Hà Nội: Phản biện xã hội đối với một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn

16:22 | 06/06/2023
(LĐTĐ) Sáng 6/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố quy định một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị.
Đảm bảo tính răn đe khi xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa Mặt trận tổ chức phản biện xã hội dự án Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thời gian qua, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành một số Nghị quyết khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội... Tuy nhiên, một số nội dung của chính sách triển khai còn chậm.

Hà Nội: Phản biện xã hội đối với một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương phát biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức như thiên tai, dịch bệnh, đồng thời thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn một cách đồng bộ. Việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp còn thấp, các liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm còn ít. Do đó, việc tiếp tục ban hành một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hà Nội là rất cần thiết.

Theo đó, mục tiêu ban hành chính sách sẽ góp phần hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2025 và những năm tiếp theo, cụ thể như: Thu nhập bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị ngành nông nghiệp bình quân từ 2,5-3%/năm. Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 70%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 30%. Tỷ lệ giá trị sản xuất trồng trọt tăng 0,4-0,7%/năm trở lên; tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 30-40%...

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chính sách trên địa bàn Thành phố là khoảng hơn 1.101 tỷ đồng/năm. Trong đó, ngân sách Thành phố 294,3 tỷ đồng/năm. ngân sách cấp huyện 47,28 tỷ đồng/năm, nguồn kinh phí đối ứng từ các tổ chức, cá nhân 759,886 tỷ đồng/năm.

Góp ý tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật cho biết ông cơ bản tán thành nội dung, trong số 11 nhóm nội dung chính được hỗ trợ khá thiết thực, bao gồm nội dung cơ bản, nhất là giống, bảo vệ thực vật, nâng cao kiến thức người lao động, cơ giới hóa giải phóng sức lao động người nông nghiệp…

Tuy nhiên, theo ông Thảo, dự thảo tờ trình cần bổ sung làm rõ hơn những nét chính về thực trạng nền nông nghiệp Hà Nội ra sao trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 10; đề nghị xem xét bổ sung quan điểm, mục tiêu đề ra hoặc đặt vào mục riêng để nhấn mạnh; đề nghị xem xét căn cứ nào để có chính sách hỗ trợ như tờ trình; nông nghiệp và nông thôn Hà Nội có thể tự chủ được không, mã hóa thế nào, thị trường, thị phần cần làm rõ hơn…

Hà Nội: Phản biện xã hội đối với một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn
Ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật góp ý tại Hội nghị.

Còn theo TS Nguyễn Hùng Cường, Viện Quy hoạch Thiết kế Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Hà Nội nên đi trước một bước để phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh. Thành phố có tiềm năng lớn về phân bón hữu cơ từ rơm, rạ hàng nghìn tấn mỗi năm. Thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phát hành cuốn sổ tay hướng dẫn thu gom, xử lý và tái sử dụng rơm rạ.

TS Nguyễn Hùng Cường cũng cho rằng, Hà Nội cần có những đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy hoạch mới. Hà Nội là đất trăm nghề, cần làm rõ du lịch trải nghiệm hiệu quả, thực hiện như thế nào. Hiện nay, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã có kế hoạch phát triển du lịch làng nghề, tuy nhiên, cần có một chương về đào tạo, phát triển bảo tồn làng nghề thủ công truyền thống để xứng với nền văn hiến Thủ đô.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cảm ơn và ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc của các đại biểu đã đóng góp tại hội nghị; đồng thời cho rằng, các ý kiến đều khẳng định rõ vai trò, vị trí của nông nghiệp Thủ đô, tiềm năng của nông nghiệp Thủ đô cũng như quyết tâm của lãnh đạo Thành phố khi thực hiện việc này.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương thống nhất cao với 11 chính sách để khuyến khích phát triển nông nghiệp, trong đó, có những chính sách đã có, khẳng định nét đặc thù hơn, tập trung hơn của Thành phố. Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết đã tiếp cận với Luật Thủ đô sửa đổi, tránh sự trùng lắp, chồng chéo, mâu thuẫn chính sách.

"Ngay sau Hội nghị này, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố sẽ tổng hợp, chắt lọc, cập nhật các nội dung cần thiết để gửi đến cơ quan soạn thảo Nghị quyết", bà Nguyễn Lan Hương cho biết.

Minh Huế

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này