Nghệ An: Tết của những người về trong “bão táp”

14:27 | 02/02/2022
(LĐTĐ) Ở Nghệ An, trong đợt dịch vừa qua, nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt, cách chạy trốn dịch của họ cũng có một không hai. Họ đã được vòng tay cộng đồng cưu mang trên chặng đường vượt khổ trở về quê. Tết này, những người lao động ấy lại được đón năm mới trong điều kiện về vật chất và tinh thần tốt hơn trước nhờ sự chung tay giúp đỡ của mọi người.
Bò giàng- đặc sản miền núi Nghệ An Nghệ An: Làng nghề làm hương thảo mộc vào Xuân Trồng “vàng” cho ngày mai

Cùng vợ vượt cạn… qua điện thoại

Anh Lương Văn Bách, 29 tuổi, nhà ở bản Văng Môn, xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cùng vợ là chị Kha Thị Ánh, đầu năm 2021, họ rời bản vào thành phố Hồ Chí Minh kiếm kế sinh nhai. Đến nơi, anh Bách làm nghề tự do, chị Ánh làm công nhân may mặc. Từ tháng 6/2021, hai vợ chồng phải nghỉ việc vì dịch Covid-19, phải sống lay lắt trong khu trọ.

Cầm cự với dịch nên những đồng tiền tiết kiệm cũng cạn dần theo, trong khi đó, chị Ánh lại sắp sinh con. Lương Văn Bách dự tính đưa vợ về quê hương để sinh nở, nhưng thành phố bị phong tỏa nên đành phải ở lại. Không có tiền mua quần áo, bỉm sữa cho con, những người cùng dãy trọ lên mạng xã hội đã đăng thông tin xin hỗ trợ cho vợ chồng.

Nghệ An: Tết của những người về trong “bão táp”
Anh Lương Văn Bách và vợ là chị Kha Thị Ánh cùng đứa con sinh ra trong phòng trọ đang ấm áp bên căn nhà của mình ở quê hương

Sáng 13/9/2021, chị Ánh trở dạ, không có tiền nên anh Bách không thể đưa vợ đến bệnh viện sinh con. Không biết nhờ ai trong hoàn cảnh dịch dã để đỡ đẻ, anh Bách đành phải gọi điện thoại về cho mẹ ở quê để bà bày cho mình cách đỡ để từ kiến thức ít ỏi của bà.

Vừa nghe điện thoại vừa đỡ đẻ, mấy tiếng đồng hồ sau chị Ánh đã mẹ tròn con vuông. Ca vượt cạn lịch sử đời người của 2 vợ chồng trong phòng trọ kết quả đã cho ra đời 1 bé trai khỏe mạnh. Từ những đồng tiền chia sẻ của những người ở cùng dãy trọ, anh Bách có tiền mua sữa cho con và bồi dưỡng cho vợ.

Ngày 4/10/2021, vợ chồng anh Bách cùng đứa con mới sinh 20 ngày tuổi được bọc trong chiếc khăn rời thành phố về quê. Hành trình về quê dài hơn 1.500 km bằng chiếc xe máy cũ. Khi về đến thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, anh Bách kiệt sức, không chạy được nữa. May mắn, vợ chồng anh gặp được nhóm thiện nguyện tại đây và được họ hỗ trợ xe ô tô về quê nhà.

Sau 3 tháng chạy dịch về quê, giờ đây gia đình anh đã quen trở lại với cuộc sống nơi núi rừng. Ở quê không có việc làm ổn định, vợ ở nhà trông con nhỏ, anh Bách lên rừng làm rẫy. Anh chia sẻ: “Về đến nhà, trong tay không còn đồng nào, may được những người tốt bụng giúp đỡ nên mấy tháng nay, vợ chồng tôi đã có tiền để trang trải cuộc sống và mua được 1 con trâu. Tết này vui hơn nhiều”.

Bé 7 ngày tuổi phải chạy dịch cùng bố mẹ trên ngàn cây số

Anh Xồng Bá Xò, 22 tuổi và vợ là Già Y Tránh, 20 tuổi vào Bình Dương làm công nhân trong một nhà máy chế biến gỗ. Dịch Covid-19 ập đến, nhà máy có F0 nên phải đóng cửa, anh Xò mất việc khi vợ sắp sinh con. Ngày 21/7/2021, chị Tránh sinh mổ bé trai và 4 ngày sau thì ra viện. Trở lại phòng trọ, tiền đã hết. Thấy những công nhân đồng hương ồ ạt chạy xe máy về quê tránh dịch nên dù con còn nhỏ, vết mổ đẻ chưa lành nhưng vợ chồng anh Xò vẫn quyết định chạy về quê bằng xe máy.

Đứa con 1 tuần tuổi được người mẹ quấn trong khăn rồi cùng đoàn người 50 chiếc xe máy tức tốc về quê. Tuy nhiên, trên đường đi, xe máy của Xồng Bá Xò nhiều lần hỏng nên chậm lại phía sau. Trên đường, một số người thấy thương nên cho vợ chồng anh đồ ăn, nước uống và tiền. Khi đến tỉnh Quảng Nam, có người chụp ảnh đăng lên mạng xã hội. Câu chuyện hành trình về quê của vợ chồng anh được nhiều người biết và giúp đỡ. Về đến Đà Nẵng, một nhóm thiện nguyện đã thuê xe ô tô chở gia đình Xò về quê.

Nghệ An: Tết của những người về trong “bão táp”
Anh Xồng Bá Xò cùng vợ và con bên căn nhà gỗ mới làm từ nguồn tiền do các nhà hảo tâm hỗ trợ

Sau khi báo chí đăng tải câu chuyện, nhiều người xúc động khi chứng kiến hình ảnh đứa trẻ theo bố mẹ hồi hương vì đại dịch. Nhiều nhà hảo tâm sau đó đã chủ động hỗ trợ gia đình Xò.

Đến nay, vợ chồng Xò nhận được hỗ trợ hơn 500 triệu đồng rồi. Đây là số tiền quá lớn đối với gia đình. Xò dành 100 triệu để dựng căn nhà, số còn lại vẫn gửi tiết kiệm trong ngân hàng để dành cho con.

Gặp chúng tôi, anh Xò nhớ lại: “Lúc đó dịch bùng phát mạnh nên em sợ quá, ở lại biết đâu xảy ra chuyện gì cho vợ con thì càng không biết xoay xở thế nào, thấy anh em cùng quê chạy cả thì cũng phải liều mình bất chấp nhiều nguy hiểm đang chực chờ. Dự kiến ra Tết, em sẽ để cho vợ con ở nhà chăn nuôi, làm rẫy. Còn em vẫn sẽ tiếp tục lên thành phố để làm thuê. Số tiền mà các nhà hảo tâm đã tặng, em không dám tiêu phung phí”.

Cùng cảnh ngộ như vợ chồng anh Xò, anh Bách, còn có vợ chồng Và Bá Sao (23 tuổi) và Thò Y Dũng, ở bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Vào đầu năm 2021, vợ chồng Sao mang theo đứa con trai đầu lòng hơn một tuổi vào Bình Phước cạo mủ cao su. Do ảnh hưởng của đại dịch, đến đầu tháng 10, vợ chồng trẻ quyết định hồi hương bằng xe máy như hàng ngàn lao động khác. Tuy nhiên, khi tới địa phận Quảng Trị thì chị Dũng trở dạ rồi sinh con ngay bên Quốc lộ 1A.

Không còn tiền, bên đường mọi công tác y tế, hậu cần cho “ca” sinh nở này là số không. Cả gia đình sau đó được hỗ trợ đưa vào một trung tâm y tế gần đó. Khi phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, nhiều nhà hảo tâm đã hỗ trợ tiền và các vật dụng cần thiết cho sản phụ và cho xe cấp cứu chở về tới tận quê nhà.

Anh Sao được các nhà hảo tâm hỗ trợ gần 100 triệu đồng. Nhưng vợ chồng anh vẫn gửi tiết kiệm. Sao định rút ra một ít để sắm Tết cho con.

Ấm lòng người về từ vùng dịch

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong năm 2021, hàng ngàn lao động Nghệ An đã phải vượt chặng đường dài từ các tỉnh phía Nam để hồi hương. Ông Lê Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp, huyện Tương Dương cho biết, xã chỉ có 537 hộ dân nhưng có đến 339 người từ các tỉnh phía Nam chạy dịch về quê giữa chừng. Những lao động chạy dịch về quê, xã đã phối hợp với huyện tư vấn để người dân chuyển hướng tìm việc có tay nghề thay vì lao động phổ thông; tạo điều kiện để các gia đình vay vốn làm ăn, một số hộ dân đã được hỗ trợ lợn giống để nuôi.

Nghệ An: Tết của những người về trong “bão táp”
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An giải ngân vốn vay cho những lao động trở về địa phương

Tại huyện vùng cao Kỳ Sơn có gần 7.000 người chạy dịch về lại quê, theo ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Kỳ Sơn, không nên coi 7.000 người trở về là gánh nặng mà là nguồn nhân lực góp phần phát triển địa phương. Trước mắt, huyện Kỳ Sơn đã làm việc với các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thu nhận để họ có thu nhập.

Ngoài ra, UBND huyện tiếp tục mở rộng diện tích ruộng nước để bà con có đất sản xuất. Đồng thời, khôi phục lại nhiều diện tích chè lâu nay bị bỏ hoang, xây dựng các hợp tác xã chè để thu hút bà con tham gia. Địa phương kêu gọi tài trợ cây, con giống để những hộ nghèo trở về từ vùng dịch phát triển sản xuất.

Nghệ An: Tết của những người về trong “bão táp”
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An Kha Văn Tám đã trao số tiền hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh: TĐ)

Tại huyện biên giới Quế Phong, có trên 2.000 người hồi hương. Ông Dương Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, UBND huyện khảo sát nhu cầu đối với lao động không trở lại nơi cũ làm việc. Tìm hiểu rà soát nhu cầu tuyển dụng việc làm của những công ty trên địa bàn phù hợp với nguyện vọng cũng như chuyên môn của người lao động, tổ chức “Ngày hội việc làm” tại địa phương.

Ngoài ra, chỉ đạo các xã rà soát nhu cầu của hộ gia đình trong sản xuất nông nghiệp, đề nghị cấp trên giao rừng khoanh nuôi bảo vệ để người dân sống được nhờ rừng. Mặt trận Tổ quốc huyện đã xem xét hỗ trợ bò sinh sản cho những hộ đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, huyện sẽ phối kết hợp với một số doanh nghiệp trên địa bàn để chuyển đổi cây trồng tạo hàng nông sản phục vụ chế biến, kinh doanh.

Cao Sơn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này