Hoạt động dã ngoại cho học sinh thiếu hiệu quả

Lỗi trước hết là ở giáo viên

11:52 | 10/12/2015
Kịch bản dã ngoại cho học sinh còn đơn điệu, tính giáo dục chưa cao là thực tế của các hoạt động ngoại khóa đang diễn ra tại nhiều trường ở Hà Nội. Thực trạng trên cho thấy, hoạt động ngoại khóa cần được đổi mới, nhằm đem lại tác dụng hữu ích hơn với học sinh.
Giáo viên giáo dục công dân 'bị bắt' làm giáo viên tư vấn!
Sinh viên bị đuổi học nhiều, do đâu?
Phụ huynh oằn vai vì phí bán trú

Địa điểm phù hợp không nhiều

Vừa qua, Trường Mầm non Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) tổ chức cho các học sinh đi thăm quan, dã ngoại tại Kizciti – Thành phố hướng nghiệp cho trẻ em, với mục đích cho các cháu làm quen với một số ngành nghề qua các trò chơi ở khu vui chơi giải trí. Theo một số phụ huynh, do năm ngoái trường cũng tổ chức đi dã ngoại ở địa điểm này và các cháu quen thuộc với các trò chơi ở đây, nên nhiều gia đình không đăng ký cho con. “Hơn 200.000 đồng/trẻ có thể coi là mức phí khá cao đối với các trường ở khu vực ngoại thành nên số em đăng ký tham gia chỉ 1/3 sĩ số lớp” – chị Minh Hạnh (phố Phan Trọng Tuệ - huyện Thanh Trì) cho biết.

Khoảng 2 năm trở lại đây, cô và trò các trường mẫu giáo, tiểu học... trên địa bàn quận Cầu Giấy thường chọn công viên Cầu Giấy làm địa điểm tổ chức dã ngoại cho học sinh. Là một trong những công viên đầu tiên có khu vui chơi cộng đồng được xây dựng theo chủ trương xã hội hóa, hiện nay, công viên Cầu Giấy là công viên duy nhất tại Hà Nội miễn phí vào cửa, cũng là nơi được đầu tư nhiều khu vui chơi cho trẻ em đẹp nhất với toàn bộ thiết bị nhập từ Nhật Bản.

Lỗi trước hết là ở giáo viên
Công viên Cầu Giấy là điểm dã ngoại phù hợp với trẻ nhỏ.

Cô Nguyễn Thị Minh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh (Cốm Vòng – quận Cầu Giấy) cho biết: “Ngoài lợi ích địa điểm vui chơi gần với trường, tiết kiệm chi phí... thì đây là điểm dã ngoại lý tưởng bởi có ưu điểm gần gũi thiên nhiên, giúp các bé có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động ngoài trời mà vẫn đảm bảo an toàn cho trẻ”.

Qua quan sát của phóng viên, các thảm cỏ nhân tạo trong công viên khá mềm mại, đảm bảo cho trẻ nhỏ nếu chẳng may bị ngã cũng khá êm…hay các khu leo trèo được thiết kế sáng tạo, màu sắc bắt mắt. Thiết bị vui chơi của Nhật Bản đáp ứng được các nhu cầu bền, đẹp, an toàn và thích hợp cho trẻ rèn luyện sức khỏe. “Vì được miễn phí vé vào cửa nên công viên thường quá tải lượng người đến vui chơi vào dịp cuối tuần. Các trường thường tổ chức cho trẻ dã ngoại vào các ngày đi học nên công viên không bị đông, không gian thoáng đãng cho trẻ tự do chạy nhảy, khám phá. Chỉ cần thời tiết nắng đẹp, ấm áp... là có thể cho các bé vui chơi từ sáng sớm rồi...” – cô Minh cho biết thêm.

Trên thực tế hiện nay, những địa điểm có thể lựa chọn để học sinh dã ngoại như công viên Cầu Giấy không nhiều. Mặt khác, những khu vui chơi này chỉ phù hợp với học sinh tiểu học, mầm non, còn với học sinh phổ thông, việc lựa chọn điểm tham quan không dễ.

Không khuyến khích thuê dịch vụ lữ hành

Lứa tuổi học sinh phổ thông thường ưa thích các điểm tham quan có nhiều địa hình phức tạp như đồi núi, sông suối để được chạy nhảy, bơi lội…, nhưng nhiều trường thường tránh lựa chọn bởi lo ngại tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Vì thế, những địa điểm quen thuộc như bảo tàng, di tích lịch sử... thường được lựa chọn bởi tính an toàn cao, quãng đường di chuyển không quá xa. Tuy nhiên, nhiều học sinh cho biết, những hoạt động dã ngoại tẻ nhạt khiến các em không hứng thú. Tuy nhiên, vì phong trào thi đua của lớp, nên dù muốn hay không thì cũng vẫn phải đăng ký tham gia.

Theo ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, các chuyến dã ngoại, tham quan của nhà trường đều phải đặt an toàn lên hàng đầu, đồng thời phải góp phần rèn luyện các kỹ năng mềm cho học sinh. Còn việc phối hợp với công ty lữ hành, Sở GDĐT không cấm, nhưng nên chọn đơn vị có hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động tập thể và có kỹ năng cứu hộ, quản lý học sinh...

Em Vũ Thu Hà (Trường THCS Dịch Vọng – quận Cầu Giấy) cho biết: “Hai năm nay, những chuyến dã ngoại của chúng em chỉ gói gọn trong vài địa điểm quen thuộc như Bảo tàng Dân tộc học, Lăng Bác... Những nơi này chỉ cần đi một buổi sáng là hết điểm để thăm quan. Trong khi đó, chúng em muốn có những buổi đi xa để thăm thú kết hợp tìm hiểu phong tục tập quán của người dân các vùng miền thì không được tổ chức...”. Thừa nhận thực tế này, cô Nguyễn Thu Phương – giáo viên một trường cấp 2 ở quận Thanh Xuân cho rằng, mặc dù được đánh giá đây là những điểm tương đối an toàn, nhưng nếu không kết hợp với kịch bản thú vị cho những hoạt động ngoại khóa thì những chuyến dã ngoại như thế này chỉ mang tính hình thức, không hấp dẫn học sinh và hiệu quả giáo dục không cao. Tuy nhiên trên thực tế, muốn tổ chức một chuyến dã ngoại từ 2 – 3 ngày cho học sinh với kịch bản “tròn trịa” thì không phải trường nào cũng tổ chức được.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện các hoạt động ngoại khóa đều do giáo viên giữ vai trò Tổng phụ trách đảm nhiệm. Tuy nhiên, hoạt động ngoại khóa không phải lúc nào cũng nhận được sự phối hợp của các giáo viên khác bởi tính chất công việc khác nhau. Một số trường có điều kiện sẽ lựa chọn phương án thuê các công ty du lịch đứng ra tổ chức để hoạt động được chuyên nghiệp. Tuy nhiên, phương án này sẽ kéo theo chi phí phát sinh cũng tăng, còn nhiệm vụ giáo dục của nhà trường thông qua các hoạt động ngoại khóa cũng theo đó bị hạn chế.

Nhấn mạnh về công tác này, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội - cho biết: “Nhiệm vụ này là của nhà trường, các giáo viên phải huy động học sinh cùng thực hiện để phát huy tính tự chủ cho các em. Nếu hoạt động không tạo hứng thú để học sinh tham gia và không đảm bảo ý nghĩa giáo dục thì lỗi trước hết là ở giáo viên...”.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này