Đẩy lùi, giảm thiểu bệnh ung thư

Kiểm soát chặt an toàn thực phẩm

06:41 | 19/12/2015
Theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm nước ta có hơn 120.000 người phát hiện mắc ung thư và có khoảng 94.000 người tử vong do căn bệnh này. Dự báo số người mắc bệnh sẽ tăng lên khoảng 190.000 người vào năm 2020. Do vậy, cuộc chiến chống ung thư không phải là nhiệm vụ riêng của ngành y tế mà là của cả cộng đồng.
Mập mờ que thử ung thư
Bệnh nhân ung thư sau một năm được chẩn đoán: Tỷ lệ tử vong lên đến 55%
Nỗi đau ẩn sau sự ô nhiễm môi trường, thực phẩm

Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Ung thư không phải là bệnh vô phương cứu chữa như người dân thường nghĩ. Ví dụ, chỉ bằng các biện pháp phòng bệnh đã có thể phòng được trên 30% số bệnh ung thư như: Không hút thuốc đã loại trừ được trên 90% số bệnh ung thư phổi, 80% số bệnh ung thư hạ họng, thanh quản và nhiều loại ung thư khác; chế độ dinh dưỡng hợp lý, an toàn kết hợp với tập luyện, tiêm vắc xin phòng viêm gan B, vắc xin phòng vi rút gây u nhú ở người (HPV) đã loại bỏ được phần lớn số bệnh ung thư: Gan, cổ tử cung, đại trực tràng, vú...”.

Kiểm soát chặt an toàn thực phẩm
Không hút thuốc để loại trừ nhiều loại bệnh ung thư.Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, với các phương pháp phát hiện sớm, điều trị kịp thời, chúng ta có thể chữa khỏi được trên 30% số người bệnh ung thư tiếp theo và bằng các liệu pháp chính thống kết hợp với chăm sóc, chúng ta có thể nâng cao chất lượng sống và kéo dài thời gian sống thêm cho 1/3 người bệnh ung thư còn lại.

Tại nước ta, tỉ lệ chữa khỏi căn bệnh này chưa được cao như mong muốn do trên 70% số bệnh nhân tới khám và điều trị ở giai đoạn muộn, mặc dù nhiều thiết bị hiện đại đã được trang bị phục vụ cho người bệnh; công tác sàng lọc phát hiện sớm mới dừng ở bước thí điểm, chưa được tiến hành thường quy.

Cuộc chiến chống lại ung thư sẽ khó thành công nếu chỉ dựa trên việc chữa trị. "Phòng chống ung thư là rất cần thiết để giảm thiểu cuộc khủng hoảng về ung thư toàn cầu" - đó là kết luận của hơn 250 nhà khoa học chuyên ngành ung thư từ hơn 40 nước trong báo cáo tổng kết về ung thư toàn cầu năm 2014.

Nhiều chuyên gia cho rằng, song song với chiến lược phòng và chữa trị ung thư thì điều quan trọng là nhà nước phải kiển soát phần gốc của vấn đề là vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng lo ngại khi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lấy 120 mẫu các loại rau tại 150 ở quầy kinh doanh của 6 chợ đầu mối Hà Nội để kiểm nghiệm, đã xác định nhiều loại rau có hàm lượng tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) vượt mức cho phép. Còn đợt thanh tra đột xuất của Thanh tra Bộ NN&PTNT tại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y vừa qua đã phát hiện và xử lý 5 công ty sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y/thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục cho phép, tịch thu 20 kg chất bột màu trắng không rõ nhãn mác, xuất xứ… Ngoài ra, Thanh tra Bộ còn phát hiện 1,01% số mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng vượt ngưỡng cho phép; 10,3% số mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép; 16% số mẫu thịt phát hiện có vi khuẩn salmonella, 7,6% số mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng…

Một trong những vấn đề nổi cộm trong an toàn, vệ sinh thực phẩm gần đây là tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi có xu hướng gia tăng, không chỉ ở các tỉnh thành phía Nam mà còn lan về cả khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận; chủ yếu là các loại chất clenbuterol, salbutamol, vàng ô và kháng sinh.

Nhưng dù vậy, vấn đề cũng chỉ dừng ở những hình thức xử phạt “thiếu tính răn đe”. GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Chủ tịch Hội Hóa học TPHCM cho biết: “Việc phát hiện chất cấm clenbuterol và salbutamol trong thịt heo gần đây không phải là lần đầu. Thỉnh thoảng phát hiện được một vụ, dư luận ầm ĩ một thời gian, rồi đâu lại vào đấy. Vấn đề cần thiết là cơ quan chức năng phải có quy trình quản lý chặt chẽ và kiểm soát thường xuyên bằng xét nghiệm nhanh các loại chất cấm này”.

Như vậy, nếu chỉ kêu gọi mọi người mang tính chất “khẩu hiệu” thì vấn đề ung thư sẽ không thể có lời giải đáp thỏa đáng. Đó còn không kể việc khi nhiều người dân bị ung thư tìm đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, thì không ít đơn vị có những kết luận thiếu tính chính xác đã vô hình đẩy người bệnh đến tình trạng hoang mang hoặc phát hiện đúng bệnh đã vào giai đoạn cuối.

Theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, trong chiến lược quốc gia về phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025, bệnh ung thư được đề cập đến hàng đầu. Điều quan trọng cần làm trong việc thực hiện mục tiêu giảm tỉ lệ mắc, tỉ lệ tử vong là không chỉ tăng cường công tác điều trị mà đồng thời phải phòng, chống bệnh. Tiêu chuẩn chẩn đoán là điều kiện số 1, do đó phải kiện toàn hệ thống này, không để xảy ra tình trạng người không bị u lại chẩn đoán bị u và ngược lại. Tiếp đến là hệ thống chăm sóc giảm nhẹ và điều trị nội khoa, quy hoạch mạng lưới xạ trị...

"Cuộc chiến chống ung thư không phải của ngành y tế mà của cả cộng đồng. Do đó, Bộ Y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành và sự tích cực tham gia, hỗ trợ của các đoàn thể, tổ chức, công ty, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước" - Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Xuyên nói.

L.Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này