Nhiều mặt hàng tiêu dùng “leo thang” theo giá xăng

20:56 | 02/03/2022
(LĐTĐ) Sau nhiều lần liên tiếp tăng giá, ngày 1/3 vừa qua, xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh lên mức giá mới khi tiến sát mốc 27.000 đồng/lít. Trước việc tăng giá này nhiều người cho rằng, đây là điều khó tránh khỏi bởi những diễn biến trên thị trường dầu thô thế giới những ngày qua. Tuy nhiên, không ít người tỏ ra lo lắng và cho rằng, sau khi giá xăng tăng nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng sẽ rục rịch tăng giá theo…
Ngành bán lẻ Việt Nam phát triển Hàng Việt khẳng định chỗ đứng trong “bão” Covid-19 Chợ truyền thống đóng cửa, siêu thị nỗ lực đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa

Theo khảo sát của chúng tôi tại một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, mặc dù nguồn cung các mặt hàng rau củ quả tươi, thủy hải sản, thịt bò, thịt lợn… vẫn rất dồi dào, nhưng giá cả các mặt hàng có dấu hiệu tăng, đặc biệt khi giá thị trường xăng dầu chính thức được điều chỉnh tăng lên cột mốc mới vào chiều ngày 1/3 vừa qua.

Cụ thể, so sánh với giá rau xanh dịp Tết Nguyên đán vừa qua cho thấy, thời điểm này hầu hết các mặt hàng rau xanh đều tăng mạnh, thậm chí tăng lên gấp 2-3 lần, như cải thảo từ 6.000-7.000đồng/kg tăng lên 12.000-14.000đồng/kg; cải canh từ 5.000đồng/mớ lên 8.000-10.000đồng/mớ; xà lách 12.000 đồng/kg tăng lên 30.000 đồng/kg; rau cần từ 6.000đồng/mớ tăng lên 12.000đồng/mớ…

Nhiều mặt hàng tiêu dùng “leo thang” theo giá xăng
Nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá sau khi giá xăng được điều chỉnh tăng tiến sát mốc 27.000 đồng/lít

Cùng với đó, các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản cũng đều tăng lên như: Cá chép giòn từ 200.000-220.000 đồng/kg; cá lăng 130.000-150.000 đồng/kg; cá song 280.000-300.000 đồng/kg; thịt lợn có giá từ 150.000-170.000 đồng/kg, thịt bò 250.000-370.000 đồng/kg; thịt gà 120.000 đồng-150.000 đồng/kg…

Chia sẻ về việc các mặt hàng nông sản, thực phẩm tăng giá, chị Thu Nguyệt, tiểu thương ở chợ đầu mối Thanh Hà cho biết, hầu hết các loại rau xanh, thịt gia súc, gia cầm đã bắt đầu tăng giá mạnh hơn một tuần nay. Nguyên nhân là do giá xăng tăng đã kéo theo các chi phí vận chuyển tăng, kèm thêm thời tiết mưa rét kéo dài nên giá cả các mặt hàng rau xanh, thực phẩm đều tăng mạnh, thậm chí lên gấp đôi, gấp ba.

Trước sức ép từ việc mặt hàng xăng dầu tăng giá, dù đã có sự chuẩn bị trước, tuy nhiên tại các hệ thống siêu thị như MM Mega Market, Big C, AEON… bắt đầu cho thấy những dấu hiệu “quá tải”. Cụ thể, theo thông tin từ đại diện các hệ thống siêu thị này, hiện họ đã nhận được rất nhiều đề nghị từ phía các doanh nghiệp, các nhà cung cấp trong việc đề nghị tăng giá hàng hóa do các chi phí vận chuyển, kho bãi, bao bì… tăng giá khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng.

Cụ thể, theo đại diện siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung thông tin, do siêu thị thường ký hợp đồng cung ứng hàng hóa từ đầu năm nên giá xăng tăng tạm thời không ảnh hưởng đến hợp đồng cung cấp sản phẩm. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu đầu vào bột mì và bơ nhập khẩu, dầu ăn tăng ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, nên một số nhà cung ứng hàng hóa đã đề nghị tăng giá.

Đề cập đến vấn đề trên, theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, mặc dù xăng dầu tăng giá gây áp lực lên các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhưng giá hàng hóa không thể điều chỉnh tức thì như giá xăng dầu, mà phải có độ trễ nhất định sau khi siêu thị tiêu thụ lượng hàng cũ, nhập lô hàng mới.

Cũng theo ông Phú, trước việc giá xăng dầu tăng cao, bên cạnh việc các cơ quan chức năng cần bám sát diễn biến thực tế và tăng cường tuyên truyền, tìm kiếm các giải pháp kịp thời, phù hợp... thì cần khẩn trương kết nối lại chuỗi cung ứng và tiêu thụ nội địa, giảm chi phí vận chuyển xăng, dầu nhằm hạ giá thành sản phẩm, từ đó giảm áp lực lạm phát…

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này