Để bác sĩ trẻ tình nguyện về với thôn, bản: Cần có hướng đi lâu dài

11:04 | 24/12/2015
Vùng đồng bằng và các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là những nơi vốn “thừa” bác sĩ, trong khi các vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới... đang “trắng” lực lượng y, bác sĩ. Để điều tiết khu vực hoạt động của nguồn nhân lực y tế này, rất cần phải có nhiều giải pháp dài hơi.
Cần quan tâm hơn tới bác sĩ nội trú
Mô hình bác sĩ gia đình: Chưa phát huy hiệu quả
Cẩn trọng với “bác sỹ… google”

Tích cực... tạm thời

Theo Quyết định số 585/QĐ-BYT, ngày 20.2.2013, của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc thu hút bác sĩ (BS) trẻ mới tốt nghiệp loại khá, giỏi tình nguyện về công tác tại tuyến huyện ở một số địa phương trên địa bàn cả nước. Hiện tại, Bộ Y tế đã và đang triển khai Dự án “Thí điểm đưa BS tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”. Theo đó, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều khóa học với nhiều chuyên khoa, được xét tuyển đặc cách thành viên chức các BV tuyến T.Ư: Nội tiết, Phụ sản, Bệnh nhiệt đới. Các BS này đã được đào tạo chuyên khoa cấp I ở các chuyên ngành: Sản, nội, chẩn đoán hình ảnh, truyền nhiễm trong 24 tháng, trước khi được đưa về vùng khó khăn làm công tác tình nguyện. Thời gian tối thiểu làm việc tại vùng khó khăn đối với BS nam là 3 năm, BS nữ là 2 năm. Sau khi kết thúc nghĩa vụ sẽ được trở về làm việc tại các BV tuyến T.Ư đã tiếp nhận, hoặc ở lại công tác lâu dài, hoặc công tác tại các cơ sở khám bệnh tuyến tỉnh theo nguyện vọng mỗi cá nhân.

Để bác sĩ trẻ tình nguyện về với thôn, bản: Cần có hướng đi lâu dài
Bác sĩ trẻ Bệnh viện Nhi Trung ương trong đợt tình nguyện khám bệnh cho trẻ vùng khó khăn.

Theo đại diện Bộ Y tế, qua quá trình triển khai, khảo sát tại các huyện nghèo cho thấy, nhu cầu BS thuộc 15 chuyên khoa là 599. Đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký của 95 BS trẻ mới ra trường, khớp nguyện vọng của các BS trẻ với nhu cầu BS của huyện nghèo và tiêu chuẩn mà dự án đã đưa ra, Ban quản lý dự án đã làm việc với các bệnh viện tuyến T.Ư về việc tiếp nhận số BS trẻ này. Đến nay, dẫu dự án đang trong giai đoạn triển khai, song theo đánh giá của Bộ Y tế, bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan.

Ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho hay, tới đây, bộ sẽ chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Quyết định 14/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đẩy nhanh tiến độ đề án thí điểm “Ðưa BS trẻ tình nguyện về công tác tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo”.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện hiệu quả các đề án “Bệnh viện vệ tinh” - chuyển giao công nghệ cho các bệnh viện tỉnh; Ðề án 1816 - chuyển giao các gói dịch vụ cho BV tuyến huyện và tuyến tỉnh... Ngoài ra, Thủ tướng vừa quyết định phân bổ 495,5 tỉ đồng cho Bộ Y tế và các địa phương để hỗ trợ các tỉnh miền núi khó khăn.

Đất có lành, chim mới đậu

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, có nhiều BS sẵn sàng rời quê hương hơn 30 năm, rời gia đình để chấp nhận lên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để công tác. Việc họ làm không phải mong được xã hội biết để tôn vinh, mà đơn giản đó là tình yêu nghề, chấp nhận hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Nhưng không ít các y, BS “miền xuôi” vẫn phàn nàn về việc lương của họ quá thấp, chưa tương xứng với sức lao động bỏ ra. Nhiều BS cho rằng, họ không thể sống với đồng lương như vậy. Nhưng chỉ cần nhìn những BS tình nguyện lên vùng khó khăn công tác như bác sĩ Khanh, hay những tấm gương hiện công tác tại miền núi, hải đảo, biên giới... được tôn vinh trong Đại hội Thi đua yêu nước vừa qua thì đủ thấy sự hy sinh thầm lặng của họ đáng quý nhường nào.

Nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng cao, nhưng theo Bộ Y tế, nhân lực y tế đang rất thiếu ở khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)... Riêng ĐBSCL còn thiếu đến 3.048 BS và 655 dược sĩ đại học. Tỉ lệ BS và dược sĩ có trình độ đại học tại các tỉnh ĐBSCL hiện vẫn ở mức thấp so với cả nước, bình quân chỉ có 4,8 BS và 0,41 dược sĩ/10.000 dân. Những tỉnh có tỉ lệ thấp là Sóc Trăng chỉ đạt 3,7 BS/10.000 dân, Hậu Giang 4,05 BS/10.000 dân... Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết vấn đề này, nhà nước cần phải có những chính sách dài hơi hơn nữa như: Tại những địa phương thiếu trầm trọng nguồn nhân lực y tế, cần phải chú trọng ưu tiên những đề xuất ở địa phương đó. Thông qua báo cáo, Bộ Y tế biết được địa phương nào hiện thiếu hụt nguồn nhân lực để có chính sách luân phiên kịp thời. Ngoài ra, cũng có thể khuyến khích con em ở những vùng khó khăn nếu có nguyện vọng, khả năng cho đi đào tạo để về phục vụ trên chính quê hương mình.

Nói về nguyên nhân việc chưa thu hút nguồn nhân lực tại nhưng nơi khó khăn, Bộ Y tế đã thẳng thắn nhìn nhận do chính sách đãi ngộ chưa thực sự thỏa đáng, nên chưa đủ sức thu hút và còn có sự bất hợp lý về thu nhập giữa các vùng miền, giữa các chuyên khoa. Bên cạnh đó, khó khăn về cơ sở, vật chất, thiết bị y tế, điều kiện làm việc cũng là rào cản lớn trong việc nâng cao chất lượng y tế ở các tỉnh miền núi.

BS Trần Văn Khanh (Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phúc Đường, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) - người đã gắn bó 25 năm với miền núi để chăm lo, khám, chữa bệnh cho người dân bản cho biết: Thời trước làm ngành y đói quanh năm, lương chỉ có 45.000 đồng/tháng, nhiều năm còn được bà con dân bản trả bằng lúa. Với mức lương kể trên thì tôi chỉ có thể lo cho bản thân chứ chưa nói tới việc lo cho gia đình”. Như vậy có thể khẳng định, dẫu chính sách luân chuyển y, bác sỹ đến các vùng khó khăn đã phát huy tác dụng. Song để giải được bài toán nơi thừa, nơi thiếu cần có chính sách đồng bộ, dài hơi từ cấp trung ương đến địa phương như chế độ, nhằm tạo ra “đất lành” thì chim mới đến “đậu”.

Trang Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này