Những điểm mới có lợi cho người lao động từ Luật ATVSLĐ

11:36 | 04/08/2016
 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 (chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2016) có nhiều quy định mới, ưu việt và có lợi hơn không chỉ cho người lao động mà còn cho doanh nghiệp… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cả doanh nghiệp và NLĐ vẫn lơ là quyền lợi của chính mình.
bai 1 nhung diem moi co loi cho nguoi lao dong Cần tăng lương tối thiểu để đảm bảo mức sống tối thiểu
bai 1 nhung diem moi co loi cho nguoi lao dong Công đoàn UDIC: Đẩy mạnh hoạt động chăm lo đời sống người lao động
bai 1 nhung diem moi co loi cho nguoi lao dong Thu hẹp khoảng cách giữa công đoàn với đoàn viên và người lao động
bai 1 nhung diem moi co loi cho nguoi lao dong Nỗ lực cải thiện điều kiện sống cho người lao động
bai 1 nhung diem moi co loi cho nguoi lao dong Tăng cường phối hợp đảm bảo quyền lợi cho lao động
bai 1 nhung diem moi co loi cho nguoi lao dong Cần phải có những chính sách thỏa đáng

Một trong những điểm mới của đạo luật này được các chuyên gia đánh giá là không chỉ tăng quyền cho NLĐ mà cho cả doanh nghiệp (DN) trong công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Từ chối hoặc rời bỏ nơi làm việc vẫn được trả đủ lương

Theo các chuyên gia lao động, Luật ATVSLĐ hướng đến mục tiêu phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ), nên không chỉ mở rộng đối tượng (tới cả đối tượng lao động chưa có hợp đồng lao động) mà còn tăng quyền cho NLĐ như có quyền yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc ATVSLĐ trong quá trình lao động tại nơi làm việc; được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ; được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được đóng bảo hiểm TNLĐ…

bai 1 nhung diem moi co loi cho nguoi lao dong
Xây dựng là lĩnh vực dễ xảy ra nhiều TNLĐ. Ảnh minh họa

Đặc biệt, theo Điều 6 của Luật quy định, NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động được quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình, nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; có quyền: Yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

Bị tai nạn giao thông cũng được xem là TNLĐ

Cạnh đó, một trong những điểm nổi bật khác nữa của Luật ATVSLĐ là quy định khi để xảy ra TNLĐ trong doanh nghiệp, NLĐ và DN được quyền sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để được điều trị TNLĐ theo quy định. Đây là quy định mang tính chất kịp thời. Trước đây, khi chưa có Luật ATVSLĐ, khi xảy ra TNLĐ trong đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí cho NLĐ điều trị tại các cơ sở y tế cho đến khi thương tật cũng như sức khỏe của người lao động thật sự ổn định, bình phục.

Với quy định mới nêu trên, NLĐ bị TNLĐ được hưởng đầy đủ các chế độ về BHYT, chế độ TNLĐ kịp thời. Còn người sử dụng lao động cũng được giảm toàn bộ hoặc một phần chi phí điều trị cho NLĐ. Trong thực tế, có những vụ TNLĐ thời gian điều trị kéo dài và có khi chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng, việc chia sẻ “gánh nặng” cùng doanh nghiệp trong chế độ về BHYT của Luật này có thể nói là một quy định ưu việt hơn so với các quy định trước đó và phù hợp với thực tiễn đời sống.

Một điểm mới khác cũng rất đáng chú ý là đối với trường hợp NLĐ bị tai nạn giao thông (TNGT) trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý được xem là TNLĐ trong trường hợp nếu không có sơ đồ hiện trường và biên bản điều tra của lực lượng cảnh sát giao thông thì người bị TNGT trên đường đi làm hoặc trên đường đi làm về chỉ cần có giấy xác nhận của UBND xã, phường hoặc của cơ quan công an xã, phường nơi xảy ra TNGT và có báo cáo cho đơn vị nơi mình công tác thì được xem là TNLĐ và được làm thủ tục TNLĐ đầy đủ theo quy định. Kể cả trường hợp NLĐ bị tai nạn khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh…

Hạn chế được tranh chấp, hồ sơ thủ tục

Theo luật sư Nguyễn Văn Cường (Trưởng VP Luật sư Cường và Cộng sự), Luật ATVSLĐ còn quy định rõ trách nhiệm của bên thuê và bên cho thuê lại lao động sẽ hạn chế rất nhiều các vụ việc tranh chấp. Cụ thể, theo Điều 65,66 Luật ATVSLĐ, tại nơi làm việc có nhiều NLĐ thuộc nhiều người sử dụng lao động cùng làm việc thì chủ dự án hoặc chủ đầu tư phải tổ chức để những người sử dụng lao động cùng lập văn bản xác định rõ trách nhiệm của từng người trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho NLĐ và cử người để phối hợp kiểm tra ATVSLĐ.

Như vậy, doanh nghiệp cho thuê lại lao động có trách nhiệm thỏa thuận với bên thuê lại lao động trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về ATVSLĐ của NLĐ thuê lại, nhưng không được thấp hơn so với NLĐ của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau. Phối hợp và kiểm tra bên thuê lại lao động thực hiện việc bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động thuê lại. Đồng thời, bên thuê lại lao động có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng thuê lại lao động; không được phân biệt đối xử về ATVSLĐ đối với NLĐ thuê lại so với NLĐ của mình. Khi xảy ra TNLĐ, đối với NLĐ thuê lại, phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho nạn nhân, đồng thời thông báo ngay với doanh nghiệp cho thuê lao động và thực hiện khai báo với các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra TNLĐ…

Ngoài ra, thủ tục, hồ sơ giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp theo Luật ATVSLĐ đã có sự thay đổi đáng kể: Loại bỏ thành phần hồ sơ theo quy định hiện hành đã phát sinh rất nhiều vướng mắc trong quá trình giải quyết, đó là biên bản điều tra TNLĐ trong giải quyết hưởng chế độ và biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại... là sự đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm bớt trách nhiệm của cơ quan BHXH trong thực hiện thẩm định hồ sơ, xét duyệt hưởng chế độ. Tuy nhiên, để phòng, tránh lạm dụng, đòi hỏi phải có những quy định ràng buộc trách nhiệm của người sử dụng lao động khi đề nghị giải quyết chế độ cho NLĐ; nền tảng, cơ sở hạ tầng của việc lưu trữ hồ sơ, cơ sở dữ liệu gốc đối với từng đơn vị sử dụng lao động, cũng như các cơ quan có thẩm quyền liên quan, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch hóa và thuận tiện khai thác khi có yêu cầu…

Hữu Thành Bài 2: Doanh nghiệp khó chối bỏ trách nhiệm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này