Tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật

07:27 | 11/08/2022
(LĐTĐ) Trong điều kiện bình thường, cơ hội việc làm đối với người khuyết tật vốn đã khó khăn, thì dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp càng khiến vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật thêm nhiều trở ngại.
Thân khuyết, tâm không khuyết Tăng cơ hội việc làm giúp người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng Việc làm cho người khuyết tật nhiều nhưng không ít trở ngại

Nhiều rào cản về việc làm đối với người khuyết tật

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện cả nước có hơn 6,2 triệu người khuyết tật nhưng chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động. Tỷ lệ có việc làm đối với người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên là 36%, trong khi tỷ lệ này ở người không khuyết tật là 60%. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người khuyết tật là đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi mất việc làm và hiện rất khó quay trở lại thị trường lao động để tìm cho mình một công việc phù hợp.

Tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật
Người lao động khuyết tật được đào tạo và làm việc tại Hợp tác xã Vụn Art (quận Hà Đông).

"Tôi đã đi xin việc khắp nơi, kể cả các công ty, xí nghiệp, nhưng ngay từ việc qua cổng bảo vệ cũng đã khó khăn chứ chưa nói tới việc gặp được người có trách nhiệm để nộp hồ sơ hay gặp người quản lý để được trao đổi, phỏng vấn…" - một người lao động khuyết tật ở huyện Hoài Đức chia sẻ. Còn chị Nguyễn Thị Hương - người khuyết tật ở quận Hai Bà Trưng thì bộc bạch: “Tôi có bằng trung cấp tin học, muốn tìm công việc văn thư, hành chính, bán hàng nhưng rất khó khăn vì các vị trí này đa số có yêu cầu cao về ngoại hình, sức khỏe… Tôi cũng được giới thiệu làm nghề may, nhưng hiện nay lại chưa biết nghề, vả lại cơ sở này ở ngoại thành nên tôi cũng không đáp ứng được do hạn chế trong di chuyển”.

Nói về những rào cản trong quá trình tìm kiếm việc làm của người khuyết tật, nhất là trong và sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19, bà Đào Thu Hương - cán bộ về quyền của người khuyết tật, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường lao động ngày càng đặt ra những yêu cầu cao về năng lực cũng như chất lượng của người lao động. Trong đó, các doanh nghiệp hướng đến phát triển và vận hành sản xuất theo phương thức chuyển đổi số. Người bình thường khi tham gia vào thị trường lao động đã là một thách thức, thì với lao động là người khuyết tật càng khó khăn hơn, nhất là hiện nay, đa phần lao động người khuyết tật là lao động thủ công, không có trình độ thì việc bị loại trừ ra khỏi thị trường lao động là điều dễ nhận thấy.

Bà Đào Thu Hương cũng cho rằng, cùng với chính sách việc làm đối với người khuyết tật có những điểm không còn phù hợp, người lao động khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để tự tạo việc làm… thì nguyên nhân còn do nhận thức của chính người khuyết tật còn hạn chế. "Rào cản đối với người khuyết tật là thiếu thông tin. Người khuyết tật hiện nay còn thiếu nhận thức về những chính sách ưu đãi mà họ được hưởng từ phía Nhà nước. Việt Nam có rất nhiều Luật, chính sách văn bản dưới Luật quy định về những ưu tiên mà người khuyết tật được hưởng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và việc làm. Tuy nhiên, từng cá nhân người khuyết tật lại chưa nhận thức rõ về những chính sách ưu đãi đó. Chúng ta vẫn chưa có một kênh thông tin, hệ thống đáng tin cậy để người khuyết tật tìm đến để có thể thấy cơ hội đào tạo nghề và cơ hội việc làm dành cho mình", bà Đào Thu Hương chia sẻ.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội Dương Thị Vân, những khó khăn của người khuyết tật là khi muốn đi xin việc thì phải biết làm hồ sơ, lập kế hoạch cá nhân phù hợp với công việc mà mình mong muốn; thế nhưng có nhiều người không biết khả năng, sở thích của mình. Đáng nói, không chỉ có rào cản trong quá trình phỏng vấn tuyển dụng ban đầu, mà ngay cả khi đã làm việc tại các doanh nghiệp, người lao động khuyết tật vẫn gặp những rào cản. “Chúng tôi tiếp nhận được phản hồi từ các doanh nghiệp là có những lao động khuyết tật sau khi được tuyển dụng vào làm việc thì nhận thấy môi trường, điều kiện làm việc chưa phù hợp, tạo ra cảm giác mất tự tin nên đã xin nghỉ việc”- ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết.

Tạo cơ hội việc làm, giúp người khuyết tật vươn lên

Thành phố Hà Nội có khoảng hơn 100.000 người khuyết tật, trong đó hơn 30.000 người có khả năng lao động. Hỗ trợ giải quyết việc làm nhằm tìm cho người khuyết tật có được một công việc phù hợp không chỉ giúp họ tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng mà còn khẳng định vai trò của người khuyết tật, giúp họ tham gia đóng góp cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của Thành phố. Xác định điều này, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực.

Phó Giám đốc Sở LĐTBXH thành phố Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, Thành phố đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch về an sinh xã hội, tạo việc làm, dạy nghề cho người khuyết tật. Riêng Sở LĐTBXH Hà Nội trong nhiều năm qua đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật.

“Kể từ năm 2012, chúng tôi đã phối kết hợp với Hội Người khuyết tật Hà Nội và Hội người khuyết tật 30 quận, huyện để triển khai các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tư vấn vị trí việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động cho người khuyết tật và hàng năm tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật” - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành thông tin.

Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội Dương Thị Vân thì cho biết, Hội Người khuyết tật với vai trò kết nối và nâng cao nhận thức, năng lực cho người khuyết tật đã tổ chức các lớp tập huấn về lập kế hoạch cá nhân, làm hồ sơ, trang bị kỹ năng cho người khuyết tật. Hội thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tạo điều kiện cho người khuyết tật được tư vấn ngành nghề, kỹ năng làm việc và ứng tuyển vào vị trí phù hợp với bản thân.

Nhằm hỗ trợ việc làm, giúp người khuyết tật vươn lên, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cùng cộng đồng xã hội cần chú trọng tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động khuyết tật, qua đó giúp họ rộng mở cơ hội việc làm. Bộ khuyến khích hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia dạy nghề cho người khuyết tật, quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn cho hơn 3.300 giáo viên trực tiếp dạy nghề cho nhóm lao động đặc thù này. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Hồi, các cơ quan chức năng ưu thực hiện mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho người khuyết tật...

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hoàng Thành Thái cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu tham mưu cơ chế chính sách về tài chính hỗ trợ người khuyết tật học nghề, hỗ trợ người sử dụng lao động nhận người khuyết tật vào làm việc, hỗ trợ những người khuyết tật có ý tưởng mở cơ sở sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Sở sẽ phát huy cao hơn nữa vai trò của các trung tâm đào tạo nghề hỗ trợ người khuyết tật và tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm hướng đến người khuyết tật. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở LĐBTXH Hà Nội cũng nhấn mạnh, để giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ trông chờ vào các chính sách xã hội hay tình thương. Về phía người khuyết tật cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, sẵn sàng đảm đương được công việc của nhà tuyển dụng, chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin về thị trường lao động để nắm bắt cơ hội việc làm. /.

Tú Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này