Đúng là anh hùng!

12:08 | 10/11/2017
- Hôm qua ta vừa bàn đến chuyện “khi hoạn nạn mới biết ai là bạn lớn”, và thật cảm động hơn khi hôm nay, đã được cận cảnh máy bay của Nga vượt hơn 8000km, chở hơn 40 tấn hàng cứu trợ cho nhân dân VN.
dung la anh hung Ừ nhỉ…!
dung la anh hung “Cứ vui với bão”!
dung la anh hung “Đem xăng dập lửa”!

- Đúng là qua hoạn nạn, mới thấm bác ạ. Hôm trước ta cũng bàn về chuyện “vô cảm”, đành rằng những điều đã bàn rất đáng bàn, dưng cũng qua hoạn nạn trong bão lũ mới thấy hết được cái tình của đồng loại.

- Quả là như vậy. Từ trước đến nay, mỗi khi đồng bào ta ở bất cứ đâu gặp phải thiên tai, bão lũ… là đồng bào cả nước lại dấy lên phong trào quyên góp, nhằm trợ giúp đồng bào vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

- Vâng, sáng nay cơ quan em vừa tổ chức quyên góp, cảm động lắm bác ạ. Ai cũng muốn góp được cái gì đó, gửi chút tấm lòng thơm thảo tới đồng bào.

- Mọi cơ quan, đoàn thể, mọi gia đình… đều hào hứng tham gia. Chưa bao giờ hai chữ “đồng bào” của câu chuyện huyền thoại 100 trứng trong một bọc của mẹ Âu Cơ, lại mang một ý nghĩa cao đẹp như thế.

- Vậy rõ là cái “vô cảm” ta bàn chỉ là thiểu số, về cơ bản đồng bào ta vẫn gìn giữ được truyền thống tốt đẹp “thương người như thể thương thân”, bác nhỉ.

- Đấy là chuyện quyên góp vật chất, nếu nói về sự dũng cảm, quên mình cứu đồng bào gặp nạn, tớ thấy càng đáng khâm phục hơn. Cái quý nhất là sự sống còn không tiếc để cứu người, thì còn gì cao đẹp hơn nữa.

- Em nghe nói Thủ tướng vừa gửi thư khen anh Nguyễn Bá Luân, giám đốc Cty TNHH Sơn Nam (Khánh Hòa) cùng một số đồng nghiệp đã không quản nguy hiểm, kịp thời cứu được nhiều người dân gặp nạn trên biển, bởi cơn bão 12.

- Nếu chú có chứng kiến được cảnh giữa biển khơi quần quận sóng, gió…mới cảm hết được những lời khen ngợi của Thủ tướng trong thư gửi anh Luân: “…hành động cao cả, đáng trân trọng thể hiện truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái, thương người như thể thương thân của dân tộc…”

- Cũng không ngại nguy hiểm, chuyện vợ chồng anh Lê Văn Quả, ở Quảng Ngãi, đã dùng một chiếc ghe nhỏ của gia đình, mưu trí cứu được 15 người dân thoát khỏi dòng nước lũ, thật đáng khâm phục.

- Những câu chuyện như thế, qua đợt bão lũ nào cũng có. Những nghĩa cử cao đẹp ấy, khi được hỏi, vì sao trong nước lũ nguy hiểm như thế, độ rủi ro rất cao mà vẫn cứu đồng bào, đều có chung một câu trả lời: Thấy đồng bào gặp nạn, không thể không cứu, khi ấy không còn nghĩ đến cái chết…

- Đấy, cái tình của đồng bào ta là như thế. Như chuyện em Nguyễn Văn Long, học sinh lớp 12 ở Nghệ An đó. Trên đường đi học về, phát hiện 1 phụ nữ bị lũ cuốn đã dũng cảm nhảy xuống vật lộn với dòng lũ, đưa được nạn nhân lên bờ an toàn. Khi ấy nếu em không có trong mình tình yêu đồng bào, thì sao có thể quên được cái chết để cứu người.

- Nói về sự “vô cảm”, có lẽ ta không thể quên được sự căm phẫn trước những cái clip “vạch tội” những cô bảo mẫu đánh, hành hạ các em nhỏ…song đừng chỉ căn cứ vào mấy cái clip đó để cho rằng “mầm non không có tình người”.

- Em hiểu ý bác muốn nói chuyện gì rồi. Có phải chuyện nhiều cô giáo mầm non đã quên mình cứu học trò không bác?

- Đúng vậy. Chú có nhớ không, cái mùa bão lũ cuối năm 2016 ấy, hình ảnh các cô giáo trường mầm non xã An Hiệp (Tuy An, Phú Yên), không sợ hy sinh cứu học trò, theo tớ thật anh hùng.

- Em nhớ chứ, Em còn nhớ mãi lời chia sẻ của các cô: “Thà mình chết chứ không để học trò chết”. Đúng là anh hùng!

Thiện Tâm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này