10 điểm nhấn trong hoạt động Công đoàn Thủ đô năm 2021

10:19 | 04/01/2022
(LĐTĐ) Với những cách làm sáng tạo, khoa học, năm 2021 hoạt động của tổ chức Công đoàn Thủ đô đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Chào năm mới 2022, báo Lao động Thủ đô chọn lựa 10 điểm nhấn tiêu biểu trong hoạt động của Công đoàn Thủ đô năm 2021, xin trân trọng gửi đến quý bạn đọc.
Không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn Công đoàn thực hiện tốt vai trò đại diện Đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn

1. Lựa chọn và ban hành 10 hoạt động trọng tâm, 10 nhiệm vụ trọng điểm của tổ chức Công đoàn Thủ đô

Trên cơ sở đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Đại hội XVI Công đoàn thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2018-2023 và 04 Chương trình công tác của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, 06 Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội về thực hiện Nghị quyết; đồng thời xác định các định hướng chỉ đạo theo Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội và Tổng LĐLĐ Việt Nam trong giai đoạn mới, năm 2021 Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố xây dựng và ban hành Chương trình công tác với 10 hoạt động trọng tâm và 10 nhiệm vụ trọng điểm của tổ chức Công đoàn Thủ đô, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và thực hiện chủ đề công tác năm của Tổng LĐLĐ Việt Nam là “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở (CĐCS)” của Tổng LĐLĐ Việt Nam và chủ đề công tác năm của thành phố Hà Nội là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố cũng đã quyết định thành lập 10 Tổ công tác chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm của tổ chức Công đoàn Thủ đô năm 2021.

10 điểm nhấn trong hoạt động Công đoàn Thủ đô năm 2021
Ngày 13/7, đồng chí Nguyễn Phi Thường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Liên đoàn Lao động Thành phố đã chủ trì họp giao ban Ban Chỉ đạo để nắm bắt tình hình và tiếp tục chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.

2. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả 04 Đề án thí điểm.

Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp Công đoàn tập trung triển khai 04 Đề án thí điểm nhằm phát triển tổ chức Công đoàn về cả chất và lượng. Đó là các đề án: “Hỗ trợ, khuyến khích phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên, giai đoạn 2021-2022”; “Nâng cao hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trong doanh nghiệp”; “Xây dựng, phát hành Bản tin sinh hoạt CĐCS”; “Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch CĐCS khu vực ngoài Nhà nước thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2022”.

Đến hết năm 2021, đã phát hành 3 số “Bản tin sinh hoạt Công đoàn cơ sở” với 21.540 cuốn; hỗ trợ cho các tập thể và cá nhân trực tiếp tham gia thương lượng, ký kết, chấm điểm, phân loại các bản TƯLĐTT, với số tiền 2 tỷ 462 triệu đồng; phân bổ 109 lớp (50 học viên/lớp), với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng để Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức thực hiện các lớp đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch CĐCS khu vực ngoài Nhà nước; hỗ trợ 77 CĐCS, với số tiền 77 triệu đồng theo Đề án thí điểm “Hỗ trợ, khuyến khích phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên, giai đoạn 2021-2022”.

3. Ban hành 02 Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội (khóa XVI)

Nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn, Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-LĐLĐ về “Công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới” và Nghị quyết số 15/NQ-LĐLĐ về “Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước”; tham mưu Thành ủy ban hành Kế hoạch số 35-KH/ TU ngày 28/7/2021 về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chất lượng hoạt động Công đoàn Thủ đô đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

4. Tổ chức chương trình “Tết Sum vầy” và các hoạt động chăm lo nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 hiệu quả, thiết thực, giúp nhiều đoàn viên, người lao động được đón Tết cổ truyền dân tộc đầm ấm, vui tươi

Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các cấp Công đoàn Thủ đô đã phối hợp với các doanh nghiệp trao 100.943 suất quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, tặng 90.120 vé xe, hỗ trợ phương tiện cho công nhân lao động về quê đón Tết, với số tiền 62,047 tỷ đồng.

Chương trình “Tết Sum vầy” được các cấp Công đoàn tổ chức với nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực. Tại chương trình “Tết Sum vầy” do LĐLĐ thành phố Hà Nội đã có 800 suất quà (trị giá 1,6 tỷ đồng) và 126 giải thưởng (trị giá 185 triệu đồng) được trao cho đoàn viên, người lao động; có 20 doanh nghiệp tham gia 24 gian hàng, bán hàng giảm giá phục vụ đoàn viên, người lao động, mức giảm từ 5%-50% so với giá thị trường. Ngoài ra, 100% Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 546 CĐCS phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức Chương trình “Tết Sum vầy” và trao quà cho đoàn viên, người lao động.

Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã xây dựng Chương trình “Xe ô tô miễn phí đưa công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết”, nhưng do dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp nên đã chuyển đổi hình thức tổ chức 30 chuyến xe sang hỗ trợ kinh phí cho 918 công nhân lao động, với số tiền 601,8 triệu đồng; đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích công nhân lao động lựa chọn phương án ở lại Hà Nội đón Tết, hạn chế di chuyển, góp phần cùng cả nước kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, đảm bảo sức khỏe và đời sống, việc làm bền vững.

5. Tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động Thủ đô tham gia Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021

Các cấp Công đoàn đã tích cực, chủ động làm tốt công tác tuyên truyền về cuộc Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; tuyên truyền đoàn viên, người lao động tham gia bầu cử đúng luật chỉ đăng ký tham gia bỏ phiếu tại một nơi thường trú (đối với công nhân ở gần) hoặc nơi tạm trú (đối với công nhân xa quê).

Trong đó đặc biệt quan tâm chỉ đạo CĐCS trong các doanh nghiệp đề xuất với người sử dụng lao động bố trí thời gian sản xuất phù hợp và đảm bảo quyền lợi của công nhân lao động trong thời gian đi bầu cử, đã có 100% người lao động trực tiếp tham gia bầu cử ngày 23/5/2021; vận động đoàn viên, người lao động Thủ đô tích cực tham gia cuộc thi trực tuyến về Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do Bộ Tư pháp, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức, với 22.738 người lao động tham gia.

6. Đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện hiệu quả “”mục tiêu kép””, vừa phòng, chống dịch vừa ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh

Xác định việc phòng, chống dịch tại các nhà máy, xí nghiệp là ưu tiên hàng đầu, LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp với chính quyền đồng cấp hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập “Tổ An toàn Covid-19”.

10 điểm nhấn trong hoạt động Công đoàn Thủ đô năm 2021
“Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp thực sự phát huy hiệu quả.

Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội đã ban hành 83 văn bản chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của tổ chức Công đoàn tham gia cùng hệ thống chính trị thực hiện quyết liệt các giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Ngay khi đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 LĐLĐ Thành phố được kiện toàn, tập trung chỉ đạo hoạt động của 5 Tổ công tác và “Tổ Ứng phó khẩn cấp hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”; phối hợp chặt chẽ với Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, nhất là Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội để quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa chống dịch tốt, vừa sản xuất kinh doanh an toàn, hiệu quả.

Các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục duy trì đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động của tổ chức Công đoàn tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên các phương tiện thông tin, truyền thông của Báo Lao động Thủ đô, trang web LĐLĐ Thành phố và các mạng xã hội như: Facebook, Zalo… ; đồng thời sử dụng 3.340 nhóm Zalo, với 100.981 người tham gia để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có trên 11.500 “Tổ An toàn Covid-19” tại doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp đã có tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức Công đoàn) với hơn 50.700 thành viên. Các “Tổ An toàn Covid-19” đã và đang phát huy hiệu quả vai trò đồng hành cùng doanh nghiệp không chỉ trong việc phòng, chống dịch mà còn mở rộng sang các hoạt động khác như xây dựng và giữ vững “vùng xanh” doanh nghiệp; duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh; chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch. Mô hình “Tổ An toàn Covid-19” được đông đảo doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, là mô hình sáng tạo của LĐLĐ Thành phố được Tổng LĐLĐ Việt Nam và lãnh đạo thành phố Hà Nội ghi nhận, LĐLĐ nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai, áp dụng.

7. Chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, thăm hỏi lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch

Trước những tác động của dịch Covid-19 đến đời sống, việc làm của người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã trích từ nguồn ngân sách Công đoàn trên 100 tỷ đồng và vận động nguồn lực hỗ trợ của xã hội với số tiền trên 104 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu chống dịch; ủng hộ Quỹ vắc xin và công tác phòng, chống dịch…

10 điểm nhấn trong hoạt động Công đoàn Thủ đô năm 2021
Những chuyến “xe buýt siêu thị 0 đồng” đã chở đầy “yêu thương” đến đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do đại dịch.

Trong thời gian thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố đã quyết định triển khai kế hoạch ứng phó khẩn cấp và thí điểm mô hình “Xe buýt siêu thị 0 đồng” để kịp thời hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch; chỉ đạo các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở triển khai các gian hàng 0 đồng, siêu thị 0 đồng, ô tô siêu thị 0 đồng…; vận động1.650 chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê từ 30-100% cho người lao động thuê trọ với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

8. Công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở được tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả

Năm 2021, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tuyên truyền, vận động thành lập được 494/421 CĐCS (đạt 117,33 kế hoạch), kết nạp mới 37.868/29.170 đoàn viên (đạt 129,8% kế hoạch); trong đó thành lập 58 CĐCS với 2.184 đoàn viên theo Điều 14 Điều lệ Công đoàn Việt Nam; thành lập 459/300 CĐCS doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (đạt 152,8% kế hoạch), kết nạp 35.180/20.000 đoàn viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (đạt 175,9% kế hoạch).

9. Chức năng chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động được chú trọng, từ đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp

LĐLĐ thành phố Hà Nội đã xây dựng 03 Clip hướng dẫn tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; Hội nghị người lao động và Hội nghị đối thoại tại nơi làm việc. Chất lượng các hội nghị tại các đơn vị ngày càng được nâng lên, tập trung vào các nội dung như: Xây dựng quy chế đối thoại, quy chế dân chủ tại cơ sở, lựa chọn bầu thành viên đại diện tập thể người lao động tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc... đúng quy trình, bài bản, nghiêm túc theo quy định.

Có 34 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã chủ động phối hợp chính quyền đồng cấp tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đoàn viên, người lao động trên địa bàn; nhiều CĐCS đã chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại giữa Công đoàn - người sử dụng lao động – người lao động để nắm bắt diễn biến, tư tưởng và giải quyết kịp thời những kiến nghị liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

10. Tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, lao động

Từ các phong trào thi đua do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống và được đông đảo đoàn viên, người lao động hưởng ứng, tham gia với tinh thần trách nhiệm cao. Bên cạnh đó, phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô” do LĐLĐ thành phố Hà Nội phát động cũng đã được doanh nghiệp, người lao động ủng hộ và tích cực tham gia.

Năm 2021, toàn Thành phố đã có 63.978 sáng kiến cấp cơ sở; 4.704 sáng kiến cấp trên cơ sở và 335 sáng kiến tính được giá trị làm lợi bằng tiền với tổng số tiền 550 tỷ đồng. Riêng chương trình “75 ngàn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, thành phố Hà Nội đã có 7.393 sáng kiến tham gia, trong đó có 4 sáng kiến được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp bằng sáng tạo. Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội đã quyết định tặng Bằng Công nhận danh hiệu “Sáng kiến trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô” và tặng Bằng khen cho 50 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong công nhân, viên chức, lao động Thủ đô.

Về phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, năm 2021 đã có 60.500 công nhân được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở. 3.655 công nhân được công nhận “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở. Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội quyết định tặng Bằng Công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2021 cho 100 công nhân tiêu biểu. Các phong trào thi đua do tổ chức Công đoàn phát động đã và đang tạo ra sức lan tỏa lớn, được các cấp chính quyền, chủ doanh nghiệp và đông đảo người lao động hưởng ứng tích cực. Từ các phong trào, đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo được áp dụng vào thực tiễn, có giá trị làm lợi lớn cho doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nâng cao thu nhập cho người lao động./.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này