Quản lý sử dụng chung cư tái định cư:

Bài toán vẫn đang chờ lời giải!

11:09 | 10/04/2018
Chung cư tái định cư là một chủ trương được triển khai từ nhiều năm nay nhằm giúp người dân an cư khi Nhà nước thu hồi đất triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong khi quỹ nhà tái định cư đang còn thiếu rất nhiều thì hiện vẫn có tới hàng nghìn căn hộ tái định cư bị xuống cấp, hoặc bỏ không gây lãng phí ngân sách nhà nước.
bai toan chua co loi giai Đảm bảo an toàn về cháy nổ tại các chung cư tái định cư
bai toan chua co loi giai Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"
bai toan chua co loi giai Nhiều chủ đầu tư cố tình trì hoãn thành lập ban quản trị

Câu chuyện về tòa nhà N6, khu đô thị Đồng Tàu là điển hình cho vấn đề này, khi đã nhiều năm người dân nơi đây phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường cùng với sự xuống cấp của tòa nhà. Theo ông Hồ Dũng Hiệp, tổ trưởng tổ dân phố 30B, phường Thịnh Liệt cho biết, dự án xây dựng nhà tái định cư (TĐC) Đồng Tàu phục vụ cho dự án thoát nước giai đoạn 2 của Hà Nội, các hộ dân bắt đầu chuyển về đây từ năm 2007.

bai toan chua co loi giai
Nước thải chảy lênh láng dưới chân tòa nhà chung cư ở khu tái định cư Đồng Tàu.

Tuy nhiên, ngay sau khi cư dân chuyển về hiện tại cơ sở vất chất đã bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 2010, tình trạng này ngày càng nghiêm trọng hơn, sau khi người dân nhiều lần có đơn kiến nghị, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo khắc phục một số yếu tố hạ tầng kỹ thuật của các tòa nhà. Tuy nhiên công tác khắc phục cũng chỉ như “muối bỏ bể”. Đặc biệt, vài tháng trở lại đây, hệ thống thoát nước tòa nhà N6 bị vỡ hỏng khiến xung quanh tòa nhà như một “bể phốt” nổi. Hàng ngày, nước thải tràn lênh láng mặt đường khiến môi trường ô nhiễm, hôi thối nồng nặc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh dịch đe doạ người dân.

Ông Hiệp cũng nhấn mạnh, các tòa nhà ở đây vẫn chưa thể thành lập Ban quản trị tòa nhà, bởi chưa bàn giao mà chất lượng nhà ở đã xuống cấp thì không ai dám nhận. Tình trạng này không chỉ riêng nhà N6, các tòa N1, N2, N4, N5, N6, N7, N9 cũng đang có hiện tượng tương tự, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây.

Về vấn đề này, ông Vũ Quỳnh, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai cho biết, những ngôi nhà TĐC này được xây dựng trước thời điểm có Luật Nhà ở và không có quỹ bảo trì 2%. “ Tình trạng này diện ra đã lâu, UBND quận Hoàng Mai cũng đã nhiều lần gửi văn bản báo cáo thành phố, Sở Xây dựng và yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, các chủ đầu tư, quản lý nhà chung cư kịp thời giải quyết. Tuy nhiên, việc sửa chữa không được tiến hành triệt để, gây bức xúc lớn cho người dân và khó khăn trong quản lý” - ông Quỳnh cho biết.

Thực tế, tình trạng nói trên không phải là hiện tượng cá biệt, nhiều chung cư TĐC trên địa bàn các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân… cũng trong tình trạng chất lượng kém, thiếu tiện ích, chất lượng dịch vụ không bảo đảm, hệ thống phòng cháy chữa cháy có cũng như không. Thậm chí, không gian chung ở các tầng, kể cả lối thoát hiểm cũng bị chiếm dụng, hàng quán bủa vây...

Thống kê cho thấy, từ nay đến 2020, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng khoảng 2.700 dự án với diện tích thu hồi đất gần 6.000ha, liên quan tới trên 80.000 hộ dân, số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 60.000 tỷ đồng, cần bố trí TĐC cho hơn 19.000 hộ dân. Điều này cho thấy nhu cầu về quỹ nhà TĐC ở Hà Nội rất lớn. Tuy nhiên, với nghịch lý tồn tại suốt nhiều năm qua là thành phố vẫn đang thiếu quỹ nhà TĐC, nhưng nhà xây xong người dân lại không muốn vào ở.

Dự án nhà TĐC do Handico3 làm chủ đầu tư gồm 3 tòa nhà với hơn 150 căn hộ, được triển khai từ năm 2001 – 2006, dùng để TĐC tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội). Do xảy ra khiếu kiện, người dân không nhận nhà nên toàn bộ quỹ nhà này đã bị bỏ hoang từ khi xây dựng đến nay và dự án mở rộng đường phố Sài Đồng cũng “dậm chân tại chỗ”. Chủ đầu tư dự án này đã xin chủ trương của Hà Nội để phá bỏ các tòa nhà sau 10 năm “bỏ hoang”.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng, nhà TĐC bỏ hoang là do chủ trương chưa gắn liền với thực tế. Trong quá trình thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng thành phố, chính sách tái định cư là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà TĐC lại chưa phù hợp, chưa tuân theo những quy luật của cơ chế thị trường.

Được biết, đã rất nhiều lần, UBND TP Hà Nội tổ chức các cuộc họp với các sở, ngành đề nghị khảo sát, đánh giá chất lượng nhà tái định cư trên địa bàn và báo cáo với lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên, đến nay bài toán nhà tái định cư vẫn chưa có lời giải!

Tuấn Trần

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này