Thanh Trì:

Chợ văn minh thương mại thu hút tiểu thương

20:22 | 29/12/2022
(LĐTĐ) Thanh Trì là huyện ven đô với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, hạ tầng giao thông cơ bản được đầu tư đồng bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, cung ứng hàng hóa, thu hút nhiều tiểu thương các các vùng ngoại thành Hà Nội vào kinh doanh tại chợ.
Người dân, tiểu thương chung tay giảm rác thải nhựa Hà Nội: Không có tình trạng tiểu thương găm hàng tăng giá Ngày đầu chùa Hương chính thức mở cửa trở lại: Du khách, tiểu thương vui mừng Sơn Tây: Tuyên truyền phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại chợ Nghệ

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn huyện Thanh Trì năm 2022, bà Nguyễn Thị Tuyết Anh - Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết: Trong năm 2022, Đoàn kiểm tra liên ngành Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì đã thực hiện đánh giá đối với 10 chợ được Ủy ban nhân dân các xã đánh giá đạt tiêu chí văn minh thương mại, gồm: Chợ Yên Xá, chợ Tứ Hiệp, chợ Lưu Phái, chợ Thanh Liệt, chợ Tam Hiệp, chợ Yên Mỹ, chợ Quỳnh Đô, chợ Tựu Liệt, chợ Tương Chúc, chợ Tân Lập.

Theo kết quả đánh giá và thẩm định của Đoàn liên ngành, chợ Thanh Liệt được Ủy ban nhân dân huyện công nhận chợ đạt tiêu chí “Chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm” năm 2022. Nội quy hoạt động tại các chợ đạt 100%; công tác phân hạng chợ, phê duyệt phương án giá sử dụng diện tích bán hàng, công tác phê duyệt Phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng đạt 90,9%.

Hoạt động của các chợ trên địa bàn đã mang lại công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều người lao động, một số chợ kinh doanh tốt số lượng người buôn bán trong chợ tăng lên nhiều so với các năm trước đây. Góp phần tăng mức lưu chuyển hàng hóa, tăng thu cho ngân sách địa bàn, thuận tiện cho việc mua bán đáp ứng nhu cầu của dân cư.

Việc hình thành mạng lưới thương mại trên địa bàn đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động. Tổng số tiểu thương hiện đang kinh doanh tại 22 chợ có khoảng 1.992 hộ. Trong đó 60% tiểu thương của huyện Thanh Trì; tăng 155% so với năm 2015. Doanh thu bình quân đạt khoảng 50-80 triệu đồng/tháng/tiểu thương, thu nhập bình quân từ 10-15 triệu đồng/tháng/tiểu thương.

Chợ văn minh thương mại thu hút tiểu thương
Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì trao Quyết định công nhận chợ đạt tiêu chí “Chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm” năm 2022 đối với chợ Thanh Liệt.

Huyện Thanh Trì đã triển khai hoàn thành công tác chuyển đổi mô hình quản lý cho doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý kinh doanh, khai thác. Các đơn vị quản lý chợ có ý thức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác quản lý chợ, phương án sắp xếp, bố trí ngành hàng kinh doanh, thực hiện thu giá dịch vụ tại chợ theo đúng quy định; niêm yết công khai nội quy hoạt động chợ; công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự tại chợ theo quy định của pháp luật.

Công tác an toàn thực phẩm tại chợ từng bước được thực hiện tốt hơn, 100% các hộ tiểu thương ký cam kết an toàn thực phẩm và được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; nhận thức của người dân về thực phẩm an toàn được nâng cao. Công tác phòng cháy chữa cháy đã được Ban quản lý các chợ quan tâm, 12/22 chợ đã được thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy, 5/22 chợ đã được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. Công tác tuyên truyền, tập huấn về phòng cháy được quan tâm và triển khai định kỳ hàng năm. Thực hiện 100% các chợ trên địa bàn huyện hoàn thành công tác chuyển đổi mô hình quản lý cho doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý kinh doanh, khai thác.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì ghi nhận những kết quả thực hiện công tác quản lý Nhà nước về chợ của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh: Trong thời gian tới, các xã, thị trấn cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động chợ; tiếp tục thực hiện các nội dung quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm được giao.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn giải tỏa và duy trì giải tỏa, xử lý dứt điểm các điểm bán hàng rong không đảm bảo quy định, không để tồn tại, tạo công bằng cho các tiểu thương kinh doanh trong chợ hoạt động hiệu quả hơn. Tiếp tục triển khai Đề án quản lý các cửa hàng kinh doanh an toàn thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 nhằm quản lý, đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trong chợ.

Trong đó tập trung tuyên truyền vận động các hộ kinh doanh các sản phẩm an toàn, có các trang thiết bị đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định. Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho các cơ sở kinh doanh trong chợ, cấp Giấy chứng nhận/ký cam kết đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các đơn vị kinh doanh thực phẩm trong chợ; bố trí các điểm kinh doanh rau, thực phẩm an toàn tại các chợ…

Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ công tác hoạt động tại các chợ như: an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy. Tuyên truyền vận động người dân kinh doanh đúng nơi quy định. Tiếp tục tổ chức đánh giá chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm tại các chợ.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này