Những thách thức trong phòng, chống buôn bán người

07:04 | 01/08/2018
​Những năm gần đây, tình trạng buôn bán người trên thế giới và trong khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, riêng khu vực các nước Tiểu vùng sông Mê – Kông trong đó có Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm nóng. Trong khi đó, công tác phòng, chống mua bán người, nhất là thông qua di cư trái phép ra nước ngoài còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục.
nhung thach thuc trong phong chong buon ban nguoi Kỳ cuối: Phát huy sức mạnh tổng hợp
nhung thach thuc trong phong chong buon ban nguoi Kỳ 1: Tội phạm buôn người có chiều hướng gia tăng
nhung thach thuc trong phong chong buon ban nguoi Đẩy mạnh phòng, chống mua bán người

Những diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 138/CP, từ ngày 16/11/2015 đến ngày 15/5/2018, toàn quốc phát hiện 868 vụ với 1.140 đối tượng, lừa bán 2.355 nạn nhân, so với giai đoạn 2011-2015, số vụ giảm 28%, nhưng số nạn nhân lại tăng 7%, trong đó bán sang Trung Quốc chiếm trên 75%; sang Lào và Campuchia 11%, còn lại là đưa sang các nước khác thông qua đường hàng không và đường biển.

Địa phương xảy ra nhiều vụ mua bán người là Lào Cai (160 vụ), Hà Giang (37 vụ), Nghệ An (36 vụ), Điện Biên (33 vụ). Nhiều người dân đã trở thành nạn nhân của các động mại dâm, hôn nhân cưỡng ép, lao động bất hợp pháp ở nước ngoài.

nhung thach thuc trong phong chong buon ban nguoi
Bàn giao các nạn nhân của tội phạm buôn bán người (ảnh tư liệu BĐBP).

Thủ đoạn chính của các đối tượng mua bán người là lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người để lừa phụ nữ bán sang Trung Quốc tại các tỉnh miền núi phía Bắc; hoặc lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin qua các trang mạng xã hội để làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép có xu hướng tăng mạnh ở phía Nam.

Thậm chí đã xuất hiện đường dây mua bán người nước ngoài mà Việt Nam là nước trung chuyển, do đối tượng người Việt chủ mưu, cầm đầu; hoặc lợi dụng quy định về hiến ghép tạng (các đối tượng tìm gặp những nạn nhân khó khăn về kinh tế có nhu cầu bán thận, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu, sau đó bán cho người cần với gia cao).

Tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú cũng diễn biến hết sức phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của nhà trường gia đình, thông qua các trang mạng xã hội để tiếp cận, rủ rê, rồi lừa bán các em cho các hàng quán có hoạt động mại dâm hoặc lừa bán sang Trung Quốc...

Hậu quả từ những lời “đường mật”

Thực tế, thông qua các vụ án đã được khám phá có thể thấy chủ yếu các đối tượng lợi dụng sự kém hiểu biết của người bị hại ở những vùng nông thôn, những người không có việc làm, có hoàn cảnh khó khăn… để làm quen với nạn nhân rồi dùng những lời nói “đường mật”, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, rủ đi chơi, mua sắm để lừa bán vào các “động mại dâm trá hình” tại Việt Nam hoặc ra nước ngoài (chủ yếu là sang Trung Quốc) để làm gái mại dâm.

nhung thach thuc trong phong chong buon ban nguoi
Các đối tượng thường hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, rủ đi chơi, mua sắm để lừa bán vào các “động mại dâm trá hình” tại Việt Nam hoặc ra nước ngoài (ảnh minh họa).

Tại đây, các đối tư­ợng mua bán người thường có mối quan hệ với số đối tư­ợng là người Trung Quốc (hoặc người Việt Nam đã sang làm ăn, lấy chồng tại Trung Quốc). Nhiều trư­ờng hợp đối tượng trư­ớc đây là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc nay quay trở lại Việt Nam dụ dỗ, lừa phụ nữ, trẻ em đ­ưa sang Trung Quốc bán, đặc biệt có vụ đối tượng quay lại lừa cả người thân, họ hàng bán sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các đối tượng đã lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội như Facebook, các ứng dụng Chat trực tuyến như Zalo, Viber... hay dùng số điện thoại “sim rác”... để lừa gạt học sinh, sinh viên, những người cả tin với mục đích để bán các nạn nhân hoặc công khai rao bán phụ nữ trên mạng.

Mới đây nhất, vào ngày 22/6/2018, Công an Thành phố Hà Nội triệt phá ổ nhóm đối tượng mua bán người sang Trung Quốc bắt giữ đối tượng Lữ Văn Thành (Sinh năm: 1993; HKTT: xã Tà Cạ, huyện Kỳ Anh, tỉnh Nghệ An) về hành vi mua bán người, giải cứu được 02 nạn nhân là: Moong Thị Lam (Sinh năm:1999) và Lò Thị May (Sinh năm: 2001) đều trú tại: Bản Kẻo Cơn, xã Kèng Đu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An).

Quá trình điều tra ban đầu đối tượng khai nhận đã lừa gạt bằng cách hứa xin việc làm cho 2 nạn nhân tại Đà Lạt rồi đưa nạn nhân lên xe khách đi từ Nghệ An ra Bến xe nước ngầm, thành phốHà Nội để đưa đithành phố Móng Cái, Quảng Ninh, sau đó bán sang Trung Quốc kiếm lời. Vụ án hiện đã được bàn giao choCông an tỉnh Nghệ An tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Có thể nói, mặc dù số vụ mua bán người phát hiện trên địa bàn Thành phố trong những năm gần đây thấp (trong thời gian từ năm 2016 đến tháng 6/2018, trên địa bàn Thành phố xảy ra 01 vụ mua bán người) nhưng do đặc điểm là đầu mối của nhiều tuyến giao thông đi các tỉnh nên Thủ đô Hà Nội vẫn là địa bàn trung chuyển của nhiều vụ mua bán người sang Trung Quốc và một số quốc gia khác, dự báo trong thời gian tới tình hình tội phạm mua bán người vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này