Độc đáo cổng làng Bưởi

08:09 | 07/02/2018
Thật khó có làng cổ nào ở Hà Nội còn giữ được vẹn nguyên bề ngoài như làng Bưởi. Làng Bưởi xưa thuộc phủ Phụng Thiên, nay là phường Bưởi quận Tây Hồ, gồm các làng Hồ  Khẩu, Đông Xã, Yên Thái, Võng Thị và Trích Sài. 
doc dao cong lang buoi Di tích lịch sử cổng làng Mông Phụ nứt nghiêm trọng
doc dao cong lang buoi Cổng làng Yên Thái, in đậm dấu xưa
doc dao cong lang buoi Hồn quê giữa lòng Hà Nội

Trong các làng trên, phải nói đến 3 làng Hồ Khẩu, Đông Xã và YênThái. Thật ngạc nhiên bởi giữa phố phường san sát nhà cao tầng, siêu thị, bên một tuyến phố Thụy Khuê đông đúc của Thủ đô kéo dài hơn 3000 mét, từ phố Quán Thánh - Mai Xuân Thưởng đến chợ Bưởi - Lạc Long Quân, lại nổi lên một hệ thống 3 cái cổng làng, 4 cổng đình cổ kính, rêu phong vẹn nguyên một kiến trúc cổ xưa nối tiếp nhau nhìn về một hướng Tây- Nam.

doc dao cong lang buoi

3 cái cổng làng ấy là : cổng làng Hồ Khẩu; cổng làng Đông Xã và cổng làng Yên Thái. 4 cổng đình là đình Hồ Khẩu (cụm 1); đình Đông Xã (cụm 4); đình Thọ Thái (cụm 4) và đình Yên Thái (cụm 8). Tất cả nối tiếp nhau chỉ trên đoạn phố dài gần 500m, đều nhìn ra phố như sẵn sàng đón chào du khách tới thăm.

Một giáo sư sử học người Nhật sang Hà Nội đã đến thăm làng Bưởi phải thốt lên: “Hà nội các bạn có một ngôi làng cổ như thế này với 3 cái cổng làng, 4 cổng đình, qua bao thăng trầm lịch sử vẫn giữ được nguyên vẹn thật quý lắm thay”. Điều đặc biệt là cả chục cổng làng trên phố Thụy Khuê nói chung và làng Bưởi nói riêng không cổng nào giống cổng nào từ kích thước đến kiến trúc. Mỗi chiếc mang một dáng vẻ riêng độc đáo.

Ông bạn tôi, nhà điện ảnh Vũ Kiêm Ninh người sinh ra và lớn lên tại làng Bưởi đã bỏ ra 10 năm nghiên cứu về cái cổng làng Hà Nội. ông bộc bạch: “Tình yêu và niềm đam mê lạ lùng dành cho những công việc nghiên cứu về cổng làng, cổng đình không chỉ của Hà Nội nói chung mà ngay làng Bưởi cứ rạo rực trong tôi”. Hơn 10 năm ông cho ra mắt cuốn sách “Cổng làng Hà Nội xưa và nay”, trong đó nói rất rõ về 3 cái cổng làng của làng mình nằm trên đường Thuỵ Khuê. Đúng là đến với làng Bưởi bất kỳ ai cũng phải công nhận, đây là một làng Hà Nội cổ còn giữ được nguyên vẹn cấu trúc bề ngoài chững trạc của nó giữa đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Có lẽ ở Hà Nội hiện nay không có một nơi nào có cấu trúc cổng làng quy mô, và cổ kính từ xưa mà còn giữ lại được hình hài như cổng làng ở vùng này. Khi đọc 4 chữ đại tự ghi trên nóc cổng làng cũng là cổng tam quan của ngôi đình làng Hồ cùng hai câu đối hai bên trụ giữa, các bậc túc nho đều cảm nhận được sau 3 cái cổng làng là một quần thể làng cổ có bề dày văn hóa làng tộc hiếm có bên Hồ Tây có dòng Tô Lịch chảy qua, một dòng sông ngày xưa ấy nước trong leo lẻo, thuyền bè tấp nập vào ra…

Qua các cuộc chiến tranh, 3 cái cổng làng và 4 cổng đình còn sừng sững đến hôm nay thế mới biết đất làng Bưởi vững trãi muôn đời. Nhà văn Cao Văn Tuế người làng Sủi, hậu duệ của Thánh Quát về ngụ cư tại đây từ khi 15 tuổi. Hàng ngày ông đi qua cái cổng làng Yên Thái cho biết: “Câu đối cổng làng ông nghĩa rộng lắm : “Tụ thuỷ tuần hoàn văn phái viễn/ Lý thành tả trĩ bút phong cao” tạm dịch: (dũng Tụ uốn lượn nét đẹp vang xa/ thành Lý vững bền vươn cao thế bút)”.

Nhờ cái cổng làng, ông đã sống trong cảm xúc, viết và nhớ như in chữ trên nóc đại tự cùng câu đối hai bên cổng làng. ông đã sáng tác được nhiều tản văn rất thâm tuý. “Trồng” hơn 4.000 câu châm ngôn được in thành sách “Tâm văn” ngay dưới cổng làng. Hàng ngày ai đi qua cổng đình Yên Thái, cạnh lối vào trụ sở UBND phường Bưởi, bên góc tay phải cổng có một hiệu cắt tóc “ Tô Xuân” chính là quán cắt tóc của nhà văn Cao Văn Tuế - hậu duệ của Thánh Quát, tồn tại hơn 60 năm nay.

Minh Nguyệt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này