Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề Trung Hiếu Đền Đồng Cổ

17:59 | 15/03/2023
(LĐTĐ) Ngày 15/3, tại di tích Đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ) Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tây Hồ tổ chức tọa đàm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề Trung Hiếu Đền Đồng Cổ.
Câu chuyện thú vị về sự hồi sinh của Văn Miếu - Quốc Tử Giám giai đoạn 1898-1954 Bất động sản gắn với bảo tồn di sản: Nền tảng của đô thị bền vững Ma nhai Ngũ Hành Sơn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Dự toạ đàm có các đồng chí lãnh đạo Cục Di sản - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội; lãnh đạo quận Tây Hồ và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề Trung Hiếu Đền Đồng Cổ
Toàn cảnh toạ đàm

Phát biểu khai mạc toạ đàm, bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội cho biết: Với lợi thế riêng có của Thủ đô Hà Nội, là nơi hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Từ giai đoạn 2013 - 2016, thành phố Hà Nội thực hiện Đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội” với tổng số 1.793 di sản văn hóa phi vật thể được nhận dạng, kiểm kê và bước đầu tư liệu hóa phân loại theo 6 loại hình.

Hiện nay, Hà Nội có 31 di sản văn hóa phi vật thể đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 4 di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

“Cùng với dòng chảy lịch sử và đóng góp quan trọng vào kho tàng di sản văn hóa đồ sộ của Thủ đô và đất nước, không thể không nhắc đến hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của quận Tây Hồ, tiêu biểu là Di tích quốc gia Đền Đồng Cổ. Trải qua năm tháng ngôi Đền đã chứng kiến biết bao thăng trầm biến cố của lịch sử. Tại ngôi Đền đã phát khởi Lời thề Trung Hiếu. Lễ hội Đồng Cổ, Lời thề Trung Hiếu là biểu hiện của sức mạnh vật chất, tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề Trung Hiếu Đền Đồng Cổ
Bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội phát biểu khai mạc toạ đàm

Lễ hội có ý nghĩa giáo dục đạo đức và truyền thống dân tộc sâu sắc của Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến. Với ý nghĩa đó, tọa đàm là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước cùng cộng đồng địa phương trao đổi, nhận diện giá trị di sản Hội thề Trung Hiếu Đền Đồng Cổ và định hướng trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của lễ hội”, bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội chia sẻ.

Phát biểu tại toạ đàm, ông Nguyễn Đình Khuyến - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: “Chúng tôi cùng những người dân địa phương đang lưu giữ di sản luôn trân trọng, tự hào với truyền thống lịch sử của địa phương. Đồng thời cũng luôn xác định rõ trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Tây Hồ trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề Trung Hiếu Đền Đồng Cổ
Ông Nguyễn Đình Khuyến - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ phát biểu tại toạ đàm.

Để hướng tới kỷ niệm 995 năm Lễ hội Đền Đồng Cổ, quận Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch kỷ niệm với nhiều hoạt động ý nghĩa, phong phú nhằm góp phần tuyên truyền, quảng bá về giá trị của di sản và ý nghĩa của Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ, nâng cao ý thức của người dân, khách du lịch trong việc bảo vệ di sản để giữ gìn truyền thống văn hóa, lịch sử ngàn năm. Quận Tây Hồ đã xây dựng hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ phường Bưởi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia”, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến khẳng định.

Tại tọa đàm, lãnh đạo Cục Di sản; Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa trao đổi, làm rõ giá trị của di sản Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ, định hướng cho công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản.

Theo đó nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh di sản vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng kịch bản lễ hội chi tiết, xác thực theo truyền thống; kết nối điểm đến di sản với các di sản trong khu vực nhằm kích cầu du lịch văn hóa; tăng cường giáo dục truyền thống cho các thế hệ…

Đền Đồng Cổ (phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ) được xây dựng năm 1028, thời Lý. Ngôi đền thờ thần Trống Đồng linh thiêng, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử năm 1992.

Đền Đồng Cổ gắn liền với hội thề “Trung hiếu” là nét văn hoá độc đáo và đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Mặc dù Đền Đồng Cổ (phường Bưởi) không phải là nơi gốc tích thờ Thần Đồng Cổ, bởi nơi Đền thờ Thần Đồng Cổ ở Núi Đồng Cổ, xã Đan Nê, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa tuy nhiên chỉ ở Đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ) mới có Hội thề Trung hiếu. Một lễ hội duy nhất, độc đáo và có giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ tính cách Việt Nam, truyền thống Việt Nam.

Xưa kia, Hội thề Trung Hiếu Đền Đồng Cổ là một trong những lễ hội lớn và quan trọng của Triều đại Lý, kể từ năm 1028, khi Vua Lý Thái Tông cho dựng đàn thề, khởi xướng lễ thề với mục đích răn dạy các quần thần tướng sĩ và con dân trong thiên hạ.

Ngày nay, cứ tới ngày mùng 4 tháng Tư âm lịch hàng năm, chính quyền và nhân dân làng Đông Xã, phường Bưởi, quận Tây Hồ lại nô nức mở hội. Tham gia lễ hội không chỉ có dân vùng Bưởi mà còn có đông đảo bà con các vùng khác.

N.Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này