Nới lỏng, quản chặt để hướng tới mục tiêu bình thường mới:

Kỳ 2: Các huyện “vùng xanh” nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới

07:52 | 22/09/2021
(LĐTĐ) Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Hà Nội đã đạt được những kết quả khả quan. Trong đó, việc Thành phố có quyết định điều chỉnh nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch đã giúp cho các địa phương, doanh nghiệp “vùng xanh” sớm trở lại hoạt động, dần phục hồi trạng thái bình thường mới. Để giữ vững thành quả này, đặc biệt là tại khu vực “vùng xanh”, các địa phương đã có những kế hoạch cụ thể, đồng bộ, đảm bảo thích ứng phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế.
Mở cửa kinh doanh tại các địa phương “vùng xanh”: Quyết không lơ là công tác phòng, chống dịch Nới lỏng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại “vùng xanh” để chuẩn bị bứt tốc Doanh nghiệp “vùng xanh” linh hoạt lựa chọn phương án sản xuất

Xây dựng kế hoạch đồng bộ, thích ứng với từng địa phương

Những ngày này tại nhiều huyện, thị xã thuộc “vùng xanh” trên địa bàn thành phố Hà Nội, không khí tất bật sản xuất, kinh doanh đã trở lại. Để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tại địa bàn quay trở lại làm việc, phục hồi sản xuất, nhiều địa phương “vùng xanh” đã nỗ lực xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp, đồng bộ.

Là một trong những địa phương được Thành phố phân “vùng xanh” từ những ngày đầu tháng 9, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Mỹ Đức ngay lập tức đã xây dựng kịch bản cụ thể, thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch, phục hồi sản xuất, kinh doanh theo phân vùng. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chặt chẽ người dân và các hoạt động xã hội, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn, bảo vệ vững chắc “vùng xanh”.

Kỳ 2: Các huyện “vùng xanh” nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới
Các địa phương “vùng xanh” nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, đảm bảo giữ vững an toàn cho "vùng xanh".

Trong đó, các giải pháp gồm nhóm bắt buộc tương ứng với từng mức nguy cơ, áp dụng ở phạm vi phù hợp và nhóm do chính quyền địa phương bổ sung, hoặc quyết định ở mức cao hơn trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, huyện triển khai duy trì hoạt động các “pháo đài” chống dịch tại các xã, thị trấn, lấy người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn; phát huy tốt năng lực của Tổ Covid cộng đồng và tự nguyện tham gia của người dẫn, quản lý tốt người từ vùng dịch đến/về địa phương. Không để ca F0 xâm nhập vào địa phương.

Ngoài ra, huyện xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để toàn bộ người dân biết, hiểu và tham gia phong trào phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả, giữ vững bảo vệ “vùng xanh”. Yêu cầu kiểm soát toàn bộ người đến giao dịch phải khai báo y tế bằng mã QR. Cùng đó, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các phương án sản xuất đảm bảo an toàn tại các doanh nghiệp; kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm; quan tâm phát triển các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động quan trọng khác trên địa bàn huyện…

Tương tự như Mỹ Đức, tại huyện Phú Xuyên, bên cạnh việc địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin toàn dân, xét nghiệm Covid-19 diện rộng… nhằm bảo vệ an toàn cho “vùng xanh” sản xuất trong trạng thái bình thường mới, huyện Phú Xuyên đã xây dựng kế hoạch cụ thể với sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, theo sự chỉ đạo thống nhất của Huyện ủy, Ban chỉ đạo và Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 huyện.

Trong đó, đối với các chốt bảo vệ “vùng xanh”, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Phú Xuyên khuyến khích tiếp tục duy trì mô hình tự quản tại các thôn, xóm, cụm dân cư, tạo ý thức tự giác của mỗi gia đình, mỗi người dân; tuyên truyền vận động các gia đình tiếp tục thực hiện cam kết “Gia đình an toàn Covid-19” để chung tay trong công tác phòng, chống dịch bệnh; UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các tổ tự quản rà soát, điều chỉnh nội quy, quy chế hoạt động của các chốt bảo vệ vùng xanh cho phù hợp với việc thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg của Chính phủ.

Đồng thời, duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 của các xã, thị trấn; siết chặt di biến động của người dân để có biện pháp quản lý phù hợp, chặt chẽ. Tiếp tục duy trì hoạt động, phát huy vai trò, hiệu quả của các Tổ Covid cộng đồng trong việc rà soát, phát hiện, giám sát chặt chẽ các trường hợp liên quan đến ca bệnh, ổ dịch, đi từ vùng dịch về. Cùng với đó, tiếp tục chú trọng xây dựng và triển khai mô hình “Cơ quan, đơn vị an toàn” đến 100% cơ quan; mô hình “Thôn/cụm dân cư an toàn Covid-19” đến 100% thôn/ cụm dân cư trên địa bàn tiến tới xây dựng “xã, thị trấn an toàn Covid-19”...

Nỗ lực phòng dịch và phục hồi kinh tế

Trong thời gian qua, Phúc Thọ là huyện “vùng xanh” an toàn trong dịch của Hà Nội khi chưa ghi nhận ca F0. Tuy nhiên, không lơ là, chủ quan, ngay từ đầu tháng 8/2021, huyện Phúc Thọ đã yêu cầu tất cả các xã, thị trấn xây dựng, nhân rộng mô hình “vùng xanh trong vùng xanh” tại các thôn, cụm dân cư. Theo đó, mỗi thôn, cụm dân cư trên địa bàn huyện đều có các chốt chặn phòng, chống nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập. Đồng thời, UBND huyện Phúc Thọ đã có văn bản về việc chuẩn bị phương án chuyển trạng thái kết thúc giãn cách trên địa bàn, với mục tiêu “vừa sản xuất vừa chống dịch”.

Kỳ 2: Các huyện “vùng xanh” nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới
Các tiểu thương ở huyện Mỹ Đức đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi địa phương nới lỏng giãn cách.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ, để đảm bảo “vùng xanh” an toàn, toàn huyện đã thành lập 149 chốt kiểm soát y tế trực 24/24/7, kiểm soát chỉ cho người, phương tiện ra vào chốt trong trường hợp thật sự cần thiết, thực hiện đầy đủ việc khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch; thành lập được 117 Tổ Covid-19 cộng đồng, chia thành 750 nhóm với hơn 2.000 người “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” nắm rõ các nhân khẩu trên địa bàn phụ trách, tuyên truyền, vận động, giám sát người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch...

Đặc biệt, nhờ nhận định đúng tình hình, đúng đối tượng nguy cơ, vùng nguy cơ, Phúc Thọ đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, mô hình hay trong công tác phòng, chống dịch. Trong đó, kênh phát thanh được duy trì hiệu quả với 6 khung giờ phát một ngày, nội dung tuyên truyền ngắn gọn và dễ hiểu giúp dân dễ thực hiện. Ngoài ra, 2 trang fanpage “Diễn đàn huyện Phúc Thọ” và “Tre Việt” và các cuộc thi trực tuyến như “Yêu nước, hãy ở nhà! Gia đình thêm gắn kết”, cuộc thi ảnh trực tuyến “Chốt trực bình yên”… đã kịp thời định hướng dư luận nhân dân, giúp nhân dân tin tưởng, chấp hành nghiêm chủ trương, quy định phòng, chống dịch.

Bên cạnh sự chủ động đó, để thay đổi kịp thời khi Hà Nội thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, bảo vệ “vùng xanh” tuyệt đối an toàn, huyện Phúc Thọ nhanh chóng xây dựng kịch bản nhằm huy động sức mạnh toàn dân, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các đơn vị, doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch; đồng thời, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc mà các đơn vị, doanh nghiệp gặp phải để người dân, doanh nghiệp sớm trở lại trạng thái bình thường trong giai đoạn mới.

Kỳ 2: Các huyện “vùng xanh” nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới
Các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện Phúc Thọ đảm bảo thực hiện nghiêm kế hoạch phòng, chống dịch của địa phương nhằm giữ vững "vùng xanh" sản xuất.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, mặc dù thành phố Hà Nội đã có quyết định nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch, tuy nhiên việc duy trì ổn định sản xuất trên cơ sở bảo đảm an toàn phòng, dịch Covid-19 vẫn là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra. Tại các huyện ngoại thành như: Sóc Sơn, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Thanh Oai… bà con được tuyên truyền, hướng dẫn về việc tập trung duy trì sản xuất nhưng không quá 5 người/khu vực, bảo đảm khoảng cách 2m giữa hai người để tránh lây lan dịch bệnh.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kim An (Thanh Oai) Đỗ Hùng Cường cho biết, hiện nay việc sản xuất và tiêu thụ rau của người dân diễn ra khá thuận lợi. Ở đó, việc bảo đảm các quy định phòng dịch được đơn vị tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên đến thành viên. Các hộ dân trong hợp tác xã đang đẩy mạnh việc sản xuất các giống rau ngắn ngày, bảo đảm nguồn cung liên tục...

Vừa qua, huyện Thanh Oai đã có văn bản yêu cầu 23 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn chủ động xây dựng kịch bản sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Trong đó, tập trung trồng luân canh các giống rau ngắn ngày và chuẩn bị nguồn giống gia súc, gia cầm để tăng đàn vật nuôi...Qua đó, tăng nguồn cung nông sản, đảm bảo nhu cầu về lượng thực thực phẩm cho người dân địa phương cũng như sẵn sàng cung ứng cho các quận nội thành. Đồng thời, xây dựng phương án hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, nông sản, đảm bảo chuỗi cung cầu thông suốt.

Cùng với các huyện Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên… huyện Mê Linh cũng đang chỉ đạo phòng kinh tế và các xã, thị trấn đẩy mạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp để bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người dân trên địa bàn khôi phục, mở rộng sản xuất. Song, phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Thời gian tới, huyện Mê Linh sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm các phương án hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể vừa sản xuất, kinh doanh vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả trong tình hình mới. Đồng thời, phối hợp với các sở ngành xây dựng phương án kết nối, tiêu thụ nông sản cho bà con, đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn Hà Nội nói chung.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này