Tham gia giao thông "quên" mũ bảo hiểm ngày Tết

21:20 | 04/02/2022
(LĐTĐ) Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng người dân du xuân “quên” mũ bảo hiểm vẫn là tình trạng diễn ra tương đối phổ biến.
Ngày Tết, tưởng Công an nghỉ, du xuân "quên" mũ bảo hiểm, nhiều người bị xử phạt Kỳ 4: Hạ tầng chưa tốt, ý thức lại kém Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Theo ghi nhận ngày 4/2 (tức mùng 4 Tết Nhâm Dần), thời tiết khô ráo khiến lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên các địa phương ngoại thành gia tăng. Tuy nhiên, đáng lo ngại, một bộ phận người dân khi tham gia giao thông đã vi phạm luật như không đội mũ bảo hiểm, kẹp 2, kẹp 3, lạng lách đánh võng trên đường do tâm lý vui chơi, chủ quan và do sự vắng mặt của Cảnh sát giao thông. Điều này vô tình tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn và mất trật tự an toàn giao thông.

Tại trục đường 21B qua huyện Ứng Hòa, không ít người chủ quan rằng dịp Tết đường vắng và lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ không kiểm tra nên không đội mũ bảo hiểm. Có trường hợp người lớn còn chở theo cả trẻ em nhưng cũng không đội mũ bảo hiểm. Điều này không chỉ đe dọa đến tính mạng người tham gia giao thông, mà còn gây bức xúc với những người chấp hành đúng các quy định về an toàn giao thông.

Được biết, để xử nghiêm vi phạm, đảm bảo tính răn đe, Chính phủ đã ban hành Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt.

Tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP, nhiều hành vi có tính chất nguy hiểm, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao sẽ bị tăng nặng mức phạt. Chẳng hạn, tăng từ 200.000- 00.000 đồng lên 400.000-600.000 đồng đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy cách.

Tham gia giao thông
Ngoại thành Hà Nội, trên trục đường 21B, nhiều người vô tư tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. (Ảnh: Giang Nam)

Trước đó, với hành vi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ - đường sắt quy định: Phạt tiền từ 200.000 - 300.000 đồng đối với người điều khiển xe chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy hoặc đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

Phạt tiền từ 200.000-300.000 đồng đối với người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy hoặc đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ...

Rõ ràng, việc tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm dịp nghỉ Tết là rất đáng lên án và đòi hỏi các ngành chức năng phải sớm có biện pháp xử lý nghiêm, nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Hơn hết, bản thân mỗi người cần nâng cao ý thức, chú trọng hơn đến việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, việc làm này tuy nhỏ song sẽ góp phần bảo đảm an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Cùng với lỗi không đội mũ bảo hiểm phổ biến ngày Tết, mức phạt với lỗi sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe máy cũng tăng mạnh. Theo đó, vi phạm này sẽ bị phạt tiền từ 800.000-1.000.000 đồng theo quy định tại Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP. Người điều khiển xe máy cần lưu ý, dừng xe vào lề đường mới sử dụng điện thoại để đảm bảo an toàn giao thông.

Tương tự, lỗi thường mắc trong ngày Tết là người điều khiển xe máy vượt đèn đỏ, đèn vàng sẽ bị tính vào lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và sẽ bị xử phạt theo quy định. Tại khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 800.000-1.000.000 đồng.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này