Hổ vốn gần gũi trong đời sống của người Việt

10:18 | 03/02/2022
(LĐTĐ) Đứng thứ 3 trong số 12 con giáp, Hổ là một con giáp đặc biệt gắn liền với lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam. Hổ xuất hiện trên các vật liệu kiến trúc, trên gốm, trên vải... từ lâu, sự đa dạng về hình tượng chúa tể sơn lâm trong mỹ thuật cổ Việt Nam đã được coi là biểu tượng cho sức mạnh tâm linh, thể hiện vũ trụ quan của người Việt.
Tuổi Hổ với khát vọng năm Dần Thấy gì từ những bộ phim trăm tỷ, trăm tập? Sự biến hóa của hình tượng hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam

Xuất hiện trong các vật dụng, kiến trúc

Hình tượng hổ trong nghệ thuật gốm xuất hiện sớm nhất trên các thạp gốm hoa nâu thời Trần, nổi tiếng với chiếc thạp hoa nâu khắc hình 3 con hổ đuổi nhau tại Bảo tàng Guimet (Paris, Pháp). So với các linh vật như rồng, phượng, lân hoặc những con vật bình thường khác như chim, cá, vịt, hươu, ngựa... hình ảnh của hổ là xuất hiện khá hiếm hoi trên đồ gốm. Dù vậy, sự hiện diện của hổ trên đồ gốm khá sớm và có tính liên tục.

Hổ vốn gần gũi trong đời sống của người Việt
Hồ trên thạp gốm hoa nâu thế kỷ 13-14 trang trí hình hổ đang đuổi bắt ngựa trên lưng có cắm cờ hiệu; hổ được tạo hình khoẻ khoắn, sinh động, mang vẻ dũng mãnh khi rượt đuổi nhau hoặc rượt đuổi con mồi.

Hình tượng hổ cũng xuất hiện trên nhiều dòng đồ gốm khác, với phong cách tạo hình khác biệt, tạo nên những dấu ấn riêng, độc đáo và thú vị. Minh chứng này là kết quả của quá trình khai quật khảo cổ học ở tàu cổ Cù Lao Chàm (năm 1997-2000) và khai quật ở các lò gốm cổ vùng Nam Sách, Bình Giang (Hải Dương).

Từ đó cho thấy các loại đồ gốm xuất khẩu với loại hình phong phú, mỹ thuật đặc sắc, trong đó có nhiều tiêu bản gốm trang trí đề tài hổ như bình gốm hoa lam, kendy, đĩa gốm men lam và nhiều màu, đĩa gốm hoa lam, hộp gốm hoa lam... chứng tỏ hổ là một đề tài trang trí được các thợ gốm và những người đặt hàng ưa chuộng. Những hình hổ này hoàn toàn không mang các ý nghĩa tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng hay sự sợ hãi, sùng bái như các thời kỳ trước mà thường là các đồ án trang trí tươi vui, sinh động.

Bước vào thế kỷ 16-18, hình tượng hổ có mặt nhiều trong các kiến trúc điêu khắc đình làng. Đình làng là công trình kiến trúc cổ truyền độc đáo của Việt Nam, bảo tồn khá trọn vẹn những đặc điểm nghệ thuật kiến trúc, đậm đà sắc thái dân gian.

Hổ là một đề tài ưa thích trong các bức chạm trên kiến trúc gỗ đình làng. Những ngôi đình nổi tiếng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam như Tây Đằng, Chu Quyến, Nghiêm Xá (Hà Nội), Trùng Hạ (Ninh Bình), đình Chảy (Hà Nam), Thổ Tang (Vĩnh Phúc), Hùng Lô (Phú Thọ) đều có chạm khắc những đề tài có liên quan đến hổ.

Hổ vốn gần gũi trong đời sống của người Việt
Bức chạm hổ trên ô thoáng cửa, thế kỷ 17.

Hổ trong điêu khắc đình làng thường không phải là các tác phẩm độc lập mà thường tham gia vào các hoạt cảnh như: hổ chạy theo chân Đinh Bộ Lĩnh trong cảnh mả táng hàm rồng, người cưỡi hổ (đình Chu Quyến), người cầm giáo đâm hổ (đình Tây Đằng), người đánh hổ, người và voi săn hổ (đình Chảy), hổ cày ruộng (đình Hùng Lô), người cầm súng bắn hổ (đình Hạ Hiệp)...

Hình ảnh hổ trong điêu khắc đình làng thể hiện trong một thế giới gần gũi, thân quen, không bị lệ thuộc, gò bó về tạo hình, đa dạng về thủ pháp, giản lược về hình thức, thể hiện cái nhìn hồn nhiên, mộc mạc, hóm hỉnh, đầy sức sống của nghệ thuật dân gian truyền thống.

Gần gũi hơn nữa là hình tượng hổ trong tranh dân gian hàng trống. Điển hình, Ngũ hổ là tranh dân gian thuộc dòng tranh Hàng Trống. Đây là bức tranh nổi tiếng được lưu truyền qua nhiều đời thường được bày trong những không gian thờ phụng. Trong tín ngưỡng dân gian, hổ được xem là linh vật có sức mạnh, oai linh, được tôn thờ. Ngoài tranh ngũ hổ còn có các tranh độc hổ theo màu sắc tương ứng: hoàng hổ, thanh hổ, bạch hổ, xích hổ, hắc hổ.

Hổ vốn gần gũi trong đời sống của người Việt
Tranh Ngũ hổ Hàng Trống do nghệ nhân Lê Đình Nghiên thể hiện, thuộc bộ sưu tập Lê Tuấn Anh với Hoàng hổ: được vẽ ngồi ở vị trí trung tâm, trước mặt có lệnh bài, trấn giữ Trung ương - ứng với hành Thổ; Bạch hổ: trấn giữ phương Tây - ứng với hành Kim; Hắc hổ: trấn giữ phương Bắc - ứng với hành Thuỷ; Thanh hổ: trấn giữ phương Đông - ứng với hành Mộc; Xích hổ: trấn giữ phương Nam - ứng với hành Hoả.

Màu sắc trong tranh hổ Hàng Trống khá lộng lẫy uy nghi nhưng cũng không kém phần hài hòa, độc đáo. Việc dựa trên nguyên lý ngũ hành để phối màu càng giúp bức tranh có nhiều ý nghĩa. Đường nét và cách tạo hình khỏe khoắn mang tính ước lệ cao được thể hiện theo lối đơn tuyến bình đồ, không theo quy luật xa gần của thị giác, các hình khối được sắp xếp nổi bật nhưng không kém phần uyển chuyển. Kết hợp cùng các hoạ tiết như mây ngũ sắc, cờ, kiếm, tinh tú... tạo thành một tổng thể uy nghiêm, hài hoà, cân bằng theo thẩm mỹ dân gian.

Hổ đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam, cho rằng, trong lịch sử Việt Nam và trong 12 con giáp, con hổ giữ vai trò rất quan trọng, đứng vị trí số 3 và con hổ rất gắn bó với đời sống con người, trong cả Mỹ thuật từ xa xưa tới nay. Con hổ thể hiện sức mạnh oai phong, lẫm liệt mà dân ta gọi con hổ với cái tên rất kính trọng, là chúa tể rừng xanh, là hồm, cọp, ông kễnh… chứng tỏ người Việt Nam rất tôn sùng loài vật này.

Bên cạnh đó, bà Phạm Thị Hoàng Oanh - Phó giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, cũng cho biết, dọc theo sự phát triển của lịch sử dân tộc, hình tượng hổ gắn liền với các thời đại khác nhau và cho thấy được sự phong phú, đa dạng trong mỹ thuật tạo hình cũng như mỹ thuật của người Việt trong đời sống hàng ngày.

Đánh giá về hình tượng hổ trong lịch sử dân tộc và mỹ thuật Việt, bà Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết: “Trong các linh vật, có lẽ hổ là một trong những linh vật được xuất hiện rất sớm. Hổ xuất hiện khá lâu đời từ những hình khắc thời tiền sử.

Hổ vốn gần gũi trong đời sống của người Việt
Bà Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Giao long - con thuồng luồng chỉ xuất hiện ở trên những hình khắc, trên những qua của các di vật đồ đồng. Còn riêng hổ, chúng ta thấy cả trong nghệ thuật tượng tròn, cụ thể là trên nắp thạp Vạn Thắng - bảo vật quốc gia. Hình tượng hổ từ thời văn hoá Đông Sơn đã rất gần gũi và gắn bó với đời sống con người. Rất ít linh vật được trang trí trong thời kỳ văn hoá Đông Sơn, nhưng lại xuất hiện hình tượng hổ. Từ đó ta có thể thấy rất rõ hình tượng vai trò của hổ trong lúc này”.

Cũng theo Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, thứ nhất, hình tượng hổ mang ý nghĩa đầu tiên là quan niệm về kính niệm, kính sợ hoặc thể hiện sự oai linh từ con hổ. Chính vì vậy hổ xuất hiện trên qua - một vũ khí cổ, rõ ràng thể hiện sức mạnh. Thứ hai, hình tượng hổ được thể hiện trên nắp thạp Vạn Thắng trong tư thế đang vồ mồi. Tất cả hình tượng đó đều thể hiện hình tượng oai linh của hổ.

Thời kỳ Đông Sơn cho đến thời kỳ sau theo tiến trình lịch sử, hổ với các chức năng khác nhau và được sử dụng trong đời sống với những quan niệm khác nhau. Từ thế kỷ 1-3, trong thời cổ đại đã có sự xuất hiện của "tứ linh" chỉ hướng, tín ngưỡng, tôn giáo. Hình tượng hổ cũng có lúc lại rất gần gũi, trên đồ gốm trong trưng bày gắn liền với đời sống sinh hoạt của con người. Hình tượng hổ ra đời sớm nhưng rất xuyên suốt trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam qua rất nhiều chất liệu và rất nhiều các loại hình, đó là nét độc đáo riêng biệt của dân tộc Việt.

Quang Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này