Về vụ cán bộ tự ý đi nước ngoài nhiều lần không xin phép:

Kỷ luật bằng hình thức khiển trách, có thỏa đáng?

19:18 | 10/06/2021
(LĐTĐ) Thời gian qua, câu chuyện nữ cán bộ (Thanh tra viên chính) của Thanh tra Chính phủ tự ý đi nước ngoài lên đến 27 lần không xin phép cơ quan chủ quản vẫn còn chưa hết xôn xao. Thì cũng chính mới đây, việc nữ cán bộ này chỉ phải nhận hình thức kỷ luật khiển trách khiến dư luận cho rằng, hình thức kỷ luật đó là quá nhẹ đối với việc tái phạm nhiều lần, xảy ra trong nhiều năm liên tiếp.
Kỷ luật nữ y tá vòi tiền người nhà bệnh nhân Covid-19 Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu kỷ luật nghiêm khắc Giám đốc Hacinco Cơ quan chức năng và Trường Đại học Lâm nghiệp cần làm rõ phản ánh của người lao động về hình thức kỷ luật

Như đã thông tin, ngày 14/4/2021, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Thanh tra Chính phủ đã có văn bản số 07/TB-UBKT thông báo kết luận về kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên Lê Hồng Sâm, Thanh tra viên chính Vụ Thanh tra, Chi bộ Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I).

Theo Thông báo này, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Thanh tra Chính phủ đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của đảng viên Lê Hồng Sâm, Thanh tra viên chính Vụ Thanh tra, Chi bộ Vụ I về việc đi nước ngoài không xin phép, không báo cáo lãnh đạo, cấp ủy; vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Kỷ luật bằng hình thức khiển trách, có thỏa đáng?
Quyết định kỷ luật bà Lê Hồng Sâm.

Kết quả kiểm tra, xác minh vi phạm xác định: “Từ ngày 1/1/2013 đến ngày 31/12/2018, bà Lê Hồng Sâm có 27 lần (tổng số 69 ngày, trong đó có 45 ngày làm việc và 24 ngày nghỉ) đi nước ngoài nhưng không báo cáo lãnh đạo, cấp ủy và không có quyết định của Thanh tra Chính phủ. Đồng chí Sâm đã vi phạm khoản 2 Điều 2 Quy định số 228-QĐ/TW của Ban Bí thư Đảng khóa XI về nhiệm vụ của Đảng viên và công tác quản lý đảng viên ở nước ngoài; vi phạm khoản 6 Điều 9 Quy định số 57-QĐ/TW và điểm 1.6 khoản 1 Điều 23 Quy định số 126-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương quy định một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng; vi phạm khoản d Điều 25 Quy định 181-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”. Đồng thời, “đồng chí Lê Hồng Sâm vi phạm khoản 1 Điều 27 Quy định số 102-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình”.

Thông báo chỉ rõ: “Vi phạm của đồng chí Lê Hồng Sâm làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Thanh tra Chính phủ, vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên”. Với những vi phạm trên, ngày 14/5 vừa qua, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đã ký Quyết định kỷ luật bà Lê Hồng Sâm, Thanh tra viên chính, Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại tố cáo khối kinh tế ngành bằng hình thức khiển trách. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 14/5/2021.

Việc bà Lê Hồng Sâm chỉ phải nhận hình thức kỷ luật khiển trách khiến không ít người cho rằng hình thức kỷ luật này là quá nhẹ, bởi bản thân bà không chỉ là đảng viên mà còn là công chức Nhà nước, hơn ai hết phải "tiên phong" trong vấn đề nêu gương!

Bày tỏ quan điểm về sự việc trên, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cho rằng, để kết luận vụ việc của bà Lê Hồng Sâm thì cần phải căn cứ vào hồ sơ cụ thể. Tuy nhiên, qua thông tin phản ánh trên các phương tiện truyền thông về vi phạm của bà Lê Hồng Sâm, cũng như xem xét Quyết định kỷ luật của Thanh tra Chính phủ thì hình thức xử lý như vậy là chưa thỏa đáng.

H.Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này