất cả những trường hợp mắc bệnh quai bị đều bị biến chứng viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn nhưng tại các cơ sở điều trị hiếm muộn cũng gặp khá nhiều trường hợp bị teo 1 hoặc cả 2 bên tinh hoàn dẫn đến vô sinh do biến chứng của bệnh quai bị. Nguy cơ teo tinh hoàn có thể diễn ra từ 2-6 tháng sau khi mắc bệnh nhưng cũng có thể lâu hơn. Do đó, sau khi mắc bệnh này khoảng 2 tháng, nam giới nên đi khám nếu thấy bất thường.

Để phòng biến chứng sưng viêm tinh hoàn do mắc quai bị, các bác sĩ khuyến cáo cần dùng thuốc theo đơn kê, nghỉ ngơi tuyệt đối 100%, mặc quần lót nâng đỡ tinh hoàn, nằm nghỉ ngơi, hạn chế đi lại và tuyệt đối không vận động mạnh... để tinh hoàn không bị tác động thêm. Với người lớn chưa từng mắc quai bị, chưa tiêm phòng cũng nên tiêm vắc xin để phòng bệnh.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này