Tạo nguồn cán bộ chất lượng cho CĐCS

09:44 | 02/07/2015
Nâng cao chất lượng  hoạt động CĐCS, nhất là CĐCS ngoài nhà nước (NNN) được xem là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh, trong đó chất lượng cán bộ CĐCS là yếu tố quyết định, bởi cán bộ là cái gốc của phong trào. Thực tế, đội ngũ cán bộ CĐCS NNN ở Thủ đô ngày càng được nâng cao về trình độ nghiệp vụ hoạt động, năng lực chuyên môn và cũng hết lòng vì người lao động, tuy nhiên, họ vẫn gặp nhiều khó khăn…
Công đoàn thực sự là cầu nối giải quyết mọi bất đồng
Nghiên cứu lý luận và hoạt động khoa học trong tổ chức Công đoàn
Hiệu quả từ phong trào thi đua xây dựng gia đình tiêu biểu
Tập trung chăm lo người lao động, xây dựng tổ chức công đoàn

Tâm huyết nhưng còn nhiều trở ngại

Nói tới đội ngũ cán bộ CĐCS NNN trong các KCN&CX Hà Nội, nhiều người rất khâm phục anh Phạm Ngọc Bảo - từng là Phó Chủ tịch CĐ Cty TNHH TOTO (ở KCN Thăng Long-Hà Nội). Anh Bảo là một trong số những cán bộ CĐ tiêu biểu được Tổng LĐLĐ Việt Nam biểu dương lần đầu tiên. Khi còn làm cán bộ CĐCS, bằng nhiệt huyết với hoạt động CĐ và chữ “tâm” đối với NLĐ, anh Bảo đã dành 3 tháng ngoài giờ liên tục để xây dựng thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), rồi tổ chức lấy ý kiến của toàn thể CBCNVLĐ trong công ty. Sau đó, anh lại mất 2 tháng đàm phán liên tục và được ban giám đốc công ty chấp thuận đưa vào áp dụng. Những nội dung trong bản TƯLĐTT này có nhiều điểm, mang lại lợi ích thiết thực cho NLĐ. Đó là các quy định công nhân nghỉ thứ 7 nhưng không tăng giờ làm bù, giảm tổng giờ làm việc trong năm từ 2.383 giờ xuống còn 2.287 giờ/năm; tăng ngày nghỉ kết hôn lên 4 ngày; nghỉ chăm sóc vợ đẻ 2 ngày... Anh Bảo còn cùng BCH CĐ công ty giám sát, đảm bảo chất lượng bữa ăn cho NLĐ, góp phần nâng giá trị bữa ăn cho công nhân.

Tạo nguồn cán bộ chất lượng cho CĐCS
Cán bộ công đoàn phải gần gũi với NLĐ

Ngoài anh Bảo, còn nhiều tấm gương cán bộ CĐCS NNN tiêu biểu khác. Chẳng hạn như chị Lê Thị Thì, Chủ tịch CĐ Cty Nippon Paint Việt Nam, hay anh Nguyễn Đức Nhân, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Điện tử ASTI v.v... Đó là những cán bộ CĐCS luôn hết mình vì NLĐ, chứng tỏ được tài năng, tâm huyết, bản lĩnh của người cán bộ CĐ.

Những cán bộ CĐCS NNN tài năng, tâm huyết, nhưng chưa thực sự phát huy được vai trò của mình bởi còn gặp rất nhiều trở ngại. Hầu hết họ là cán bộ kiêm nhiệm, trong khi thời gian cho công việc chuyên môn luôn chiếm quá nhiều, khiến “lực bất tòng tâm”, không thể thu xếp được thời gian dành cho công tác CĐ. Thêm nữa, cũng do kiêm nhiệm, không có thời gian tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động CĐ nên chất lượng cán bộ CĐCS hiện chưa đồng đều, trình độ nghiệp vụ CĐ và kiến thức pháp luật, nhất là Luật Lao động, Luật CĐ còn hạn chế. Ngoài ra, do ăn lương của ông chủ, phụ thuộc vào ông chủ, nhiều cán bộ CĐ chưa được trang bị đầy đủ về bản lĩnh chính trị, kỹ năng đàm phán, đối thoại, ứng xử... với chủ DN và NLĐ, do vậy dù là Chủ tịch CĐCS nhưng thực chất họ chưa thực sự bảo vệ được các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho NLĐ.

Nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng đề án "Đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ đến năm 2020". Đây là nhiệm vụ chiến lược, là một khâu quan trọng của công tác cán bộ nhằm thực hiện tiêu chuẩn hóa cán bộ, tạo nguồn, nâng cao năng lực cán bộ và là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay của CĐ. Chiến lược này chia ra từng giai đoạn cụ thể, với mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Nhiệm vụ và giải pháp được chú trọng chính là việc bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, chính sách, lý luận nghiệp vụ, nội dung, phương pháp hoạt động cho CBCĐ, trong đó, gắn công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học.

Thực tế cho thấy, cán bộ CĐ không chỉ đóng vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, họ còn là người chịu trách nhiệm chia sẻ khó khăn với DN. Bằng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, cán bộ CĐ giải thích, thuyết phục chủ sử dụng lao động tạo điều kiện cho cán bộ CĐ hoạt động, tổ chức các phong trào thi đua lao động sản xuất, qua đó thúc đẩy NLĐ phấn đấu làm ra các sản phẩm đạt năng suất chất lượng cao, làm lợi cho DN. Cùng với đó, cán bộ CĐ vận động NLĐ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cán bộ CĐ cũng thường xuyên tham mưu, phối hợp với Đảng, chính quyền những phương án thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội phù hợp với mỗi nơi, ở từng thời điểm cụ thể. Vì thế, đòi hỏi cán bộ CĐ vừa phải có kiến thức chuyên môn sâu, vừa phải có kiến thức về pháp luật, kiến thức xã hội.

Về vấn đề đào tạo cán bộ CĐCS hiện nay, nhiều cán bộ CĐ cho rằng, việc đào tạo chưa đạt yêu cầu vì thời gian quá ngắn và chất lượng đào tạo chưa cao; cách quản lý hiện nay đang làm “nghiệp dư hóa” cán bộ CĐ. Sở dĩ có hiện tượng này là vì có một số đơn vị luân chuyển cán bộ CĐ quá nhiều. Do đó, việc chăm sóc cho NLĐ chỉ mới ở “phần ngọn”. Nghĩa là, nếu có sự việc xảy ra thì giải quyết, khắc phục chứ chưa chủ động chăm lo từ “gốc”. Cũng theo nhiều cán bộ CĐ, hiện nay công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ CĐCS đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do chủ DN không tạo điều kiện về thời gian cho cán bộ CĐ tham gia học tập, thậm chí, chính cán bộ CĐCS nhiều lúc không “mặn mà” với việc học để nâng cao nghiệp vụ. Các cán bộ CĐ kiến nghị, cần có chế tài buộc các DN phải tạo điều kiện cho cán bộ CĐCS tham gia các lớp đào tạo cán bộ CĐ; CĐ cấp trên cơ sở cần tăng cường vận động, thuyết phục cán bộ CĐCS đi học. Đồng thời, nhà nước cần sớm ban hành chế tài nhằm bảo vệ cán bộ CĐ trong trường hợp họ đứng ra đấu tranh, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.

Xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ tinh thông về nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật, có bản lĩnh và kinh nghiệm hoạt động, biết đấu tranh bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, góp phần xây dựng tổ chức CĐ ngày càng vững mạnh là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, cần có sự quan tâm phối hợp không chỉ của tổ chức CĐ mà còn từ các cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Phạm Kiều

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này