Tổng LĐLĐVN chưa hài lòng về mức tăng tối thiểu năm 2017

21:28 | 02/08/2016
Lương tối thiểu vùng năm 2017 sẽ tăng thêm từ 180.000- 250.000 đồng/tháng. Phương án trên đã được 13/14 thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia thông qua tại phiên họp kín lần 2 tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc chiều nay (2.8). Tuy nhiên, đại diện Tổng LĐLĐVN cho biết chưa hài lòng về mức tăng này.
tong ldldvn chua hai long ve muc tang toi thieu nam 2017 Cần tăng lương tối thiểu để đảm bảo mức sống tối thiểu
tong ldldvn chua hai long ve muc tang toi thieu nam 2017 Tỷ lệ tăng lương tối thiểu mới chỉ đạt khoảng 10%
tong ldldvn chua hai long ve muc tang toi thieu nam 2017 Bàn phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017

Tại cuộc họp báo vào 17h ngày 2.8, ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết: Qua 2 phiên họp kín tại Hải Phòng (20.7) và tại Vĩnh Phúc (2.8), 13h chiều nay, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu năm 2017 với mức tăng lần lượt từ vùng 1 đến vùng 4 là 250.000- 220.000- 200.000-180.000 đồng. Tính theo tỷ lệ %, bình quân chung lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng thêm 7,3% so với năm 2016. Phương án này sẽ được Hội đồng trình Chính phủ xem xét, quyết định tăng lương vào đầu năm 2017.

tong ldldvn chua hai long ve muc tang toi thieu nam 2017
Hội đồng tiền lương Quốc gia thông tin về kết quả tăng lương tối thiểu vùng năm 2017

Cụ thể: Vùng 1: Tăng từ 3.500.000 đồng lên 3.750.000 đồng (tăng 250.000 đồng so với năm 2016); Vùng 2: Tăng từ 3.100.000 đồng lên 3.320.000 đồng (tăng 220.000 đồng so với năm 2016); Vùng 3: Tăng từ 2.700.000 đồng lên 2.900.000 đồng (tăng 200.000 đồng so với năm 2016) và Vùng 4 tăng từ 2.400.000 đồng lên 2.580.000 đồng (tăng 180.000 đồng so với năm 2016).

Với phương án này, theo ông Phạm Minh Huân đã tính đến bù đủ trượt giá sinh hoạt năm 2016 (dự kiến khoảng dưới 5%) và cải thiện một phần tiền lương cho người lao động. Cũng theo ông Huân, tuy ban đầu, các thành viên trong Hội đồng đưa ra đề xuất về mức tăng có sự chênh lệch khá xa. Trong đó, đại diện cho người lao động (Tổng LĐLĐVN) đề xuất mức tăng 11,11%, đại diện cho phía người sử dụng lao động (VCCI) đề xuất tăng 5%. Bản thân Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng đề xuất tới 4 phương án. Tuy nhiên, sau quá trình họp bàn, cuối cùng các thành viên trong Hội đồng đã cùng “nhượng bộ” để chốt mức tăng là 7,3%.

“Mức lương tối thiểu tăng đã xét đến yếu tố đảm bảo khoảng 90% mức sống tối thiểu của người lao động, đảm bảo chia sẻ một phần khó khăn với người sử dụng lao động, có tính chất dung hòa, chia sẻ giữa các bên để tạo sự phát triển ổn định của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế”, ông Huân khẳng định.

Trao đổi với phóng viên về kết quả tăng lương tối thiểu, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia khẳng định: Tổng LĐLĐVN chưa hài lòng về mức tăng này vì ngay từ đầu, chúng tôi đã đề xuất mức tăng là 11,11%, sau 2 phiên đàm phán, đến sáng nay chúng tôi chỉ xem xét hạ xuống 10% nhưng cuối cùng các thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu chốt ở mức 7,3%. Với mức tăng này, Tổng LĐLĐVN sẽ bị sức ép rất lớn từ phía người lao động vì cuộc sống của phần lớn CNLĐ đang rất khó khăn.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính cũng cho biết, khảo sát mới nhất của Tổng LĐLĐVN về tiền lương, thu nhập đời sống của người LĐ trong năm 2016 cho thấy: So sánh thu nhập với chi tiêu của gia đình người lao động, có 14,2% người lao động cho biết không đủ sống; 37,8% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 33,8% vừa đủ trang trải và chỉ có 14,2% có dư dật và tích luỹ.

“Như vậy, có tới trên 85% CNLĐ chưa thể sống tốt với mức lương và thu nhập của mình, đó là chưa kể tới 62,3% số CNLĐ được hỏi cho biết luôn muốn làm thêm giờ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Tỉ lệ này ở vùng I chiếm tới 69,7%”, ông Chính cho biết.

L.N

L.N

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này