Xe buýt tiện thì có tiện nhưng còn nhiều bất cập

22:54 | 21/04/2015
Những năm gần đây,  diện mạo giao thông thủ đô đã có nhiều thay đổi, xe buýt ngày càng được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, sự lộng hành của xe buýt khiến đường đã tắc càng thêm tắc. Thêm vào đó thái độ phục vụ cửa quyền của một số lái phụ xe khiến hành khách không khỏi ái ngại...
Nỗi sợ hãi mang tên... xe buýt
Xe buýt nhanh: Hiện đại nhưng vẫn lo ngại
Đề xuất xe buýt dành riêng cho phụ nữ: Liệu có khả thi?
Hà Nội yêu cầu "xóa" nạn quấy rối tình dục trên xe buýt
Nâng cao kỹ năng cho lái xe buýt

Chờ xe “mỏi cổ”

Ai cũng biết, xe buýt được nhà nước trợ giá, bởi thế đối với sinh viên, học sinh đi xe buýt là thượng sách. Với cán bộ, công nhân viên chức, tiêu chí đúng giờ, giá vẻ rẻ, tiết kiệm, an toàn hơn xe máy... nên ngày càng có nhiều người lựa chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển.

Xe buýt tiện thì có tiện nhưng còn nhiều bất cập
Vào giờ cao điểm nhiều người không thể chen chân lên được xe buýt

Bạn Đào Văn Sơn (nhà ở phường Yên Nghĩa, Hà Đông) hiện đang là sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Xây dựng Hà Nội tâm sự, việc Xí nghiệp xe buýt Hà Nội quyết định tăng chuyến, và đẩy tuyến bến xe buýt ra khu vực Bến xe Yên Nghĩa, thuận lợi hơn rất nhiều cho sinh viên, học sinh, thậm chí cả những người đi làm ở khu vực Hà Đông trong việc có thêm phương tiện để lựa chọn khi di chuyển.

Tuy nhiên, chia sẻ về lý do không lựa chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển của mình, bác Nguyễn Phúc Nguyên (54 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: "Trước đây cũng thường xuyên sử dụng xe buýt, nhưng gần đây tôi phải quay lại xe máy vì xe buýt thường bỏ chuyến chậm chuyến.

Thêm vào đó, chất lượng và thái độ phục vụ của tài xế, phụ xe đôi khi khiến nhiều người khó chịu. Nhiều xe tài xế, phụ xe quát tháo hành khách, coi xe buýt như xe cá nhân của mình.

Xe buýt tiện thì có tiện nhưng còn nhiều bất cập

Xe buýt lúc thì đến dồn dập lúc thì khiến người dân chờ mỏi cổ

“Tôi là sinh viên trường Đại học sư phạm trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy. Mặc dù là người thường xuyên đi xe buýt, và cố gắng chọn những thời điểm sớm, hoặc muộn hơn để bắt xe. Nhưng đôi khi tôi vẫn phải đợi 3 – 4 chuyến mới lên được xe. Thậm chí, mỗi khi một chiếc xe buýt đỗ vào trạm, là hàng chục sinh viên, học sinh, người đi làm chạy vội vàng lên xe. Nếu chỉ cần chậm chân một chút là rất có thể sẽ phải đợi thêm một vài chuyến nữa mới may mắn lên xe được. Thậm chí có khi chen được lên xe cũng còn phải nghe sự “cằn nhằn” của phụ xe hoặc lái xe một hồi như: "con kia, thằng kia, không còn chỗ mà còn cố leo lên...". Thậm chí nhiều anh phụ xe thô lỗ còn ngăn hành khách không cho lên xe, rồi vội vàng kêu lái xe đóng cửa lại”, bạn Thu Huyền chia sẻ.

Vào giờ cao điểm, khi xe tới, từng đoàn người ồ ạt chạy theo với mong muốn được lên xe. Người kém may mắn hoặc chậm chân thì đành ở lại đợi chuyến sau. Người may mắn hơn lên được xe, thì cũng đành ngậm ngùi phải đứng chen chúc và luôn trong cảnh đứng một chân... Những hành vi trên đã làm nhiều người dị ứng với xe buýt.

“Ma trận” xe buýt

Vào những giờ cao điểm, khi lưu thông trên các tuyến đường như :Nguyễn Trãi, Tây Sơn, Chùa Bộc, Lê Duẩn, Xuẩn Thủy, đường Láng…người tham gia giao thông thường thấy hình ảnh những chiếc xe buýt dàn hàng ngang khiến cho đường tắc càng thêm tắc và hỗn loạn.

Nhiều người cho rằng “vấn nạn” tắc đường cũng có nguyên nhân từ xe buýt. Việc xe buýt chạy lấn đường, nối đuôi nhau khiến nhiều tuyến phố vừa nhỏ vừa hẹp như Đại La triền miên ắc tắc cục bộ. Vẫn biết, xe buýt được ưu tiên, đi vào đường ngược chiều, được trợ giá của nhà nước, nhưng thiết nghĩ đã vi phạm luật giao thông thì phải xử phạt như nhau.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này