Hàng ngàn điểm bán hàng bình ổn, lưu động tại thành phố Hồ Chí Minh

12:45 | 19/07/2021
(LĐTĐ) Trước tình hình giá bán thực phẩm tăng mạnh tại thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Sở Công thương Thành phố cho biết có 3.001 điểm bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, 388 điểm bán hàng bình ổn lưu động phân bổ khắp các quận/ huyện được đưa vào hoạt động.
Thành phố Hồ Chí Minh: Phong tỏa thêm 60.000 dân, mở cửa chợ truyền thống Cuộc sống người lao động thành phố Hồ Chí Minh đảo lộn, vợ chồng “chia đôi” chống dịch Thành phố Hồ Chí Minh: Kiến nghị doanh nghiệp tự xây dựng khu cách ly tạm thời

Lãnh đạo Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện trên địa bàn thành phố đã có 3.001 điểm bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, 388 điểm bán hàng bình ổn lưu động được phân bổ khắp các quận/ huyện.

Sở Công thương cũng khẳng định số lượng các điểm bán trên sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới khi có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia. Theo đó, 3.001 điểm bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi được phân bổ rộng khắp địa bàn các quận huyện và thành phố Thủ Đức. Danh sách và địa chỉ cụ thể các điểm bán đã được công khai trên Cổng thông tin điện tử thành phố.

Hàng ngàn điểm bán hàng bình ổn, lưu động tại thành phố Hồ Chí Minh
Người dân thành phố Hồ Chí Minh trật tự xếp hàng mua thực phẩm tại một điểm bán. Ảnh Tân Nguyên

Ngoài ra, Sở Công thương cũng cho biết đã tổ chức huy động nhiều nguồn lực, kết nối các hệ thống phân phối, các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics tổ chức các điểm bán hàng bình ổn lưu động nhằm giúp người dân nghèo, khó khăn.

Theo đó, tính đến nay đã tổ chức được 388 điểm bán hàng lưu động bình ổn, trong số đó Viettel Post và VN Post tổ chức 258 điểm bán, Sở Công thương tổ chức 130 điểm bán.

Hiện nay chủ trương của Thành phố là chưa giới hạn đơn vị tham gia các cửa hàng bình ổn, điểm bán lưu động nhưng công tác tổ chức ở các điểm bán phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là phải tuân thủ giá bán phải bình ổn như cam kết.

Với sự mở cửa trở lại của chợ truyền thống thì hoạt động này phải thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, nhiều chợ sẽ kiểm soát số lượng người vào chợ thông qua việc phát phiếu, quét mã QR đến và đi bằng ứng dụng "Vietnam Health Declaration"…

Ngoài ra, Sở Công thương đang phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động các chợ truyền thống. Đơn cử như đã triển khai thí điểm mô hình mô hình "tổng đài đặt lịch đi chợ" (chợ Bình Thới, quận 11), hay mô hình "app đặt lịch đi chợ dành cho người dân" (tại chợ Tân Chánh Hiệp, quận 12)…

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng ngoài việc đẩy mạnh tiêm vắc xin trong thời gian tới thì cần đưa các ứng dụng công nghệ vào các hoạt động thường nhật, trong đó có việc mua thực phẩm, đi chợ…

Trước đó, vào ngày 18/7, Giám đốc Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh ông Bùi Tá Hoàng Vũ đã ký gửi văn bản báo cáo nhu cầu lương thực, thực phẩm cần được cung ứng đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Lãnh đạo Sở Công thương cho biết qua khảo sát tình hình thực tế thành phố Hồ Chí Minh hiện thiếu hụt nguồn cung rau củ quả với sản lượng khoảng 1.000 - 1.500 tấn/ngày. Khảo sát này dựa trên sự rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu tiêu dùng của người dân tại thành phố và khả năng đáp ứng của chuỗi cung ứng hàng hóa thành phố trong điều kiện 3 chợ đầu mối bị tạm ngưng hoạt động, khâu vận tải hàng hóa gặp khó, nguồn cung giảm sút.

Ngoài ra, do nhu cầu cung ứng trứng gia cầm hiện nay của các doanh nghiệp tại thành phố và từ các địa phương giảm, nên thành phố Hồ Chí Minh cũng đang thiếu hụt khoảng 300.000 - 400.000 trứng mỗi ngày.

Trước diễn biến này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký quyết định thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản khu vực phía Nam. Nhiệm vụ của tổ công tác này nhằm giúp Bộ trưởng chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản thuộc phạm vi quản lý của bộ.

Tân Nguyên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này