Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể để đảm bảo quyền lợi cho người lao động

10:06 | 23/12/2021
(LĐTĐ) Ngày 22/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Công đoàn Hà Lan tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai.
Nâng cao vị thế của Công đoàn thông qua đàm phán tiền lương 7 giải pháp nâng cao hiệu quả thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể Thương lượng thành công nhiều khoản có lợi về lương, thưởng, phúc lợi cho người lao động

Hoạt động trên nằm trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể hiệu quả trong ngành Dệt May” đã được triển khai hiệu quả giai đoạn 2018 - 2020, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, giảm tranh chấp lao động.

undefined
Bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Thông tin tại Hội nghị, đại diện LĐLĐ huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên cho biết, đơn vị đã ký kết thành công Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm của 5 doanh nghiệp vào tháng 7/2019, đến tháng 7/2021, 5 doanh nghiệp tiếp tục ký kết TƯLĐTT nhóm lần 2. Khi TƯLĐTT nhóm có hiệu lực, 5 doanh nghiệp cơ bản thực hiện 6 nội dung cam kết trong thỏa ước nhóm như thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về Lao động, Công đoàn; tôn trọng người lao động, không quấy rối tình dục; không sử dụng các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh, tạo điều kiện cho người lao động được học tập, đào tạo, nâng cao tay nghề; rà soát cải tạo môi trường làm việc; ưu tiên tái ký hợp đồng với người lao động hoàn thành tốt công việc, con, người thân của người lao động vào doanh nghiệp làm việc…

“Để đạt được các kết quả trên, một phần là từ vận hành hiệu quả cơ chế hai bên thông qua xây dựng và tổ chức hoạt động Nhóm nòng cốt. Nhóm nòng cốt tại cơ sở là điều kiện đồng thời cũng là động lực quan trọng, quyết định đến sự thành công của quá trình đối thoại và thương lượng tập thể”, đại diện LĐLĐ huyện Văn Lâm khẳng định.

Bình luận về kết quả của LĐLĐ huyện Văn Lâm, bà Tống Thị Minh - chuyên viên độc lập cho rằng, quy trình xây dựng TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp với 4 giai đoạn là quy trình chuẩn, trong thực tiễn việc triển khai thực hiện các quy trình này dài hay ngắn, nhanh hay chậm, tùy thuộc nhiều vào trình độ và năng lực của đội ngũ thực hiện mà Nhóm nòng cốt tại cơ sở là hạt nhân.

Trao đổi về kinh nghiệm của Bắc Ninh, ông Hoàng Ngọc Tú - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhấn mạnh, để đối thoại, thương lượng hiệu quả thì tổ chức Công đoàn phải khẳng định được tầm quan trọng với doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp phải biết đến vai trò của Công đoàn.

Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể để đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Ông Hoàng Ngọc Tú - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh cho rằng để đối thoại, thương lượng hiệu quả thì tổ chức Công đoàn phải khẳng định được tầm quan trọng với doanh nghiệp.

Tại Bắc Ninh, để ký kết TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh khảo sát 16 doanh nghiệp trong nhóm điện tử. Trải qua 9 tháng, 6 lần đàm phán thì LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh quyết định chuyển mục tiêu từ số lượng doanh nghiệp tham gia ký kết sang số lượng người lao động được thụ hưởng. Do đó, TƯLĐTT chính thức ký kết năm 2021 gồm 7 doanh nghiệp nhóm điện tử với 15 nội dung cao hơn quy định của pháp luật và hơn 80 nghìn người lao động được thụ hưởng. Hiện nay, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh đang nghiên cứu để mở rộng sang các doanh nghiệp khác tạo ra mặt bằng mới, bản mẫu chăm lo cho người lao động trên địa bàn.

Dệt may Việt Nam là ngành có nhiều yếu tố đặc thù về sản xuất, về quan hệ lao động. Để có thể ký kết TƯLĐTT nhiều doanh nghiệp, rộng hơn là TƯLĐTT ngành Dệt May, rất cần đúc kết thêm các bài học kinh nghiệm từ các thí điểm của Dự án “Thúc đẩy đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng tập thể hiệu quả trong ngành Dệt May”.

Tại hội nghị, các chuyên gia và cán bộ Công đoàn tham dự đều khẳng định, dịch bệnh Covid-19 diễn biến kéo dài đã ảnh hưởng đến công tác đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT nói chung cũng như việc triển khai đối thoại xã hội tại nơi làm việc và thương lượng ký kết TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp. Do đó, hơn lúc nào hết, tổ chức Công đoàn cần đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng để đưa người lao động quay trở lại làm việc, tránh thiếu hụt lao động dịp cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Bên cạnh đó, việc thu hút sự tham gia, ủng hộ của các nhãn hàng đối với quy trình thương lượng tập thể nhiều doanh nghiệp cần được nhấn mạnh trong các hoạt động của Dự án ở giai đoạn tiếp theo để cải thiện chất lượng của các bản TƯLĐTT đã ký kết.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này