Nhà thơ Vũ Quần Phương nói chuyện về cụ Đồ Chiểu - một biểu tượng văn hóa dân tộc

21:40 | 15/06/2022
(LĐTĐ) Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (01/7/1822 – 01/7/2022), ngày 15/6, Hội Người mù thành phố Hà Nội đã tổ chức Chương trình nói chuyện chuyên đề và mời nhà thơ Vũ Quần Phương đến nói chuyện với chủ đề: Nguyễn Đình Chiểu - một biểu tượng văn hóa dân tộc.
Nâng cao kỹ năng giao tiếp cho lao động là người khiếm thị Tạo sân chơi cho người khiếm thị làm nghề xoa bóp Tháng 3 và những dấu ấn Thanh Xuân

Tại buổi nói chuyện, nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết, đối với người Nam bộ nói riêng và người Việt Nam nói chung, Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là một nhà thơ nổi tiếng mà còn là tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức, tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc.

Nhà thơ Vũ Quần Phương nói chuyện về cụ Đồ Chiểu - một biểu tượng văn hóa dân tộc
Nhà thơ Vũ Quần Phương nói chuyện về cụ Đồ Chiểu - một biểu tượng văn hóa dân tộc.

“Uy tín lớn lao về đạo đức của cụ Đồ Chiểu - một nhà giáo có rất nhiều học trò, là thái độ bất hợp tác đối với thực dân Pháp. Điều đó đã khiến cụ trở thành một sức mạnh lớn lao, mặc dù không có binh tướng trong tay. Nguyễn Đình Chiểu là linh hồn của phong trào chống Pháp, cổ vũ phong trào kháng chiến chống thực dân. Chính vì vậy, các tác phẩm thơ văn của cụ đã rung động lòng người, đi thẳng vào trái tim Nhân dân”, nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết.

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, nhắc đến cụ Nguyễn Đình Chiểu, người ta nghĩ ngay đến truyện thơ Lục Vân Tiên. Tác phẩm như là biểu tượng thơ văn của người dân Nam bộ. Đó cũng là tác phẩm làm nên hiện tượng lạ, ra đời một làn điệu dân ca Nam bộ - nói thơ Lục Vân Tiên. Từ truyện thơ này, dân gian đã thêm vào những giai điệu ngân nga, trữ tình để học đạo làm người từ những câu thơ cụ Đồ.

Đặc biệt, cụ Đồ Chiểu dù bị mù nhưng vẫn mở trường dạy học, bốc thuốc cứu người và tham gia bàn bạc công việc cứu nước. Thơ của Nguyễn Đình Chiểu thể hiện tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước và là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống xâm lược, phục vụ đất nước, Nhân dân. Nguyễn Đình Chiểu là một chiến sĩ văn hóa, đồng thời là chiến sĩ giáo dục.

Nhà thơ Vũ Quần Phương nói chuyện về cụ Đồ Chiểu - một biểu tượng văn hóa dân tộc
Hát xẩm trích đoạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga.

Năm 1888, nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu qua đời. Tên của cụ được đặt cho tên đường ở nhiều tỉnh, thành phố. Ngôi trường dành cho học sinh khiếm thị nổi tiếng của Thủ đô cũng được đặt theo tên của nhà văn hóa yêu nước này.

Phát biểu tại chương trình, ông Lê Trung Quyết - Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội cho biết, cụ Nguyễn Đình Chiểu - tấm gương người mù tự học tri thức, học nghề thuốc đông y để hành nghề cứu người, một nhà văn, một nhà văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam luôn là gương sáng để lớp lớp người khiếm thị học tập và noi theo. Cụ là một trong số 06 danh nhân của Việt Nam được thế giới công nhận và là người khiếm thị duy nhất trong số đó.

“Tôi mong rằng, hội viên Hội Người mù toàn thành phố hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và noi gương của danh nhân khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu để tiếp tục học tập, công tác tốt và vươn lên hòa nhập trong cuộc sống”, ông Lê Trung Quyết nhấn mạnh.

Mạnh Quân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này