Nhổ hết những cây độc!

09:44 | 09/08/2018
- Theo chú, mọi quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi cái gì? - Tất nhiên là hệ thống chính sách và quy phạm pháp luật.
nho het nhung cay doc Mãi mãi vẫn là lạ!
nho het nhung cay doc “Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp…”
nho het nhung cay doc Lo lắm thay!

- Có vẻ đúng, nhưng quy phạm pháp luật được thể hiện như thế nào?

- Tất nhiên quy phạm pháp luật được thể hiện thông qua hệ thống văn bản.

- Vậy nếu văn bản quy phạm pháp luật mà trái với luật thì sao?

- Sao có chuyện văn bản quy phạm pháp luật mà trái luật được. Nếu có thì nguy hiểm lắm, sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy khôn lường.

- Ấy vậy mà có đấy. Trên các báo vừa đưa tin, qua kiểm tra văn bản do các bộ ngành, địa phương ban hành, Bộ Tư pháp đã phát hiện hơn 5.600 văn bản trái pháp luật.

-Nhiều vậy sao bác. Vậy những văn bản này qua bao nhiêu người soạn thảo, bao nhiêu cấp thẩm tra, bao nhiêu người ký ban hành... mà không ai phát hiện ra?

-Thế mới đáng nói. Trong đó, có tới trên 1.200 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; hơn 3.800 văn bản sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức kỹ thuật trình bày văn bản; gần 600 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

-Vậy thì tác hại từ những văn bản trái luật này là rất lớn. Trách nhiệm của những ai soạn thảo và ký ban hành văn bản lại càng lớn hơn. Giờ xử lý thế nào bác?

-Theo anh Tư pháp thì: “Về lâu dài, văn bản trái luật không được xử lý kịp thời sẽ làm mất niềm tin vào sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, giảm ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường”.

-Tác hại thì rõ quá rồi. trong khi Thủ tướng quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, phục vụ doanh nghiệp, lo lắng đến mọi quyền lợi của người dân thì trong bộ máy công quyền lại ra những văn bản trái luật thì rõ là cản trở sự phát triển của xã hội.

-Nhiều ý kiến cho rằng: Việc ra các văn bản trái luật thể hiện một bộ phận cán bộ, công chức nước ta chẳng những non kém về pháp lý; chủ quan, tự mãn với kiến thức của mình mà còn coi thường lợi ích của nhân dân và doanh nghiệp.

-Thì đó, năng lực quản lý yếu kém sinh ra cấm đoán, hạn chế các quyền lợi của người dân và hoạt động của doanh nghiệp...

-Tớ cho rằng, ngoài các nguyên nhân trên, không loại trừ việc cố tình ra văn bản trái luật để phục vụ “lợi ích nhóm”. Đây chính là một dạng tham nhũng chính sách nhằm trục lợi cho một nhóm người, gieo giắc tai họa cho sự phát triển xã hội.

-Tác hại của văn bản trái luật thì đã rõ, nhưng em vẫn muốn quay lại chuyện trách nhiệm. Thứ nhất, vì sao các văn bản trái luật này vẫn được áp dụng trong đời sống, ít nhất là 1 năm sau khi thanh kiểm tra mới phát hiện; thứ hai là phát hiện ra rồi thì ngay lập tức có bị thu hồi không?; thứ ba, những đối tượng đã bị điều chỉnh bởi văn bản trái luật này sẽ được trả lại công bằng như thế nào?; thứ tư những người soạn thảo, ký ban hành những văn bản này sẽ xử lý ra sao?...

-Chú mà cứ hỏi thế thì có mà đến tối không hết. Tớ chỉ góp thêm một câu thôi, chính anh Tư pháp, người đã phát hiện ra những văn bản trái luật này, liệu có vô can? Có ban bệ thẩm tra tính pháp lý của văn bản hẳn hoi nhé, sao không phát hiện sớm, để rồi sau bao nhiêu hậu quả, mới phát hiện, báo cáo?

-Bác không nghe em hỏi rồi. Đó chính là câu hỏi thứ nhất của em đó. Sinh ra “anh gác cổng” mà để “kẻ trộm” vào nhà, sao vô can được.

-Đó chính là điều tai hại, không những chỉ ở việc văn bản trái luật mà ở đâu, lĩnh vực nào cũng có. Nếu không chỉ rõ được nguyên nhân do năng lực hay do thỏa ước “bắt tay nhau cùng lợi”, thì khó có thuốc chữa trị.

-Thì rõ là chung quy tất cả đều do con người, chứ cái văn bản nó có tội tình gì. Mà con người là một dạng vật chất cụ thể, có gì trìu tượng đâu mà không xử lý được.

-Vậy mà khó xử lý đấy. Trong thực tế, việc ra các văn bản trái luật đã có từ lâu, nhiều văn bản đã bị “tuýt còi”, vậy tại sao nó vẫn sinh sôi? Trong số hơn 5.600 văn bản quy phạm trái luật, chắc chắn có nhiều văn bản đã được áp dụng trong đời sống nhiều năm nay. Và cũng chắc chắn còn nhiều văn bản thế này đang hoành hành cản trở hoạt động xã hội; gây mất niềm tin trong nhân dân, trong cộng đồng doanh nghiệp…thì xử lý thế nào? Những tổn thất mà nó gây ra cho xã hội, cho người dân… ai sẽ bồi thường; bồi thường như thế nào?

-Đó là những câu hỏi khó. Tớ đồng ý với chú là cần phải xử lý nghiêm những cơ quan, cá nhân “cha đẻ” của văn bản trái luật. Những người làm việc không cần động não, hoặc đặt lợi ích của ngành, của cá nhân lên trên lợi ích cộng đồng. Nhưng khổ nỗi trong thực tế có nhiều lý do để “nương tay” lắm. Chả có chuyện “cười ra nước mắt” đó thôi: Nếu văn bản có gì sai sót thì đổ tội do " đánh máy" là xong.

-Chính vì vậy, em nghĩ sau sự việc này, Chính phủ cần kiên quyết xử lý tình trạng này, kỷ luật nặng những cán bộ quan liêu hoặc cố tình ban hành những văn bản trái luật. Có như thế mới nhổ được hết những cây độc trong rừng văn bản quy phạm pháp luật; tạo môi trường trong sạnh trong kinh doanh nói riêng và môi trường sống của nhân dân nói chung.

-Quan trọng hơn là củng cố niềm tin của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Muốn vậy, ý kiến của chú rất hay: Nhổ hết những cây độc!

Thiện Tâm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này