Quảng cáo rượu, bia nhỏ lẻ: Khó kiểm soát

09:18 | 07/11/2015
Những ngày qua dư luận tỏ ra bất bình trước sự việc, một nữ nhân viên tiếp thị rượu tên L (ở Thanh Hóa) bị hành hung khi đang làm việc tại quán ăn. Nguyên nhân được cho là do sự có mẫu thuẫn với những nhân viên tiếp thị rượu của một hãng khác. Từ câu chuyện xảy ra, dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng vấn đề quảng cáo rượu, bia và các chất có cồn vẫn còn là khoảng trống trên thị trường hiện nay?
Giải báo chí về phòng chống tác hại của rượu, bia
Hà Nội: Phát động chiến dịch “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”
Uber đồng hành cùng chiến dịch "Đã uống rượu bia không lái xe"
Khách hàng uống say rượu, bia được sử dụng taxi miễn phí?

Quảng cáo “du kích”

Dạo qua một số quán nhậu, quán cà phê trên địa bàn Hà Nội như Tạ Hiện, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Duy Hưng, Xã Đàn…không khó để bắt gặp hình ảnh những nữ PG (nhân viên quảng cáo, tiếp thị) vào tận nơi mời sản phẩm rượu, bia, thuốc lá do hãng mình sản xuất. Có thể nói, việc sử dụng nhân viên tiếp thị nhỏ lẻ, đặc biệt là các “chân dài” để tiếp thị sản phẩm rượu, bia, thuốc lá khi lẫn vào nhau thì khó có thể phân biệt.

Điều đáng ngại, rất nhiều người sử dụng không biết rằng, các hình thức quảng cáo, tiếp thị thuốc lá là vi phạm pháp luật. Còn việc tiếp thị rượu có vi phạm hay không, lại phải chờ xem nồng độ cồn của loại rượu đó có vượt ngưỡng cho phép quảng cáo hay không. Trước vấn đề này, cả người tiếp thị lẫn người mua rất ít người nắm rõ.

Quảng cáo rượu, bia nhỏ lẻ: Khó kiểm soát
Quảng cáo rượu, bia theo lối “du kích” vẫn xuất hiện tràn lan tại các quán ăn, nhà hàng

V.A, một nữ nhân viên PG tiếp thị sản phẩm rượu H.S tại một nhà hàng trên phố Bà Triệu, cho biết: “Công ty thuê thì bọn em làm, đây cũng là một công việc bình thường, còn việc rượu có được phép quảng cáo hay không, hay có theo đúng quy định quảng cáo mà pháp luật quy định hay không thì bọn em không biết được. Việc đó đã có quản lý, có nhà sản xuất lo. Công việc của em chỉ là giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng, bán được càng nhiều rượu thì càng có nhiều tiền”.

Việc sử dụng các “chân dài” quảng cáo, tiếp thị theo hướng “du kích” tại các quán nhậu, nhà hàng, vô hình chung “giúp” các nhà sản xuất tìm được con đường mới đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Tất nhiên, ở các quán nhậu, nhà hàng, khi khách đã có hơi men, thì việc họ móc túi mua một bao thuốc lá, một chai rượu có nồng độ vượt quá quy định, hay những khuyến cáo về tác hại của nó khách hàng không hề nghĩ đến, lợi nhuận cuối cùng thì vẫn vào túi các doanh nghiệp.

Nhằm hạn chế những tác động mà thuốc lá và đồ uống có cồn mang lại, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ/CP về sản xuất và kinh doanh rượu, các hành vi vi phạm luật sản xuất, kinh doanh rượu; bên cạnh đó Quốc hội cũng đã ban hành Luật Quảng cáo trong đó quy định quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, đồng thời quy định về việc nghiêm cấm quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, “bỏ mặc” các quy định, điều luật của nhà nước, một số hãng sản xuất rượu, bia, thuốc lá vẫn âm thầm thực hiện các chiến lược quảng cáo, tiếp thị nhỏ lẻ nhằm giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dụng.

Khoảng trống pháp luật?

Tại cuộc hội thảo về tác hại rượu bia vừa được tổ chức gần đây, hẳn các con số mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia, 68 triệu lít rượu đưa ra tại hội nghị vẫn chưa khiến người tiêu dùng Việt Nam lo lắng. Thế nhưng, với việc rượu, bia được xếp vào 4 trong 8 yếu tố nguy cơ gây nên gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam, hay việc Việt Nam được xếp vào một trong những nước tiêu thụ rượu, bia lớn nhất thế giới, đã làm cho nhiều người phải giật mình. Tuy nhiên giải pháp nào cho vấn đề trên các chuyên gia, các nhà làm luật ở Việt Nam vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết triệt để.

Theo chia sẻ của ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế, hiện nay pháp luật Việt Nam đang cấm tuyệt đối việc tiếp thị, quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức. Còn việc quản lý, kiểm soát rượu bia thì Chính phủ đã ban hành Luật Quảng cáo, quy định cụ thể đối với từng loại rượu có nồng độ cồn, trên 15 độ và dưới 15 độ được phép quảng cáo ở những đâu, như thế nào. Bên cạnh đó, pháp luật hiện nay vẫn còn lỗ hổng lớn khi mới chỉ tập trung vào việc quản lý về sản xuất, kinh doanh rượu, bia, thuốc lá mà chưa đề cập nhiều đến việc phòng, chống tác hại của việc lạm dụng các sản phẩm trên.

Ông Chính cũng cho biết, theo Luật Quảng cáo, đối với các loại rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, chỉ được quảng cáo trong các phạm vi địa giới doanh nghiệp sản xuất, bên trong các cửa hàng, đại lý tiêu thụ rượu nhưng phải đảm bảo người ở bên ngoài địa giới doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý không đọc được, không nghe được, không thấy được. Dựa vào tình tiết này, nhiều nhà sản xuất đã tung ra chiêu quảng cáo, tiếp thị bằng các nhân viên nhỏ lẻ, đưa họ đến các quán nhậu, nhà hàng đông khách. Tại đây việc quản lý, giám sát cũng trở nên khó khăn hơn. Đây cũng là vấn đề mà báo chí đề cập rất nhiều, tuy nhiên để xử lý, giám sát vẫn còn nhiều bất cập.

Cùng chung quan điểm với ông Chính, luật sư Đăng Sơn (đoàn luật sư T.P Hà Nội) cho rằng, một lỗ hổng nữa trong Luật Quảng cáo mà Chính phủ ban hành, đó là việc quy định quảng cáo đối với các loại rượu có nồng độ cồn dưới 15 độ, sẽ được quảng cáo, tiếp thị như hàng hóa, dịch vụ bình thường, vì thế không hạn chế về đối tượng tiếp cận, nội dung, thời gian và không gian. Đây chính là lý do khiến cho đối tượng tiếp xúc với rượu, bia, ở lứa tuổi vị thành niên ở Việt Nam ngày một tăng lên và cổ súy cho hình thức quảng cáo theo hình thức nhỏ lẻ.

“Tăng cường quản lý độ tuổi người sử dụng, người sản xuất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng ý thức được tác hại của rượu, bia, thuốc lá đó không chỉ là ý thức, trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà là của toàn xã hội. Tuy nhiên, thực hiện các giải pháp đó như thế nào, thì cần phải có sự quyết tâm, chế tài mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng, Luật Quảng cáo phải hoàn thiện. Thế nhưng, trước khi thực hiện những chế tài ấy, cần phải dẹp bỏ các ông lớn trong ngành rượu, bia như Hennessy, Vodka, Chivas…khi họ vẫn ngang nhiên quảng cáo, tiếp thị thương hiệu thông qua các chương trình tổ chức sự kiện, tài trợ”, luật sư Sơn chia sẻ.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này