Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII:

Nghịch lý tiền lương và chi phí xe công

14:52 | 25/10/2015
Khi các đại biểu Quốc hội nhóm họp tại tổ bàn về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, thì câu chuyện nóng nhất vẫn là tại sao không có tiền chi tăng lương cơ bản theo lộ trình năm 2016. Nhưng cũng thời gian đó, Bộ Tài chính đã “mạnh dạn” công bố sự lãng phí trong sử dụng xe công.
Đại biểu trăn trở về kinh tế, xã hội nước nhà
Giảm bớt hội họp, tiêu xài là có tiền tăng lương
Thu hồi tài sản từ tham nhũng chưa tương xứng
Cho ý kiến về kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII
Nghịch lý tiền lương và chi phí xe công
Nhiều xe công đang được sử dụng lãng phí

Theo công bố của Bộ Tài chính hiện cả nước có đến 40 ngàn xe công, với chi phí bình quân khoảng 320 triệu đồng/xe/năm (lương lái xe, xăng xe, bảo trì bảo dưỡng xe...) mỗi năm ngân sách Nhà nước phải chi khoảng 12.800 tỷ đồng cho việc vận hành số xe này. Đây là số tiền không nhỏ trong điều kiện ngân sách đang gặp rất nhiều khó khăn.

Điều đáng nói hơn, dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định liên quan đến mua sắm, sử dụng xe công, song việc sử dụng xe công vẫn rất lãng phí. Quy định một đằng thực hiện một nẻo. Ví như chỉ có các chức danh bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phố, bộ trưởng, hàm bộ trưởng mới được sử dụng xe công đưa đón, nhưng trên thực tế nhiều bí thư, chủ tịch quận, huyện cũng đã sử dụng xe đưa, xe đón từ nhà đến nơi làm...

Gần 13 ngàn tỷ, một con số lớn chỉ để sử dụng vào việc vận hành xe công, trong khi trong vòng 2-3 năm qua Nhà nước vẫn loay hoay “tìm” khoảng vài chục ngàn tỷ cho việc tăng lương cơ bản nhưng vẫn chưa có. Và tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng một lần nữa thông báo: “Ngân sách năm 2016 khó có khả năng điều chỉnh cho việc tăng lương”.

Nghịch lý tiền lương và chi phí xe công
ĐB Đỗ Mạnh Hùng cho rằng khoán xe công sẽ tiết kiệm hơn

Trao đổi về vấn đề trên ĐB Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội cho biết, cá nhân ông hiện đang nhận khoán tiêu chuẩn xe công với mức kinh phí 10 triệu đồng/tháng. Việc nhận khoán xe, theo ông nhìn chung đáp ứng được yêu cầu đối với công việc. Khoán xe cũng thoải mái, chủ động, không nhất thiết cần phải có một xe công phục vụ riêng.

Và nếu so sánh chi phí tài chính, giữa mức khoán 10 triệu đồng/tháng cho người nhận khoán xe và mức chi phí 320 triệu đồng/xe/năm với người chọn xe công phục vụ, ĐB Hùng cho rằng nhìn chung, không chỉ riêng cá nhân ông, các cán bộ nhận khoán xe ở các cơ quan của Quốc hội đều thấy là việc này lợi cho ngân sách rất nhiều.

Nghịch lý tiền lương và chi phí xe công
Đa số công chức, viên chức hiện nay gánh nặng dịch vụ, phí đang đè lên vai họ

Đời sống nhân dân đang khó khăn, cộng đồng DN cũng đang oằn mình để lo tăng lương tối thiểu cho người lao động; những người về hưu, cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương ngân sách đang chờ tăng lương để cải thiện đời sống mà ngân sách không có khả năng, trong khi đó, xe công vẫn lãng phí thì thật khó chấp nhận.

Lê Hà


© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này