Phát triển sản phẩm lưu niệm gắn với quảng bá hình ảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám

16:26 | 02/11/2021
(LĐTĐ) Được phát động từ đầu tháng 8/2021, đến nay, cuộc thi Designed by Vietnam 2021 chủ đề “Đánh thức truyền thống” đã tìm ra 5 thiết kế sản phẩm lưu niệm đặc sắc nhất về Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Trưng bày hơn 100 tác phẩm thư pháp "Thăng Long ­- Hà Nội" Văn Miếu – Quốc Tử Giám: Biểu tượng của giáo dục Nho học Việt Từ di sản đến điểm du lịch hấp dẫn

Không thể phủ nhận sản phẩm lưu niệm là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến hiệu quả.

Sản phẩm đó vừa là trải nghiệm hấp dẫn trong chuyến đi, vừa có thể mua sắm để làm kỷ niệm hay quà tặng cho bạn bè, người thân. Đặc biệt, khi du khách mang món quà đó đi đến những nơi khác, truyền đến tay những người khác, một cách gián tiếp đã giới thiệu về hình ảnh và văn hóa của điểm du lịch đã đến.

Phát triển sản phẩm lưu niệm gắn với quảng bá hình ảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Thiết kế “Bánh trà Khuê Văn Các” của tác giả Phạm Vũ Khánh.

Nhận thức được vai trò của các sản phẩm du lịch, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phối hợp với cuộc thi Designed by Vietnam 2021 chủ đề “Đánh thức truyền thống” đưa ra một nhánh đề bài riêng là “Thiết kế sản phẩm lưu niệm về Văn Miếu - Quốc Tử Giám” trong hạng mục Thiết kế Vật dụng trang trí.

Được phát động từ đầu tháng 8/2021, đến nay, Cuộc thi đã tìm ra 5 thiết kế sản phẩm lưu niệm đặc sắc nhất về Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Cụ thể, 5 thiết kế được Ban Giám khảo lựa chọn để bước vào giai đoạn hoàn thiện, đó là: Bánh trà Khuê Văn Các của tác giả Phạm Vũ Khánh; Bộ cờ tướng “Chiếu” của tác giả Nguyễn Quốc Duy; Khứ hồi của tác giả Lưu Như Ngọc; Văn của tác giả Hồ Trương Thanh Trúc; Văn bia Souvenir của tác giả Vũ Viết Dương.

Thiết kế “Bánh trà Khuê Văn Các”, tác giả Phạm Vũ Khánh lựa chọn hình tượng Khuê Văn Các và sử dụng nguyên liệu trà Shan tuyết cổ thụ để sản xuất ra phẩm trà lên men. Bởi trong văn hóa Việt, trà là thức uống từ ngàn đời, tác giả lựa chọn hình tượng Khuê Văn Các mang biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, đề cao học vấn, biểu trưng cho văn hóa - giáo dục Việt Nam.

Tác giả Phạm Vũ Khánh chia sẻ: “Tôi là kỹ sư cơ khí, nghề sản xuất chè là của gia đình với hơn 20 năm kinh nghiệm. Tiếp xúc chè Shan, gắn bó với bà con dân bản giúp tôi học được từ họ nhiều điều về thiên nhiên, văn hóa, đặc biệt là cây chè. Tôi áp dụng mô hình nghiên cứu, xản xuất, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ với thiết bị máy móc, khuôn mẫu 100% Việt Nam, do chính tôi sản xuất để tạo nên sản phẩm trà thuần Việt, từ khẩu vị, hương thơm, kỹ thuật hình dáng, xuất xứ…

Mô hình phát triển này đã mang lại những giá trị nhất định cho trà Shan tuyết cổ thụ Việt Nam, góp phần nâng cao đời sống bà con dân bản. Việc tham gia dự thi thiết kế mẫu sản phẩm Bánh trà Khuê Văn Các là cách tôi cùng những người H’mông bản địa kể về vùng trà Shan cổ thụ bằng hình ảnh, nét văn hóa bản địa, giới thiệu phong vị trà Shan ngày càng lan tỏa hơn với cả Việt Nam và thế giới”.

Phát triển sản phẩm lưu niệm gắn với quảng bá hình ảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Thiết kế Bộ cờ tướng “Chiếu” của tác giả Nguyễn Quốc Duy.

Thiết kế Bộ cờ tướng “Chiếu” của tác giả Nguyễn Quốc Duy lấy ý tưởng từ chiếu chỉ, thánh chỉ vua ban, ngự ban, được sử dụng vào thời phong kiến, dùng để ban lệnh, kêu gọi đánh giặc hay dời đô. Mặt bàn cờ được dàn trên tấm “Chiếu chỉ”.

Vật liệu được sử dụng cho mặt bàn cờ là vải gấm vàng, sử dụng hoạ tiết chìm của Quốc Tử Giám nhằm mang màu sắc của truyền thống và trân trọng lịch sử thời phong kiến. Đồng thời, tác giả cũng mong muốn góp cho văn hóa mình một loại hình giải trí thường nhật thêm sinh động.

Phát triển sản phẩm lưu niệm gắn với quảng bá hình ảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Thiết kế “Khứ hồi” của tác giả Lưu Như Ngọc.

“Khứ hồi” là một thiết kế về bộ tranh gốm lắp ghép, một sản phẩm làm quà lưu niệm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Thiết kế với mong muốn giảm thiểu nguồn vật liệu không thể tái chế, khi sử dụng những mảnh gốm bị vỡ ở làng gốm Bát Tràng, ngoài việc có thể tái sinh lại vật liệu mà còn trân trọng vẻ đẹp truyền thống của làng gốm có bề dày lịch sử hàng trăm năm.

Truyền thống không chỉ gợi nhớ qua những việc hoài cổ mà đó còn là nơi khởi nguồn của những kiến tạo trong tương lai, qua chủ đề “Đánh thức truyền thống”, sản phẩm với mong muốn góp phần trong xu hướng thiết kế bền vững cũng như đánh thức những tình cảm về văn hóa, vẻ đẹp truyền thống làng nghề và tinh thần hiếu học vủa con người Việt.

Phát triển sản phẩm lưu niệm gắn với quảng bá hình ảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám
“Văn” của tác giả Hồ Trương Thanh Trúc.

“Văn” được xây dựng từ hình ảnh minh họa các biểu tượng kiến trúc đặc trưng của công trình Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bộ nhận dạng Văn Miếu - Quốc Tử Giám được hình thành ban đầu với 5 khu kiến trúc: Cổng Văn Miếu, Khuê Văn Các, Bia Tiến sĩ, Gác Chuông và Gác Trống, nhằm tạo ấn tượng cho du khách về những đặc trưng của một công trình cổ xưa của Việt Nam, và định hướng của sự bảo tồn đi đôi với phát triển văn hóa nghệ thuật.

Các sản phẩm trong bộ lưu niệm được kèm công năng dùng trong lĩnh vực học tập, văn phòng - với chủ ý đưa hình tượng Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành đại diện cho việc học tập, trau dồi bản thân của con người.

Cuối cùng là bộ vật phẩm “Văn bia” được thiết kế với phiên bản gốc rùa cõng bia đá, thừa hưởng từ vốn cổ. Bản thiết kế chính này được làm từ chất liệu gỗ tự nhiên phủ sơn mài và thiếp chữ vàng theo phương pháp cổ truyền.

Phát triển sản phẩm lưu niệm gắn với quảng bá hình ảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám
“Văn bia” của tác giả Vũ Viết Dương.

Ngoài ra còn có các phiên bản khác nhau về chất liệu và công năng hiện đại gần gũi trong cuộc sống. Ý tưởng trên thể hiện mong muốn đưa di sản lại gần hơn với đại chúng và di sản cũng được xem như cảm hứng trong cuộc sống thông qua việc tương tác với sản phẩm trong đời sống thường ngày.

Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đánh giá, những thiết kế sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng mang đặc trưng của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, có tính thẩm mỹ, sáng tạo, được chế tác bởi những vật liệu thân thiện với môi trường và có tính ứng dụng cao.

Kết quả của Cuộc thi sẽ được Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Ban Tổ chức Tuần lễ Thiết kế Việt Nam phối hợp cùng tác giả triển khai sản phẩm để sử dụng, nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này