Đánh thức tiềm năng văn hoá Việt tại "Không gian Văn hoá Quốc Tử Giám"

17:45 | 26/09/2021
(LĐTĐ) Sáng 26/9, Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp Dự án phi lợi nhuận về Văn hóa và Giáo dục Gavisto Diplomat tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Đánh thức tiềm năng văn hoá Việt", đồng thời ra mắt Dự án "Không gian Văn hoá Quốc Tử Giám".
Văn Miếu - Quốc Tử Giám áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch Khai mạc trưng bày chuyên đề "Chu Văn An - Thượng tường Sơn Đẩu" Trưng bày hơn 100 tác phẩm thư pháp "Thăng Long ­- Hà Nội"

Toạ đàm có sự tham gia của ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám; ông Trương Quốc Toàn - Cố vấn các hoạt động phát huy giá trị du lịch của Văn Miếu - Quốc Tử Giám; bà Hoàng Đoan Trang - Đồng chủ nhiệm Dự án Không gian Văn hoá Quốc Tử Giám.

Tại toạ đàm, ông Trương Quốc Toàn - Cố vấn các hoạt động phát huy giá trị du lịch của Văn Miếu - Quốc Tử Giám hy vọng tạo ra một cộng đồng "Văn Miếu và những người bạn", có thể làm thẻ thành viên với rất nhiều ưu đãi cho những bạn trẻ thường xuyên đến với Văn Miếu. Qua đó, khuyến khích họ đến Văn Miếu hàng tuần, hàng tháng chứ không chỉ 1, 2 lần trong năm.

"Làm sao để đưa di tích trở thành nơi sinh hoạt chung của những người yêu văn hoá Việt. Làm sao để những chữ, những con số, những tấm bia đá có thể kể câu chuyện lịch sử của mình" - ông Toàn trăn trở.

Đánh thức tiềm năng văn hoá Việt tại
Dự án "Không gian Văn hoá Quốc Tử Giám" được kỳ vọng là nơi sinh hoạt chung của những người yêu văn hoá Việt.

Toạ đàm cũng đã giới thiệu Dự án "Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám" do Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Dự án phi lợi nhuận về Văn hóa và Giáo dục Gavisto Diplomat và các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện, như một câu trả lời cho việc đánh thức tiềm năng văn hoá Việt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Dự án "Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám" là một lời khẳng định về sức trường tồn của "nhân, nghĩa, lễ, nhạc" trong đời sống dân tộc Việt Nam. Dự án mong muốn duy trì và tái hiện phong khí nền lịch sử giàu truyền thống của dân tộc Việt luôn đau đáu trong lòng những người có tình yêu với văn hoá Việt.

Cụ thể, Dự án sẽ quảng bá các hoạt động văn hóa giao lưu tại không gian văn hóa Quốc Tử Giám, cũng như cung cấp các thông tin về lịch sử Việt Nam trung đại tới công chúng. Bên cạnh các hoạt động văn hóa chung, Dự án cũng tập trung thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật gần gũi với người trẻ trong và ngoài nước; các chương trình trò chuyện chia sẻ về giá trị và sức sống của giáo dục xưa trong bối cảnh xã hội hiện đại...

Đồng chủ nhiệm Dự án "Không gian Văn hoá Quốc Tử Giám" Hoàng Đoan Trang chia sẻ: Trong những ngày Văn Miếu chưa được mở cửa đón khách, đây sẽ là nơi tập trung cho những hoạt động truyền thông của Văn Miếu. Đặc biệt, nơi để các bạn tích luỹ kiến thức, chia sẻ văn hoá Việt Nam như truyền thống học tập của Việt Nam, tầng lớp trí thức, khoa bảng đã trưởng thành từ ngôi trường Văn Miếu... Những nét đẹp của văn hoá truyền thống sẽ được truyền tải đến các bạn trẻ một cách trực quan, lý thú và sinh động.

Để có thể đưa hình ảnh của Văn Miếu - Quốc Tứ Giám nói riêng, văn hoá Việt nói chung gần hơn với truyền thông đại chúng, dự án "Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám" hy vọng sẽ là điểm mở đầu trong qua trình tiếp cận với hơi thở thời đại mới của các điểm văn hoá lịch sử.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này