Nếp nhà của người Hà Nội

13:22 | 07/07/2016
Cách đây khoảng 5 năm, sau bài viết về “văn hóa người Hà Nội”, rằng, phong cách sống thanh lịch của người Hà Nội chỉ còn là hoài niệm của Nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, đã trở thành “ngòi nổ” cho cuộc tranh luận về đề tài này gây xôn xao dư luận. Đó cũng là một cách nhìn. 
nep nha cua nguoi ha noi Cốm Mễ Trì - hương vị đất Hà Thành
nep nha cua nguoi ha noi “Phố cò lả” của người Hà Nội xưa
nep nha cua nguoi ha noi Người Hà Nội rủ nhau lên Sapa trốn nóng
nep nha cua nguoi ha noi Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó
nep nha cua nguoi ha noi Giữ Hà Nội nức tiếng “chẳng thơm cũng thể hoa nhài”

Song, chúng ta không thể phủ nhận, trong hỗn tạp của sự phát triển, vẫn còn rất nhiều “hồn cốt” của Hà Nội xưa hòa trong“cái đẹp” hiện đại của Hà Nội nay, đã tạo nên nếp nhà của người Hà Nội.

Đặc điểm đầu tiên tạo nên văn hoá Hà Nội là mỗi ngôi nhà đều chỉ có một chủ, cho dù đó là những gia đình “tam đại, hay tứ đại đồng đường”. Vì mỗi nhà mỗi chủ, nên nếp nhà được gìn giữ phù hợp với gia cảnh. Hà Nội có những phố của người khá giả, cũng có những phố của người trung lưu hay những phố nghèo, rồi có khu lao động. Tuy nhiên, ngay mỗi phố cũng có nhiều gia cảnh khác nhau (về tài sản, thân phận hay nghề nghiệp... ) sống xen kẽ. Điều quan trọng, dù cuộc sống có nhiều thay đổi thì trong cái đổi thay ấy vẫn  giữ được nếp nhà xưa hòa quyện với nếp nhà nay, phù hợp với đương đại.

nep nha cua nguoi ha noi
Nếp sống của người Hà Nội đã được xây dựng thành phim mang tên "Nếp nhà" ra mắt dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, quan hệ xóm giềng chính là môi trường để mỗi gia đình giữ được “nếp nhà” của mình trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt của mỗi gia cảnh. Ngày ấy, sự đố kỵ ít, sự bao dung nhiều, nên trong gia đình, sự giáo dục luôn hướng về cái thiện. Gặp hàng xóm nghèo, thì cha mẹ người giàu hơn luôn dạy con cháu giữ ý tứ để không tạo nên sự mặc cảm của hàng xóm và lại luôn nhắc đến cái câu “nghèo cho sạch, rách cho thơm” để nhắc nhở con cái nhà mình.

Trong mỗi gia đình, dù khá giả hay bình dân đều giữ được tôn ti trật tự, trên - dưới rõ ràng. Tất cả vào khuôn phép rất tự nhiên, ví như vị trí ngồi quanh mâm cơm, thứ tự lời mời chào trước khi ăn, cách nhường nhịn nhau trong bữa ăn, đã tạo nên những nguyên tắc “trên kính - dưới nhường”. Người ngoài nhìn vào dễ cho là khách sáo, hình thức, nhưng những thành viên trong một nếp nhà thấy rất tự nhiên.

Ngày giỗ, Tết luôn được coi trọng không chỉ vì những quan niệm tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mà vì đó là cơ hội quý báu để củng cố mối quan hệ gia đình, họ tộc, quê hương, cũng là để sang sửa lại cái “nếp nhà” đã được gìn giữ như một truyền thống. Việc đi tảo mộ, chăm sóc ban thờ, chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên và những hoạt động tín ngưỡng hay tôn giáo khác (cúng trời đất, thổ thần thổ địa, đi chùa, thăm hỏi những bậc bề trên trong gia tộc hay xóm giềng) cũng chính là cách để chỉnh đốn nếp nhà sau một năm không ít những tác động có thể làm thay đổi nếp ăn thói ở của mỗi thành viên trong gia đình.

Nhiều người cho rằng, sự thay đổi về thành phần dân cư, cùng với sự quá tải của hạ tầng đô thị đã phá vỡ lối sống của người Hà Nội xưa. Chưa hẳn vậy. Bởi có nhiều người "nhà quê ra tỉnh” sinh sống và lập nghiệp, nhưng gia đình vẫn gia phong nền nếp. Vì thế, sẽ là không đúng  nếu cho rằng, nếp nhà của người Hà Nội chỉ còn là hoài niệm. Len lỏi trong các phố cổ hay những làng, xóm của  Hà Nội (mà nay đã trở thành phường, thành tổ dân phố…) vẫn còn nhiều gia đình rất đỗi bình thường của Hà Nội (không kể những gia đình “trâm anh thế phiệt”, gia đình nổi tiếng,…) vẫn giữ được nếp nhà xưa. Ví như gia đình cụ Ngô Thế Chiện (phố Phùng Hưng), gia đình ông Phạm Giao (số 115 Hàng Bạc), gia đình ông Hoàng Văn Nghị và bà Dương Thị Son (tổ 11, phường Thạch Bàn, quận Long Biên)...

Theo ông Ngô Thế Phổ (con trai trưởng của cụ Ngô Thế Chiện), bố ông đã 93 tuổi. Những khi rảnh rỗi, lúc trà dư tửu hậu, ông thường đàm đạo với bố về dòng họ, về quê hương và về ông nội… Những lúc như vậy, ông như một từ điển sống, chằng quên tí nào. Ông quan niệm, cây có gốc, có rễ chắc chắn, cành và ngọn mới phát triển xum xuê. Gia đình là tế bào của xã hội, nếp nhà trong mỗi gia đình mà giữ được sẽ làm cho xã hội trật tự và đi đúng hướng hơn, tình cảm giữa con người với nhau sẽ đằm thắm hơn. “Tôi vẫn hay cho các cháu nội, ngoại xem ảnh của các cụ thời còn trẻ. Trẻ con nhìn vào ảnh đen trắng thời xưa thì thích thú lắm. Chúng chủ động hỏi, nhiều khi chỉ những câu “đây là ai hả ông?” và tôi kể chuyện, kể về truyền thống rồi thành tựu và quay sang nhắc nhở con cháu. Tôi coi đó là một hình thức giáo dục, răn dạy con cháu hiểu hơn về nếp nhà xưa” - ông Phổ cho biết.

Có lẽ trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường, nhiều gia đình giàu có lên, nhiều giá trị văn hóa, giá trị đạo đức đảo lộn, thậm chí xuống cấp, đã làm cho những người hoài cổ bi quan lo lắng, nhiều người lại ao ước muốn quay về lối sống, với nếp sống xưa. Thực ra, thời đại nào cũng có sản phẩm tinh thần phù hợp. Quan trọng là, chúng ta vừa kế thừa nét đẹp truyền thống, vừa phải thích nghi với cái mới, phù hợp thời đại. Nếp nhà cũng vậy.

Thương Huế

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này