Đẩy mạnh thành lập Công đoàn cơ sở và thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể

15:59 | 05/04/2022
(LĐTĐ) Ngày 5/4, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị giao Quý I/2022 về công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS); công tác Thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) và Chương trình “Một triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Đồng chí Nguyễn Phi Thường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội chủ trì Hội nghị.
Thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp: Tạo “cơ chế” chăm lo tốt hơn cho nguồn nhân lực Điểm sáng trong thực hiện thỏa ước lao động tập thể Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường chia sẻ kinh nghiệm ký mới Thỏa ước lao động tập thể đạt gần 400%

Dự Hội nghị có các đồng chí: Đặng Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội; các Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố: Phạm Bá Vĩnh; Lê Đình Hùng; Nguyễn Chính Hữu; lãnh đạo các Ban LĐLĐ Thành phố; Chủ tịch LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

Theo báo cáo tại Hội nghị, Quý I/2022, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tập trung tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Cụ thể, đã thành lập được 106 CĐCS, phát triển được 6.895 đoàn viên. Về việc thực hiện Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội, các cấp Công đoàn Thủ đô đã thành lập được 102 CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, kết nạp 6.527 đoàn viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Đẩy mạnh thành lập Công đoàn cơ sở và thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường phát biểu tại Hội nghị.

Ngoài ra, các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục tập trung triển khai Đề án thí điểm “Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch CĐCS ngoài khu vực Nhà nước thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2022” và Đề án thí điểm “Hỗ trợ, khuyến khích phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên, giai đoạn 2021-2022”.

Từ đầu năm đến nay, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tập trung triển khai công tác TƯLĐTT, chất lượng các bản TƯLĐTT được nâng cao. Nhiều bản TƯLĐTT có các điều khoản thỏa thuận có lợi cho người lao động so với quy định của pháp luật như: Tiền lương tối thiểu cao hơn 5-7% so với mức lương tối thiểu của Chính phủ quy định; người lao động được hỗ trợ 1 bữa ăn ca trị giá từ 20.000 - 30.000 đồng, được hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền nuôi con nhỏ…

Nhiều đơn vị Công đoàn cấp trên cơ sở tiêu biểu, đạt kết quả cao trong thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT như: Công đoàn Viên chức, Công đoàn ngành Xây dựng; LĐLĐ các quận, huyện: Long Biên, Hà Đông, Đan Phượng, Ứng Hòa, Phúc Thọ…

Về kết quả thực hiện Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, với sự quyết tâm vào cuộc của các cấp Công đoàn Thủ đô, chỉ trong thời gian từ ngày 20/2 - 28/3, thành phố Hà Nội đã từ vị trí thứ 10 lên vị trí thứ 3 bảng xếp loại số lượng sáng kiến của Tổng LĐLĐ Việt Nam từ 600 sáng kiến lên gần 10.000 sáng kiến. LĐLĐ Thành phố đã quyết định khen thưởng 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong việc tham gia Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”.

Đẩy mạnh thành lập Công đoàn cơ sở và thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể
Quang cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tham gia thảo luận, làm nổi bật những kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; thương lượng, ký kết TƯLĐTT và thực hiện Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”.

Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng, trong Quý I/2022, tổ chức Công đoàn tập trung chăm lo Tết, hỗ trợ đoàn viên, người lao động; mặt khác do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn… nên việc triển khai công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; thương lượng, ký kết TƯLĐTT chưa đạt được kết quả cao. Đối với việc triển khai Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, đại diện các đơn vị cho biết người lao động còn gặp khó khăn trong việc cập nhật sáng kiến của mình lên Cổng trực tuyến Công đoàn Việt Nam.

Mặc dù gặp những khó khăn nêu trên nhưng nhiều đơn vị cũng đã có giải pháp hiệu quả để phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, đó là tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và sự phối hợp của chính quyền cũng như các Thuế, Bảo hiểm xã hội…; thường xuyên rà soát dư địa và giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho từng thành viên trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và cán bộ Công đoàn chuyên trách đối với việc tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.

Chia sẻ về giải pháp để triển khai hiệu quả công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT, đại diện các đơn vị cho biết, bên cạnh việc giao chỉ tiêu cho từng cán bộ gắn với việc đánh giá hiệu quả công việc theo từng tháng, từng quý thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch LĐLĐ của địa phương cũng trực tiếp “xuất quân” để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cơ sở thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Đồng thời, xác định những nội dung chính để thương lượng, ký kết như: Tăng lương, giảm giờ làm, nâng cao chất lượng bữa ăn ca, nâng cao chế độ phúc lợi cho người lao động… Nhờ đó, đã có nhiều bản TƯLĐTT loại A, B được ký kết.

Đẩy mạnh thành lập Công đoàn cơ sở và thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể
Đại biểu tham luận tại Hội nghị

Thông tin về giải pháp triển khai hiệu quả Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, đại diện các đơn vị cho biết, đã cử cán bộ phụ trách về chương trình để thường xuyên nắm bắt thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ đoàn viên, người lao động cập nhật sáng kiến của mình lên Cổng trực tuyến Công đoàn Việt Nam đảm bảo đúng quy định.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS là nhiệm vụ sống còn và thương lượng, ký kết TƯLĐTT là nhiệm vụ căn cốt của tổ chức Công đoàn; thực hiện Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” góp phần khẳng định vai trò của đoàn viên, người lao động và của tổ chức Công đoàn vào quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch của đất nước.

Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đánh giá, trong Quý I/2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tổ chức Công đoàn Thủ đô đã có nhiều giải pháp, cách thức khắc phục khó khăn để triển khai công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Qua đó, mở ra triển vọng, tạo đòn bẩy để tiếp tục thực hiện tốt các công tác này trong Quý II/2022.

Liên quan đến nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề nghị các cấp Công đoàn Thủ đô bên cạnh việc tập trung triển khai hiệu quả các hoạt động trong Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; thương lượng, ký kết TƯLĐTT, bởi đây là nhiệm vụ sống còn, căn cốt của tổ chức Công đoàn.

Ngoài ra, các cấp Công đoàn Thủ đô cần tập trung phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; đồng thời LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tập trung rà soát các CĐCS và có các giải pháp phù hợp nhằm tổ chức thành công Đại hội CĐCS để tiến tới tổ chức Đại hội Công đoàn cấp trên cơ sở.

Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường tin tưởng, với tinh thần quyết tâm cao độ, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra và tiến tới tổ chức thành công Đại hội Công đoàn các cấp.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này