Đánh giá đúng thực tế tình hình công nhân, viên chức, lao động để hoạch định chính sách hiệu quả

16:49 | 26/11/2022
(LĐTĐ) Sáng 26/11, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tổ chức Hội thảo khoa học tình hình công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) giai đoạn 2018-2023 và dự báo tình hình, yếu tố tác động giai đoạn 2023-2028. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải chủ trì Hội thảo.
Công đoàn cần tập trung làm tốt vai trò đại diện cho người lao động Chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực đại diện cho đoàn viên, người lao động Công đoàn cần khẳng định vai trò trong đối thoại, thương lượng tập thể và bảo vệ người lao động

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) nhận định: Những năm tới, công nhân, lao động trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước sẽ tăng mạnh, một bộ phận tiếp tục được nâng cao về trình độ cùng xu hướng trí thức hóa công nhân. Sự chuyển đổi quan trọng này vừa là nguồn dồi dào phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, song cũng đặt lên vai tổ chức Công đoàn Việt Nam nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Đánh giá đúng thực tế tình hình công nhân, viên chức, lao động để hoạch định chính sách hiệu quả
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải chủ trì Hội thảo. Ảnh: B.D.

Hoạt động công đoàn sẽ tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp, đơn vị ngoài khu vực Nhà nước. Quan hệ chủ - thợ định hình rõ nét, một số phương thức hoạt động truyền thống của tổ chức Công đoàn ở cơ sở không còn phù hợp trong bối cảnh mới, đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương hoạt động công đoàn.

Cũng theo TS Vũ Minh Tiến, tính chất của quan hệ lao động sẽ tiếp tục thay đổi về chất theo cơ chế thị trường, làm cho hoạt động công đoàn phải thay đổi theo. Thời gian tới, quan hệ lao động mang tính làm công hưởng lương, lao động làm thuê, sẽ tiếp tục phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Yếu tố chủ - thợ và sự khác biệt lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động sẽ ngày càng rõ nét. Tình trạng bóc lột, ức hiếp người lao động chưa có dấu hiệu giảm. Đây sẽ là những đặc điểm rất đáng quan tâm đối với việc hoạch định chính sách về quan hệ lao động.

Những hình thức mới của quan hệ việc làm và sự gia tăng nhanh chóng của lao động di cư (cả thế hệ thứ nhất và thứ hai) cũng sẽ là những yếu tố làm cho quan hệ lao động trong thời gian tới trở nên phức tạp, đa dạng, khó nhận biết và khó điều chỉnh hơn.

Đánh giá đúng thực tế tình hình công nhân, viên chức, lao động để hoạch định chính sách hiệu quả
Ông Bùi Đình Bôn - Hội đồng lý luận Trung ương trình bày quan điểm tại Hội thảo. Ảnh: B.D.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia đã phân tích, thảo luận về tình hình CNVCLĐ và đưa ra một số dự báo cũng như những yếu tố trong, ngoài nước tác động đến đối tượng này trong giai đoạn 2023 - 2028.

Trao đổi tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng - Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Cần đánh giá về số lượng, chất lượng và cơ cấu; việc làm, thu nhập, nhà ở, điều kiện sống của CNVCLĐ; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tình hình thực hiện pháp luật lao động, tranh chấp lao động và đình công; đánh giá đào tạo lao động, trình độ nghệ nghiệp của CNVCLĐ; cần có phân tách rõ giai đoạn trước, trong và sau đại dịch… để từ đó xem xét, đề xuất hoạch định chính sách.

Từ thực tế đời sống CNLĐ hiện nay, tại các khu công nghiệp và chế xuất, nhất là sau những tác động của đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đề nghị: Tổng LĐLĐ Việt Nam cần kiến nghị với Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, chăm lo cho CNLĐ về: Nhà ở và các thiết chế văn hóa phục vụ cho CNLĐ bởi hiện nay còn quá thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Ví như tại Khu Công nghiệp Thăng Long có hơn 6 vạn lao động, nhưng mới có 1 khu nhà dành cho CNLĐ, đáp ứng được nhu cầu của hơn 1 vạn người. Thứ hai, có chính sách đào tạo và đào tạo lao động qua trường lớp để có chuyên môn, kỹ năng nghề đáp ứng đòi hỏi của giai đoạn mới. Thứ ba, cần quan tâm chính sách giáo dục, tạo điều kiện cho con CNLĐ ngoại tỉnh làm việc tại Khu Công nghiệp được theo học trường công.

Đánh giá đúng thực tế tình hình công nhân, viên chức, lao động để hoạch định chính sách hiệu quả
Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội kiến nghị cần quan tâm một số chính sách dành cho CNLĐ. Ảnh: B.D.

Trao đổi quan điểm tại Hội thảo, ông Bùi Đình Bôn - Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, cần quan tâm đến một số vấn đề liên quan đến CNVCLĐ như: Nhà ở, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thiết chế văn hóa (cụ thể là các sản phẩm văn hóa phục vụ cho người lao động); quyền làm chủ của người lao động trên thực tế; công bằng xã hội; chính sách an sinh xã hội… "Tất cả những vấn đề trên cần đưa vào Luật và cụ thể hóa bằng chính sách cụ thể của Nhà nước, chứ không nên chỉ dừng ở vận động như hiện nay", ông Bùi Đình Bôn nhấn mạnh.

Từ góc độ lý luận và thực tiễn về CNVCLĐ, ông Nguyễn An Ninh - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Cần đánh giá đúng thực tế, phải nhìn thẳng vào thực tiễn tình hình CNVCLĐ hiện nay, để từ đó xem xét, hoạch định chính sách hiệu quả.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cho rằng ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ Công đoàn nêu tại Hội thảo đều rất tâm huyết, trách nhiệm, nêu được thực tế hiện nay cũng như dự báo về tình hình CNVCLĐ và hoạt động công đoàn sắp tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đề nghị các đơn vị tham gia Hội thảo tiếp tục cung cấp, hoàn thiện số liệu; làm rõ một số vấn đề; đồng thời giao Viện Công nhân và Công đoàn tổng hợp, để từ đó Tổng LĐLĐ Việt Nam có cơ sở khoa học kiến nghị tới Đảng, Chính phủ có những chính sách cụ thể, sát thực chăm lo cho CNVCLĐ.

Ở góc độ tổ chức Công đoàn, ông Trần Thanh Hải đề nghị, cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; làm sao để CNVCLĐ được thụ hưởng các chính sách tốt nhất, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của CNVCLĐ.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này