Tổ An toàn Covid-19: Thiết lập pháo đài chống dịch trong mỗi doanh nghiệp

17:06 | 20/05/2021
(LĐTĐ) Với thành viên là những người trực tiếp làm việc tại Tổ sản xuất, hàng ngày sát sao, gần gũi người lao động nên Tổ An toàn Covid-19 do các cấp Công đoàn Thủ đô phối hợp với chính quyền đồng cấp thành lập đã trở thành mắt xích quan trọng, là “cánh tay nối dài”, hỗ trợ đắc lực, góp phần cùng cả hệ thống chính trị Thủ đô đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19.
[Infographics] Quy định về hoạt động của “Tổ An toàn Covid-19” Nắm chắc tình hình quan hệ lao động, sáng tạo trong hoạt động để góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử Tạo điều kiện tối đa cho công nhân lao động tham gia bầu cử đầy đủ, nghiêm túc Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội: Ủng hộ công nhân, viên chức, lao động tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang 200 triệu đồng

Sát cơ sở và gần người lao động

Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm về việc thành lập “Tổ An toàn Covid-19” (chiều 15/5), Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Phù Đổng đã khẩn trương triển khai lựa chọn công nhân lao động có đủ điều kiện, lập danh sách đề nghị Giám đốc doanh nghiệp ban hành Quyết định thành lập Tổ An toàn Covid-19 và đã thành lập được 5 tổ với 15 thành viên.

Tổ An toàn Covid-19: Thiết lập pháo đài chống dịch trong mỗi doanh nghiệp
Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Nguyễn Phi Thường chủ trì họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của Liên đoàn Lao động Thành phố, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch.

“Ngay khi được thành lập, các Tổ An toàn Covid-19 của Công ty đã bắt tay vào hoạt động rất tích cực và quyết liệt. Trong điều kiện dịch bệnh phải hạn chế tập trung, tiếp xúc, các Tổ đã sử dụng công nghệ thông tin (zalo, facebook, thư điện tử, điện thoại) để phân công, đôn đốc công việc của từng thành viên như: Thường xuyên giám sát nhắc nhở công nhân thực hiện 5K cũng như các yêu cầu phòng, chống dịch khác; theo dõi sát sao sức khỏe của người lao động, phát hiện, nhắc nhở và kiến nghị người có trách nhiệm xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về công tác phòng, chống dịch theo quy định của chính quyền và quy chế của doanh nghiệp… ”- bà Nguyễn Thị Thu Giang - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn May Phù Đổng cho biết.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Giang, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, Công ty trách nhiệm hữu hạn May Phù Đổng đã quan tâm triển khai các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của cơ quan Y tế và chỉ đạo của chính quyền. “Việc thành lập Tổ An toàn Covid-19 là sự cụ thể hơn nữa, chi tiết hơn nữa, đưa công tác phòng, chống dịch tới từng bộ phận nhỏ nhất của doanh nghiệp, tới từng đoàn viên, người lao động, đảm bảo không còn lỗ hổng cho sự sơ sểnh hay chủ quan. Mô hình này thật sự rất hữu ích và cần thiết trong thời điểm hiện nay”- bà Nguyễn Thị Thu Giang nhận xét.

Theo ông Nguyễn Đức Thể - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Gia Lâm, không chỉ riêng Công ty trách nhiệm hữu hạn May Phù Đổng, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm đều rất khẩn trương, tích cực thực hiện chủ trương thành lập Tổ An toàn Covid-19, nhanh chóng vận hành và ghi nhận hiệu quả thiết thực từ mô hình này.

“Ngay sau khi có chỉ đạo của Liên đoàn Lao động Thành phố, Liên đoàn Lao động Lao động huyện Gia Lâm đã có công văn triển khai xuống các Công đoàn cơ sở bằng hình thức trao đổi nhanh qua điện thoại, zalo, facebook để cơ sở sớm nắm bắt tinh thần chỉ đạo, sau đó Liên đoàn Lao động và Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm đã có văn bản liên tịch chỉ đạo các doanh nghiệp thành lập Tổ An toàn Covid-19, hầu hết các Công đoàn cơ sở đều bắt tay vào thực hiện ngay” - ông Nguyễn Đức Thể cho biết.

Tổ "An toàn Covid-19": Mỗi doanh nghiệp thực sự là một pháo đài chống dịch
Đo thân nhiệt cho người lao động trước khi vào làm việc tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm

Cũng theo ông Nguyễn Đức Thể, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Gia Lâm là địa bàn giáp ranh khu vực có dịch (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và đã xuất hiện ca dương tính, nên trước đó các doanh nghiệp trên địa bàn đều đã chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

“Nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn huyện Gia Lâm đã thành lập Ban chỉ đạo phòng,chống dịch trong Công ty. Hàng ngày, khi làm việc tất cả người lao động phải thực hiện đúng quy trình về phòng chống dịch như đo thân nhiệt, giữ khoảng cách. Tại cổng Công ty, lực lượng bảo vệ có trách nhiệm kiểm soát người ra vào Công ty, thực hiện khai báo y tế theo quy định. Tuy nhiên, giờ đây, với việc thành lập các Tổ An toàn Covid-19 sẽ cụ thể hóa hơn nữa công tác phòng chống dịch tại chính phân xưởng, khu vực làm việc của người lao động” - ông Nguyễn Đức Thể nhận xét.

Tại nhiều Công đoàn cấp trên cơ sở khác, việc thành lập Tổ An toàn Covid-19 cũng được triển khai khẩn trương, nghiêm túc. Tại Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội, bà Hoàng Thị Thu Hồng- Phó Chủ tịch Công đoàn ngành cho biết, cùng với triển khai văn bản, Công đoàn ngành đã phân công cán bộ tham mưu, phụ trách chuyên đề chính sách pháp luật là bộ phận thường trực tham hướng dẫn, đôn đốc các Công đoàn cơ sở triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả trên tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Kết quả, các Tổ An toàn Covid-19 đã được thành lập tới từng bộ phận, chuyền may và đang phát huy hiệu quả rất tích cực”.

Còn ở huyện Thanh Trì, theo ông Bùi Văn Bình - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện, hầu hết các doanh nghiệp đều nhanh chóng ra quyết định thành lập Tổ An toàn Covid-19 và mỗi công ty thành lập nhiều tổ để theo dõi sát sao công tác phòng, chống dịch. Ví dụ như Công ty Tân Phát thành lập 6 tổ, Công ty Midu thành lập 2 tổ, Công ty Trung Dũng thành lập 4 tổ… “Qua theo dõi, đánh giá cho thấy các Tổ đều thực hiện nghiêm túc, thực chất và có nhiều sáng kiến trong công tác phòng, chống dịch Covid-19”, ông Bùi Văn Bình nói.

Gần 6.200 Tổ An toàn Covid-19 đã đi vào hoạt động

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết: Thành phố Hà Nội là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp, số công nhân lao động đông. Hiện trên địa bàn Thành phố có trên 250.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh với gần 2,5 triệu lao động. Trong đó có 9 Khu Công nghiệp, Chế xuất và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, thu hút 660 dự án đầu tư, với 160.102 người lao động, trong đó có trên 60% là lao động ngoại tỉnh.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, yêu cầu công tác phòng, chống dịch khẩn trương và cấp bách, Liên đoàn Lao động Thành phố đã triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch bệnh trong đó có việc thành lập các Tổ An toàn Covid-19.

Tổ "An toàn Covid-19": Mỗi doanh nghiệp thực sự là một pháo đài chống dịch
Tổ An toàn Covid-19 Công ty trách nhiệm hữu hạn May Phù Đổng sử dụng công nghệ thông tin triển khai công tác phòng, chống dịch.

Theo đó, Liên đoàn Lao động Thành phố yêu cầu mỗi Tổ sản xuất hoặc bộ phận tương đương của các cơ sở sản xuất kinh doanh ít nhất phải thành lập một Tổ An toàn Covid-19 hoạt động kiêm nhiệm. Trường hợp Tổ sản xuất có đông người lao động thì có thể thành lập nhiều Tổ An toàn Covid-19 để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ. Mỗi Tổ An toàn Covid-19 gồm ít nhất 3 thành viên, là người lao động trực tiếp làm việc tại Tổ sản xuất, am hiểu và có trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tự nguyện, gương mẫu, có uy tín đối với công nhân lao động.

Tổ An toàn Covid-19 có nhiệm vụ tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn, nhắc nhở công nhân trong Tổ thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc; theo dõi, kiểm tra, giám sát về tình hình sức khỏe và việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; phát hiện nhắc nhở, kiến nghị người có trách nhiệm xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về công tác phòng, chống dịch theo quy định của chính quyền và Quy chế của doanh nghiệp; báo cáo kịp thời cho lãnh đạo quản lý, Công đoàn cơ sở và bộ phận y tế của doanh nghiệp khi phát hiện trường hợp công nhân lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 (Ho, sốt, đau họng, hội chứng cúm, biểu hiện viêm đường hô hấp...) để cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời.

Đặc biệt, Tổ An toàn Covid-19 chính là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp, cơ quan chức năng truy vết F1; F2 và các trường hợp khẩn cấp trong doanh nghiệp khi có người mắc bệnh hoặc phải cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; đảm bảo nhanh chóng kịp thời và hiệu quả, trên tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.

“Một trong những yếu tố quyết định thành công trong việc khống chế dịch bệnh Covid-19 đó chính là nâng cao ý thức người dân từ cơ sở, đặc biệt nâng cao ý thức người lao động trong các doanh nghiệp. Trong đó, Tổ An toàn Covid-19 chính là một mắt xích quan trọng, là “cánh tay nối dài”, hỗ trợ đắc lực cùng lãnh đạo doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch hiệu quả, bởi chính họ là những người hàng ngày sát sao, gần người lao động nhất nên nắm bắt tình hình rất nhanh chóng” - Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.

Tính đến ngày 20/5/2021, đã có 100% Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên cơ sở đã triển khai văn bản hướng dẫn thành lập Tổ An toàn Covid-19 trong các doanh nghiệp.

30/30 quận, huyện và Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản chỉ đạo của Chính quyền về việc thành lập Tổ An toàn Covid-19 trong doanh nghiệp. Đã có 1.527 doanh nghiệp thành lập Tổ An toàn Covid-19, với 6.187 tổ và 31.458 người tham gia.

Riêng Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội có 292 doanh nghiệp thành lập Tổ An toàn Covid-19 với 1.791 tổ và 7.470 người tham gia. Huyện Phúc Thọ thành lập được 2 Tổ An toàn Covid-19 tại 2 doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn, với 08 người tham gia.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này