Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực từ ngày 1.7.2016:

​Người lao động sẽ được đảm bảo quyền lợi

14:11 | 01/04/2016
Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII gồm 7 Chương, 93 Điều, có hiệu lực thi hành từ 1.7.2016. Khi Luật ATVSLĐ có hiệu lực thi hành, tình trạng người lao động (NLĐ) khi bị tai nạn lao động (TNLĐ) sẽ được đảm bảo quyền lợi. Tuy nhiên, để đưa luật vào cuộc sống rất cần nghị định, thông tư hướng dẫn.
Để sống với giới tính thật vẫn phải chờ luật
Chính sách đúng nhưng cần thực hiện mềm dẻo
Tìm giải pháp chăm sóc can thiệp và chính sách về chứng tự kỷ

NLĐ sẽ không thiệt thòi

Luật ATVSLĐ đã thể chế hóa mục tiêu, quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an toàn và sức khỏe NLĐ trong quá trình lao động sản xuất, chú trọng các hoạt động phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp trong công tác ATLĐ. Điều 38, Luật ATVSLĐ quy định rất rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Trong đó, người sử dụng lao động phải thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị TNLĐ hoặc bệnh nghề nghiệp.

Cụ thể, thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với NLĐ tham gia bảo hiểm y tế; trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% tại Hội đồng giám định y khoa; Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với NLĐ không tham gia BHYT. Trả đủ tiền lương cho NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

​Người lao động sẽ được đảm bảo quyền lợi
Người lao động cần ý thức quyền và trách nhiệm của mình trong Luật ATVSLĐ.

Người sử dụng lao động cũng phải bồi thường cho NLĐ bị TNLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho NLĐ bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau: Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; ít nhất 30 tháng tiền lương cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân NLĐ bị chết do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp... Đặc biệt Điều 39, Luật ATVSLĐ còn quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động về bồi thường, trợ cấp trong những trường hợp đặc thù khi NLĐ bị TNLĐ.

Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định, người sử dụng lao động phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Luật ATVSLĐ, khi NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của NLĐ.

Người lao động cần ý thức quyền của mình

Luật ATVSLĐ có rất nhiều ưu việt, hạn chế những thiệt thòi của NLĐ, tuy nhiên, khi triển khai sẽ gặp phải không ít thách thức như: Sự chồng chéo, trùng lặp các quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong các văn bản pháp luật. Thời gian không còn nhiều, nhưng hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chưa được hoàn thiện để tuyên truyền, phổ biến đến đối tượng thực hiện. Trong khi đó, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật lao động đặc biệt trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và NLĐ vẫn còn rất hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chạy theo lợi nhuận chưa chú trọng đầu tư cho công tác an toàn, vệ sinh lao động. Có không ít doanh nghiệp không biết đến các quy định của pháp luật về an toàn lao động.

Theo ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH, hiện bộ đang hoàn thiện các nghị định, thông tư trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn. Ngay khi nghị định, thông tư được ban hành, chắc chắn việc triển khai Luật sẽ được thông suốt.

Tuy nhiên, để Luật ATVSLĐ đi vào cuộc sống, theo các chuyên gia lao động, quan trọng nhất, sát sườn nhất phải xuất phát từ chính DN và NLĐ, nơi các chủ thể của quá trình sản xuất, kinh doanh diễn ra hằng ngày. Trước hết, bản thân NLĐ ý thức quyền, nghĩa vụ của mình, DN và người sử dụng lao động ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật…

Còn theo Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) Lê Trọng Sang, việc đảm bảo ATVSLĐ không thể thiếu vai trò của CĐ, nhất là CĐCS. Trong Luật ATVSLĐ 2015 đưa 2 điều về trách nhiệm của tổ chức CĐ và trách nhiệm của CĐCS. Tổ chức CĐ phải tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật; nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật đảm bảo ATVSLĐ. Bên cạnh đó, bản thân NLĐ, tổ chức CĐ phải huấn luyện đội ngũ CN nguồn ngay trong DN, nhất là tại CĐCS, để họ nắm bắt được những sự cố mất an toàn lao động, kịp thời kiến nghị với người sử dụng lao động để xử lý.

T.Vũ –N.Hạnh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này