Tăng tốc nông nghiệp số

17:43 | 21/03/2023
(LĐTĐ) Xác định tầm quan trọng và sự đóng góp của nông dân địa phương và nông nghiệp tuần hoàn, việc chuyển đổi sang các hoạt động canh tác quy mô lớn từ các hộ canh tác nhỏ cần được thúc đẩy tích cực hơn.
Hiệu quả từ việc dồn điền, đổi thửa Nông dân huyện Đan Phượng hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp số Chinh phục “nông nghiệp số” để làm giàu

Có thể thấy, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, trong đó nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Nhưng trước những yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với các điều kiện mới bằng cách ứng dụng công nghệ thông minh trong hoạt động sản xuất.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp thường niên 2023, ông David John Whitehead, Chủ tịch Tập đoàn Mavin, đại diện Nhóm công tác nông nghiệp cho biết, đại dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều sự thay đổi trong cấu trúc thị trường ngành nông nghiệp, có thể kể đến như việc nhiều mặt hàng trái cây và gạo của Việt Nam đã thành công thâm nhập vào thị trường châu Âu, nơi Thái Lan đã từng thống trị trước đây.

Tăng tốc nông nghiệp số
Ảnh minh họa: Bảo Thoa

Năm 2023, Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa thị trường, định hướng các sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu về an toàn thực phẩm, hoàn thiện hiệu quả các hoạt động sau thu hoạch trong đó có khâu đóng gói. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp trong năm 2023”, ông David John Whitehead nhấn mạnh.

Cùng với đó, đại diện Nhóm công tác nông nghiệp cũng cho rằng, lạm phát tăng cao tại các thị trường xuất khẩu bao gồm Mỹ và châu Âu đã làm giảm nhu cầu thủy sản kể từ quý 4 năm 2022, xu hướng này có thể kéo dài đến quý 1 năm 2023. Tuy nhiên, dự kiến trong nửa cuối năm 2023, kinh tế thế giới sẽ phục hồi, nhu cầu thủy sản ngày càng tăng.

Các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã mang lại lợi ích đáng kể cho ngành thủy sản trong nước, xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP trong năm 2022 đã tăng 30%, chiếm 27% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.Năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt kỷ lục 7 triệu tấn và các hợp đồng mua bán gạo sẽ được duy trì đến đầu năm 2023 do giá cao.Nhờ tăng cường các biện pháp kiểm soát chất lượng, nông sản Việt Nam đã tiếp cận được nhiều thị trường khó tính. Nông dân và doanh nghiệp cũng đã xem xét phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng.

Dự kiến trong năm 2023 và những năm tiếp theo, các yêu cầu của thị trường sẽ trở nên khắt khe hơn, buộc toàn ngành phải đổi mới, nâng cao khả năng thích ứng và xác định chính xác các cơ hội để xây dựng một ngành nông nghiệp bền vững, chú trọng đến trách nhiệm đối với môi trường, đồng thời tập trung vào nông nghiệp tuần hoàn như một phần của nền kinh tế tuần hoàn.

Ông David John Whitehead cũng dự báo, năm 2023 sẽ tập trung vào kinh tế nông thôn với nhiều việc làm mới được tạo ra, thúc đẩy hoạt động của các hợp tác xã, phát triển OCOPvà quảng bá du lịch nông nghiệp.Tất cả sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài được thỏa sức đổi mới sáng tạo khi tham gia ngành nông nghiệp tại Việt Nam.

Ngành nông nghiệp cần đưa ra các ý tưởng mới, các khái niệm thông minh, mô hình canh tác sáng tạo, số hóa, công tác hậu cần (logistics) hiệu quả hơn và tập trung nhiều hơn vào nông nghiệp tuần hoàn và trách nhiệm với môi trường.

“Các ứng dụng mới trong nông nghiệp thường được dựa trên các kiến thức hoặc kinh nghiệm canh tác truyền thống. Học tập theo các giá trị truyền thống không có nghĩa chúng ta sẽ đưa ngành nông nghiệp tuần hoàn đi thụt lùi; thay vào đó, các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, robot hóa và canh tác chính xác sử dụng dữ liệu vệ tinh và máy bay không người lái cũng sẽ đóng một vai trò lớn trong các trang trại của tương lai.Một trong những định hướng phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 là phát triển nông nghiệp dựa trên chuyển đổi số và gắn kết thị trường trong nước và quốc tế.

Vì vậy, nông nghiệp Việt Nam cần ứng dụng các công nghệ tiên tiến và chuyển đổi số để tạo được bước ngoặt trong sản xuất kinh doanh ngành nông nghiệp, chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp truyền thống sang nền kinh tế nông nghiệp dựa trên khoa học công nghệ và chuyển đổi số, bao gồm cơ chế tuần hoàn nông nghiệp”, đại diện Nhóm công tác nông nghiệp nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Mavin, nhận thức được tầm quan trọng và sự đóng góp của nông dân địa phương và nông nghiệp tuần hoàn, việc chuyển đổi sang các hoạt động canh tác quy mô lớn từ các hộ canh tác nhỏ cần được thúc đẩy tích cực hơn - cải thiện việc quản lý chất lượng, giảm thiểu tối đa ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng, góp phần cải thiện truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn.Cũng cần đặt ra một động lực tăng tốc trong việc chuyển đổi số kết hợp cùng Nông nghiệp thông minh, cho phép việc quản lý nguồn nước, thức ăn, phân bón, truy xuất nguồn gốc và quản lý chất thải tốt hơn.

Bên cạnh đó cần cải thiện quản lý chuỗi cung ứng và logistic để không chỉ thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa và nguyên vật liệu trong nước với giá cả hợp lý và hiệu quả hơn giữa các tỉnh thành và các đầu mối và trung tâm phân phối.Tất cả điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam từ các công ty trong và ngoài nước sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế và có thể đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và kiểm dịch thực vật nghiêm ngặt khác, bao gồm khâu truy xuất nguồn gốc và đóng gói.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này