Chàng trai khuyết tật ước mơ truyền cảm hứng đến cộng đồng

14:30 | 11/04/2016
Bại não - một căn bệnh quái ác đã đeo bám Nguyễn Chí Trung (xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) ngay từ khi mới lọt lòng. Ước mơ một lần được cắp sách đến trường như các bạn cùng trang lứa, theo đó cũng vụt mất. Thế nhưng, với niềm đam mê cùng nghị lực phi thường, chàng trai ấy đã tự học chữ, tự tìm tòi nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa, lịch sử.
chang trai khuyet tat uoc mo truyen cam hung den cong dong Chung tay giúp người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống
chang trai khuyet tat uoc mo truyen cam hung den cong dong Nhiều thách thức về việc làm cho phụ nữ khuyết tật
chang trai khuyet tat uoc mo truyen cam hung den cong dong Trao "lành lặn" cho trẻ em khuyết tật

Lịch sử như ngấm vào máu

Tôi gặp Chí Trung tại buổi tổng duyệt chuẩn bị cho buổi phát sóng trực tiếp chương trình biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V. Cuộc trò chuyện của chúng tôi kéo dài hơn bình thường bởi mỗi câu nói em đều phải sử dụng rất nhiều sức. Không chỉ nói chuyện khó khăn, mọi việc đi lại của Trung đều cần phải có người giúp đỡ.

Đối với một người bình thường, để có thể tìm tỏi, nghiên cứu và tìm ra hướng tiếp cận với môn lịch sử “khô cứng” đã khó thì với Nguyễn Chí Trung, công việc ấy còn khó khăn gấp vạn lần.

Trung bảo, khó khăn nhất khi em học tập và tìm hiểu về môn lịch sử đó là việc đọc, bởi lẽ, căn bệnh bại não khiến chân tay em bị co rút lại không thể cầm nắm hoặc đi lại được. Ngoài ra, hệ thống dây thần kinh cổ bị mất tự chủ, khiến đầu Trung lắc lư liên hồi, rồi khẩu âm phát ra cũng không thể tròn vành, rõ chữ. Vì thế, để có thể đọc được hết một trang giấy, với Trung phải mất hàng giờ, thậm chí là vài ngày.

chang trai khuyet tat uoc mo truyen cam hung den cong dong
Chàng trai tật nguyền Nguyễn Chí Trung

Trung kể, ngay từ khi sinh ra em đã rất yếu, lại thường xuyên đau ốm. Đến tuổi cắp sách đến trường, nhìn bạn bè cùng trang lứa tung tăng đến lớp mà em ứa nước mắt. Thương con và hiểu được tâm tư của con, bố mẹ em đã thực hiện một điều không tưởng, đó là tự dạy học cho em ở nhà.

Trung nhớ lại: “Năm lên 6 tuổi mẹ bắt đầu dạy cho em học chữ. Nhưng vì phần cổ của em lắc lư không tự chủ được, nên để đọc và nhận diện được một chữ cái, một phép tính, em phải mất rất nhiều thời gian. Nhiều lúc em thấy nản vô cùng, nhưng khi được mẹ động viên, được bố khích lệ em đã tự nhủ với lòng: mình phải cố gắng hơn gấp nghìn lần để không phụ lòng cha mẹ”.

Với sự cố gắng và tình thần chiến đấu không biết mệt mỏi, cùng sự giúp đỡ động viên tinh thần của cha mẹ, lên 9 tuổi, Chí Trung đã cơ bản hoàn thành chương trình tiểu học, đặc biệt là Trung đã có thể đọc trôi chảy những thông tin trong sách giáo khoa. Biết đọc là một bước ngoặt lớn trên chặng đường nỗ lực vượt lên số phận của Nguyễn Chí Trung. Từ đây, cánh cửa vào kho tàng tri thức như mở rộng với chàng trai khuyết tật.

Lên 11 tuổi, sau một thời gian được nghe, được xem về những kiến thức lịch sử trên sóng phát thanh, truyền hình, cùng những tài liệu mà bố mẹ mua về, Trung bắt đầu tìm tòi đọc rồi nghiên cứu về môn lịch sử. Những kiến thức về lịch sử cứ như có hấp lực cuốn hút em không rời.

“Nhà nghèo không có tiền mua sách, em nhờ bố mẹ đi mượn sách về đọc. Rồi có những cuốn sách em thích, em lại thuyết phục bố đi tìm mua về bằng được cho em. Khi đọc và tìm hiểu về những kiến thức lịch sử, nó cứ như ngấm vào trong máu em vậy. Đọc xong mỗi một cuốn sách lại mở ra một thế giới mới, một chân trời mới, để em được đắm chìm và khám phá nó”- Trung tâm sự.

Ước mơ truyền cảm hứng

Khi công nghệ thông tin và internet bước vào thời kỳ bùng nổ ở Việt Nam, chàng trai khuyết tật Nguyễn Chí Trung (khi đó mới 15 tuổi) may mắn có cơ hội tiếp cận. Không những vậy, Trung còn tìm tòi nghiên cứu về cả phần cứng lẫn phầm mềm máy tính để dễ dàng sử dụng, quản lý…

Đặc biệt, chính internet đã mang lại niềm vui đến với Trung khi em được nhận vào làm việc tại một Cty chuyên về máy tính, của một người anh đồng cảnh là anh Nguyễn Quốc Toàn. Tại đây, Trung được nâng cao rất nhiều kỹ năng về máy tính, quản trị mạng cũng những kỹ năng tìm kiếm, nghiên cứu văn hóa, lịch sử thông qua mạng internet.

chang trai khuyet tat uoc mo truyen cam hung den cong dong
Nguyễn Chí Trung tham dự chương trình "Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiểu biểu toàn quốc lần thứ V"

Với niềm đam mê đặc biệt về môn lịch sử, Trung đã đề ra cho mình mục tiêu trở thành một nhà nghiên cứu lịch sử có chiều sâu và không ngừng luyện tập để có thể trở thành một diễn giả, truyền cảm hứng và niềm say mê yêu thích lịch sử, đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Trung bảo: “Ngày nay, nhiều bạn trẻ đang quay lưng lại với môn lịch sử, vì các bạn cho là học lịch sử rất khô cứng. Nhưng thật sự khi chúng ta đam mê, tìm ra được phương pháp học hợp lý, sẽ thấy môn lịch sử rất cuốn hút, mềm mại. Đặc biệt khi nghiên cứu về môn lịch sử, chúng ta sẽ thấy tự hào hơn về cha ông, về lịch sử nghìn năm của dân tộc mà cha ông ta đã tạo dựng. Vì thế, chúng ta phải biết trân trọng và gìn giữ lịch sử dân tộc qua các bài viết, bài giảng”.

Cũng theo Nguyễn Chí Trung, khi được tham gia vào chương trình vinh danh người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc, Trung thật sự thấy hạnh phúc và tự hào. Đặc biệt khi đến với hội nghị này, em cũng mong muốn được gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ những kinh nghiệm, những đam mê và nhiệt huyết của mình về môn lịch sử với các bạn trẻ đồng trang lứa. Đồng thời đây cũng là cơ hội để em được gặp gỡ, trò chuyện cùng với những nhà nghiên cứu, những quản lý chuyên môn trong lĩnh vực lịch sử và địa lý Việt Nam để mở mang kiến thức.

“Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế về sự hiểu biết cũng như trải nghiệm cuộc sống, nhưng em sẽ nỗ lực phấn đấu hơn nữa để mình trở thành người có ích cho gia đình, cho cộng đồng và cho xã hội và để cho mọi người thấy rằng, chúng em tàn nhưng không phế” – Trung cho hay.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này