Nhiệm kỳ mới, thành tựu mới

08:47 | 13/02/2024
(LĐTĐ) Với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển” và tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, Đại hội XVII Công đoàn thành phố Hà Nội đã thống nhất các mục tiêu, chỉ tiêu và khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, đánh dấu sự khởi đầu của một nhiệm kỳ hứa hẹn nhiều bứt phá và thành công.
Kỳ vọng nhiệm kỳ mới nhiều dấu ấn mới Kỳ vọng Công đoàn Thủ đô tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong nhiệm kỳ mới Nhiệm kỳ mới, thành công mới

Xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, khâu đột phá

Bước vào nhiệm kỳ mới, phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn Thủ đô đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen, nhất là khi Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục phát triển mạnh mẽ... Trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng những cơ hội và thách thức trong thời gian tới, Đại hội XVII Công đoàn thành phố Hà Nội đã thống nhất các mục tiêu, chỉ tiêu và khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Nhiệm kỳ mới, thành tựu mới
Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, diễn ra từ ngày 16 - 17/10/2023 với sự tham gia của 550 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và niềm tin của trên 664.000 đoàn viên Công đoàn Thủ đô. Ảnh: Mai Quý

Trong đó, mục tiêu tổng quát cả nhiệm kỳ là: “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; tập trung đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho đoàn viên, người lao động; thu hút, tập hợp người lao động, phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, là chỗ dựa tin cậy, là tổ chức đại diện lớn nhất của người lao động; góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, và căn cứ vào điều kiện thực tế cũng như những dự báo trong 5 năm tới, Đại hội XVII Công đoàn thành phố Hà Nội đã xác định 10 nhóm chỉ tiêu. Trong đó, chỉ tiêu hằng năm là: 90% đoàn viên, người lao động được tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến lao động và công đoàn; Công đoàn tham gia thúc đẩy để ít nhất 75% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. 100% Công đoàn cơ sở khu vực hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp khu vực Nhà nước và có ít nhất 80% Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước tham gia với người sử dụng lao động xây dựng, thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bình quân mỗi Công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất 1 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp.

Phát biểu bế mạc Đại hội XVII Công đoàn thành phố Hà Nội, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh nhấn mạnh: Các nội dung được thông qua tại Đại hội là những văn kiện quan trọng, kết tinh trí tuệ, tâm huyết của toàn thể đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và các cấp Công đoàn Thủ đô; là sự tổng kết thực tiễn hoạt động công đoàn trong những năm qua để tiếp tục đổi mới và phát triển trong 5 năm tới.

Trên 90% cán bộ Công đoàn được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ công tác công đoàn; 100% Chủ tịch Công đoàn cơ sở tham gia lần đầu được đào tạo, bồi dưỡng với hình thức phù hợp. Trên 90% Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đạt tiêu chuẩn xếp loại hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 90% trở lên Công đoàn cơ sở khu vực Nhà nước, 55% trở lên Công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 100% Công đoàn cơ sở khu vực Nhà nước, 90% trở lên Công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước thành lập Ban Nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. 100% đơn vị thực hiện hoàn thành và vượt các chỉ tiêu dự toán thu, chi tài chính công đoàn; 100% Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện việc kiểm tra tài chính cùng cấp đúng tiến độ và ít nhất 10% Công đoàn cơ sở doanh nghiệp được Công đoàn cấp trên kiểm tra, giám sát về tài chính công đoàn; 100% Công đoàn cơ sở thực hiện công khai tài chính hàng năm.

Phấn đấu đến hết nhiệm kỳ, toàn Thành phố có 1 triệu đoàn viên Công đoàn, hoàn thành trước 2 năm chỉ tiêu Kế hoạch số 35-KH/TU ngày 28/7/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Có 85% các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn thương lượng, ký kết được Thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật. Ít nhất 90% số vụ việc của đoàn viên có yêu cầu tổ chức Công đoàn tư vấn, tranh tụng về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng sẽ có đại diện Công đoàn tham gia hoặc được Công đoàn hỗ trợ.

Đại hội XVII Công đoàn thành phố Hà Nội đã đề ra 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2023 - 2028, gồm: Xây dựng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là Chủ tịch Công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời giờ làm việc. Từng bước chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính công đoàn.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, Đại hội XVII Công đoàn thành phố Hà Nội đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đó là, nâng cao vai trò đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động thông qua việc nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, nhất là các chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động như: Chính sách việc làm, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, nhà ở và các thiết chế phục vụ đoàn viên, người lao động; tham gia xây dựng các nội dung, quy chế tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp...; nâng cao số lượng, chất lượng thương lượng, ký kết và tăng cường giám sát thực hiện Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp; nâng cao chất lượng hoạt động chăm lo về vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động theo hướng đảm bảo quyền an sinh xã hội.

Nhiệm kỳ mới, thành tựu mới
Các đại biểu dự Đại hội XVII Công đoàn thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2023 - 2028, biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội. Ảnh: Mai Quý

Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của đoàn viên và người lao động. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng là đoàn viên, người lao động ở doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đổi mới cách thức tiếp cận cơ sở, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục gắn với điều kiện thực tiễn người lao động, chú trọng công tác định hướng thông tin trên Internet, Báo Lao động Thủ đô và Bản tin sinh hoạt Công đoàn cơ sở. Đổi mới nội dung, hình thức phát động và tổ chức trong đoàn viên, người lao động tham gia các phong trào: “Học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp”, “Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở”, “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp”, “Xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa”.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô”; vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tích cực tham gia các phong trào thi đua; xây dựng tiêu chí, nội dung, cách thức tổ chức thi đua, khen thưởng phù hợp với các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và có 100% vốn đầu tư nước ngoài; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả; chú trọng xây dựng và nhân rộng, tuyên truyền lan tỏa các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua.

Đổi mới phương thức hoạt động Công đoàn, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, quan tâm thu hút tập hợp người lao động, phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Trong đó, đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng lấy cơ sở là địa bàn hoạt động, lấy đoàn viên và người lao động là trung tâm để tổ chức Công đoàn thực sự là của đoàn viên, người lao động; tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện các đề án thí điểm, các mô hình mới nhằm hỗ trợ công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở và xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh; đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ công đoàn, chú trọng tập huấn về kỹ năng phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, kỹ năng đối thoại, thương lượng, đàm phán; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên từ nguồn đoàn viên công đoàn, góp phần vào việc thành lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp và nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng tại cơ sở.

Nhiệm kỳ mới, thành tựu mới
Trong nhiệm kỳ mới, các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục tập trung đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Ảnh: Mai Quý

Nâng cao chất lượng hoạt động nữ công, góp phần chăm lo, xây dựng đội ngũ nữ đoàn viên và người lao động trong tình hình mới thông qua việc thúc đẩy thành lập, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng Công đoàn cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Trong đó, tập trung kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam cùng cấp và cấp dưới; kiểm tra công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn; chủ động nắm tình hình, tìm hiểu và phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, các quy định của Công đoàn. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn về công tác tài chính công đoàn nhằm đưa công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn vào nề nếp, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, thực hiện đúng chế độ quản lý của Nhà nước và hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Phát biểu bế mạc Đại hội XVII Công đoàn thành phố Hà Nội, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh nhấn mạnh: Các nội dung được thông qua tại Đại hội là những văn kiện quan trọng, kết tinh trí tuệ, tâm huyết của toàn thể đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và các cấp Công đoàn Thủ đô; là sự tổng kết thực tiễn hoạt động công đoàn trong những năm qua để tiếp tục đổi mới và phát triển trong 5 năm tới. Đại hội đã khép lại nhưng cũng bắt đầu mở ra một chặng đường mới - chặng đường phát triển đầy mạnh mẽ, đầy cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đối với các cấp Công đoàn, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô. Với tinh thần “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, chắc chắn kết quả của Đại hội sẽ là động lực tinh thần to lớn, cổ vũ, động viên mỗi đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và các cấp Công đoàn Thủ đô tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung, phương thức hoạt động, vì quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh.

Mạnh Quân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này